Bài học cho doanh nghiệp từ khủng hoảng BOT Cai Lậy

Lê Thanh Phong/ Báo Lao động

Hàng chục cảnh sát cơ động được tăng cường tại BOT Cai Lậy khi nhiều tài xế tiếp tục tụ tập phản đối tại đây, hôm 30.11. Ảnh: VnExpress.
Theo tui, BOT rất cần cho đất nước lúc này vì đó là nguồn lực rất quan trọng để xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông quốc gia hiện đại. Từ ngày giải phóng đến nay đã 42 năm, nhưng Việt Nam chưa có được con đường cao tốc Bắc – Nam, nếu không có sự tham gia của tư nhân thì biết khi nào mới hoàn thành.
Nhưng phải xây dựng cơ chế, chính sách minh bạch để các doanh nghiệp chân chính có niềm tin bỏ tiền đầu tư các dự án BOT, trên cơ sở mang lại lợi ích cho doanh nghiệp, cho cộng đồng xã hội và cho đất nước.
Xây dựng dự án dựa trên mối quan hệ thân hữu là con đường đi đến sự thất bại, không trước thì sau mà thôi.
Trần Quí Thanh
—–

Khủng hoảng BOT Cai Lậy xảy ra đúng 4 tháng, đến nay chưa có giải pháp dứt điểm, còn chờ 1-2 tháng nữa. Bốn tháng qua, cánh tài xế xung đột với doanh nghiệp đầu tư dự án, nhưng thực tế là phản ứng của người dân trước một trạm thu phí không công bằng.

Có người cảnh báo từ vụ Cai Lậy, doanh nghiệp vì lo sợ nên không dám đầu tư các dự án BOT. Nếu bỏ tiền tấn ra mà lượm lại bạc cắc, tiền lẻ thì chết chắc.

Cảnh báo này không sai nhưng chưa đủ. Không phải trạm thu phí nào người dân cũng phản đối bằng “tiền lẻ”, mà chỉ những trạm thu phí không công bằng, gây bức xúc thì dân mới đấu tranh. Bằng chứng là có những con đường BOT dân đi lại bình thường, nhiều người phấn khởi vì có được con đường tốt đẹp để lựa chọn.

Vậy thì với doanh nghiệp, bài học là phải tạo ra được những con đường tốt đẹp cho người dân lựa chọn, không phải là những con đường do ý chí chủ quan của các nhà quản lý hay do chính doanh nghiệp (hoặc cả hai) đặt ra.

Cho đến nay, các cơ quan từ địa phương đến Trung ương đều chứng minh dự án BOT Cai Lậy là đúng quy định. Các kết luận của Thanh tra Bộ Kế hoạch Đầu tư và Kiểm toán Nhà nước đều đánh giá dự án triển khai đảm bảo quy định của pháp luật. Nhưng có điều, chưa hẳn cứ đúng theo các quy định thì hợp lòng dân, và khủng hoảng trầm trọng vừa qua là một minh chứng.

Tại cuộc họp về tình hình BOT Cai Lậy chiều 4.12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phân tích rằng, có những vấn đề đúng pháp luật, đúng quy trình nhưng không phù hợp thực tiễn, không hợp lòng dân thì chúng ta vẫn phải nghiêm túc lắng nghe, cầu thị tiếp thu để sửa chữa.

Phù hợp với thực tiễn chính là hợp lòng dân. Người dân thấy rõ được doanh nghiệp bỏ tiền ra xây dựng cầu đường và thu phí có chính đáng hay không. Nếu như dự án được xây dựng đúng quy định, đúng pháp luật và có chất lượng, giúp cho người dân có thêm lựa chọn đi lại thuận lợi, an toàn, tiết kiệm, thì dứt khoát người dân vui lòng trả tiền.

Ngược lại, chỉ dựa vào những văn bản của các cơ quan nhà nước, cho rằng đã đúng quy định, đúng pháp luật là cứ chắc ăn lao vào đầu tư, thì coi chừng thất bại. Không thiếu gì những điều rất đúng trên giấy tờ nhưng xa rời cuộc sống, thậm chí phản lại cuộc sống.

Khi đầu tư một dự án BOT, doanh nghiệp hãy đặt mình là người dân, thì mới đưa ra quyết định đặt trạm thu phí ở vị trí nào là công bằng, thu phí bao nhiêu là phù hợp.

Nguồn: Theo báo Lao động
Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *