Bí quyết thành công của Tân Hiệp Phát

AD/ Theo Nhịp sống kinh tế

 

Ông Trần Quí Thanh – CEO Tân Hiệp Phát.

Gần đây, trong các bài phân tích của mình, nhiều kênh truyền hình châu Á đã đề cập tới câu chuyện về Tập đoàn Tân Hiệp Phát, một trong số ít thương hiệu nước giải khát Việt Nam có sản phẩm được xuất khẩu và tiêu thụ tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Vượt qua thử thách, khó khăn thuở ban đầu

Tân Hiệp Phát sản xuất sản phẩm đồ uống làm từ trà xanh từ nhiều năm trước, một sản phẩm nói khó không khó, nói dễ càng không dễ khi người Việt có nhu cầu uống trà, nhưng đã quen với trà miễn phí hoặc tự pha. Bà Trần Uyên Phương, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát chia sẻ rằng, vào thời điểm đó có rất nhiều ý kiến nói rằng ý tưởng phát triển sản phẩm đồ uống từ trà xanh sẽ không khả thi, bởi ở Việt Nam, trà là miễn phí. Nhiều doanh nghiệp cũng đã từng thất bại trong lĩnh vực này.

Vượt qua định kiến ban đầu, Tân Hiệp Phát đã tập trung đầu tư vào ngành giải khát mới mẻ. Tân Hiệp Phát khá táo bạo khi đầu tư lắp ráp dây chuyền sản xuất nước giải khát công nghệ Aseptic vô trùng đầu tiên ở Đông Nam Á, xây nhà máy sản xuất chai nhựa cho sản phẩm.

Công nghệ Aseptic là một phức hợp các dây chuyền kết nối chặt chẽ với nhau, để cho ra đời một sản phẩm trên nền tảng công nghệ Aseptic có thể tóm lược qua các công đoạn gồm: trích ly nguyên liệu, lọc ly tâm siêu tốc, phối trộn, tiệt trùng UHT, chiết rót – đóng nắp và đóng gói sản phẩm. Trong đó, giá trị mà Aseptic tạo ra hoàn toàn vượt trội so với công nghệ khác. Các dưỡng chất từ nguyên liệu tự nhiên sẽ được chuyển hóa tối ưu sang sản phẩm nhờ hệ thống chiết xuất hiện đại với các quy chuẩn ngặt nghèo về thời gian, nhiệt độ, chất lượng nước.

“Ngay khi tiếp cận với dây chuyền Aseptic, tôi đã quyết tâm phải đưa công nghệ này về Việt Nam dù chi phí cao đến mấy để người tiêu dùng (NTD) trong nước có cơ hội sử dụng những sản phẩm tốt nhất mà nó tạo ra”. Đó là lời khẳng định của ông Trần Quí Thanh, người sáng lập, Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát trước câu hỏi vì sao ông “dám” bỏ tới 300 triệu USD để đầu tư hệ thống dây chuyền công nghệ Aseptic vào sản xuất.

Những quyết định táo bạo với tầm nhìn xa của Tân Hiệp Phát – môt doanh nghiệp gia đình từ thuở ban đầu, cho đến hiện tại vẫn là hướng đi đúng, sự lựa chọn đúng. Cùng với đó, quyết tâm tạo ra nền tảng công nghệ dây chuyền sản xuất hiện đại nhất, tạo ra sản phẩm chất lượng tốt nhất vì sức khỏe người tiêu dùng đã làm nên thành công của gia tộc doanh nhân Tân Hiệp Phát.

Đào tạo, quản lý, kế thừa một gia tộc doanh nhân

Mô hình công ty gia đình là mô hình kinh doanh lâu đời và phổ biến trên thế giới. Tại Việt Nam, sự hiện hữu của các doanh nghiệp gia đình nhiều hơn khi kinh tế tư nhân được “cởi trói” sau công cuộc đổi mới năm 1986. Tuy vậy, các công ty gia đình giữ được sự phát triển vững mạnh là rất khó. Tân Hiệp Phát là một trong số đó.

Bà Trần Uyên Phương – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát nhận định: “Tại doanh nghiệp gia đình luôn tồn tại song hành giữa quyền sở hữu và tinh thần làm chủ. Để quản trị tốt, các doanh nghiệp gia đình cần kết hợp giữa chuyên nghiệp hóa với chủ nghĩa gia đình; văn hóa làm việc nhóm, sự trung thành, dũng cảm của nhân viên. Trong doanh nghiệp gia đình, lỗi lầm thì được tha thứ nhưng vi phạm đạo đức thì không được tha thứ”.

Theo bà thừa kế là trách nhiệm của thế hệ tiếp theo, nhiệm vụ làm sao các tài sản của thế hệ thứ nhất chuyển giao cho thế hệ thứ ba có cộng lãi. Chứ không phải kế thừa là xài cho hết số tiền truyền lại. Để doanh nghiệp gia đình phát triển bền vững cần thiết phải gia đình hóa doanh nghiệp, chuyên nghiệp hóa gia đình.

Bà Trần Uyên Phương (áo dài đen) – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát trong một tiết mục biểu diễn nhân 23 năm ngày thành lập tập đoàn Tân Hiệp Phát.
Nữ doanh nhân Trần Ngọc Bích (Em gái bà Trần Uyên Phương) cho biết: “Bích làm việc với sếp Thanh – Tổng giám Đốc Trần Quí Thanh – về góc độ nhân lực, tài chính, Bích biết rõ trong công ty chỉ có một người làm chủ, ra quyết định. Bích thấy không có vấn đề gì về thế hệ thứ nhất, thứ hai. Bích xác định việc mình phải làm gì để tốt cho công ty”.

Bà Trần Ngọc Bích chia sẻ thêm, trong bộ máy làm việc của một công ty, mỗi người sẽ có trách nhiệm quyền hạn đi chung với kết quả đạt được. Nếu người thân nằm trong ban quản trị mà không bàn giao ra kết quả thì cách duy nhất là xử phạt. Ban lãnh đạo công ty phải tạo ra những kết quả thuyết phục thì mới tương xứng với tầm của mình.

Về quan điểm đào tạo thế hệ thừa kế Tập đoàn Tân Hiệp Phát, ôngTrần Quí Thanh chia sẻ: “Quan điểm của tôi là cần cho con biết giá trị sự đúng, không đúng, giữa thưởng và phạt. Thương con muốn con là tương lai của mình thì phải đào tạo, phát triển và rèn rũa để con trưởng thành, thế hệ sau giỏi hơn thế hệ trước . Qua nhiều giai đoạn để xây dựng lực lượng kế thừa”.

Chân dung gia tộc doanh nhân – ông Trần Quí Thanh và 2 ái nữ: bà Trần Ngọc Bích (đầu tiên từ trái sang) và bà Trần Uyên Phương (thứ 2 từ phải sang).

Tân Hiệp Phát vừa kỷ niệm 23 năm thành lập, một quãng thời gian đủ dài để trưởng thành và phát triển. Đúng như tuổi 23 thanh xuân và tràn đầy năng lượng sống, gia tộc doanh nhân Tận Hiệp Phát đã không chỉ khẳng định vị trí thương hiệu quốc gia của người Việt, mà còn mang khát vọng vươn tầm ra thế giới.

 

Nguồn:  Báo Cafef dẫn theo Báo Nhịp sống kinh tế
Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *