Chi phí đắt đỏ của những lời nói dối

Nguyễn Hoàng Sơn/ Báo DNSG
Nguồn: Internet
“Nói dối” vẫn được dùng trong các giao dịch và quan hệ, nó như một thủ pháp để đạt mục đích nhanh nhất, lợi nhất. Nhưng đó là cái lợi nhất thời. Ham những cái lợi nhất thời rất dễ đẩy mình xuống hố. Cho nên tui rất đồng tình với tác giả Nguyễn Hoàng Sơn khi anh nói: “Lời nói thật bao giờ cũng giúp đơn giản hóa cuộc sống. Nếu luôn nói thật, chúng ta không cần phải nhớ những lời đã nói dối. Một trong những nguyên tắc của doanh nhân thành công là luôn nhìn vào thực tại, đó là nơi trải nghiệm, sáng tạo, năng động. Nói dối không thuộc về thực tại, mà thuộc về một tương lai sai lầm.”
 
Trần Quí Thanh
—–

 

Đâu là bí mật của những lời nói dối? Chi phí của chúng là bao nhiêu?

Một nghiên cứu của Đại học Massachusetts (Mỹ) cho kết quả: 60% số người trưởng thành nói dối ít nhất một lần trong bất kỳ cuộc đối thoại nào kéo dài hơn 10 phút, 40% số người nói dối trong hồ sơ xin việc…

Có rất nhiều lý do để nói dối: nhằm tránh đụng tới những sai lầm, kéo dài thời gian, tạo ấn tượng… Dù với bất cứ lý do nào, đó cũng chỉ là nói dối. Vậy đâu là bí mật của những lời nói dối? Chi phí của chúng là bao nhiêu?

Tạo ra sai lầm sẽ sống trong sai lầm

Rebekah Campbell – Giám đốc của công ty sở hữu ứng dụng tìm kiếm địa điểm Posse chia sẻ trên tờ New York Times, trong một lần dùng bữa với doanh nhân và cũng là nhà đầu tư tên Peter đến từ nước Anh, cuộc trò chuyện đi từ công việc đến cuộc sống riêng tư. Khi hỏi Peter về bí quyết thành công, Campbell nghĩ sẽ nhận được câu trả lời đại loại như “không bao giờ bỏ cuộc” hay “hãy cứ khát khao – hãy mãi dại khờ” (Steve Jobs).

Song ông ngạc nhiên khi nhận được câu trả lời: “Bí quyết để thành công trong công việc và cuộc sống của tôi là… không bao giờ nói dối”. Campbell tỏ vẻ hoài nghi vì ông biết nói dối là xấu, nhưng tại sao không nói dối lại có thể giúp doanh nghiệp thành công. Peter nói tiếp: “Đừng bao giờ nói dối! Sự trung thực sẽ cho ta sức mạnh tuyệt đối”.

Trong một nghiên cứu, GS. Henry Funk chọn ra 200 người ngẫu nhiên để phỏng vấn “Đã xem bộ phim The GodFather mới nhất chưa?”, đa phần trả lời là “xem rồi”. Tuy nhiên, sau khi phỏng vấn kỹ hơn thì có tới hơn 30% số người đã nói dối vì sợ “nếu nói là chưa xem sẽ chứng tỏ mình quê mùa, lạc hậu”.

Nhiều người còn nói dối để ngăn chặn điều không hay xảy ra từ một sai lầm, để có thêm thời gian.

Đặc biệt, theo nghiên cứu của Toma et al. (2008), khi khảo sát một website hẹn hò, ông phát hiện có rất nhiều tài khoản đăng thông tin cá nhân sai sự thật. Hơn 75% khai man tuổi tác, cân nặng, chiều cao hay các thông tin về tính cách – những chi tiết có thể kiểm tra được, với mục đích tạo ấn tượng tốt với đối phương, giành giật tình cảm của ai đó.

Một nghiên cứu khác của Micheal cũng khám phá nói dối được hình thành từ lúc con người mới tập nói thông qua thí nghiệm thú vị với việc chọn một vài đứa trẻ đưa vào phòng thí nghiệm và yêu cầu chúng úp mặt vào tường. Ông đặt món đồ chơi với âm thanh dễ nghe ngay sau lưng chúng, sau đó dặn là ông có việc phải đi và yêu cầu bọn trẻ không được quay lại. Sau khi xem lại camera và hỏi lại những đứa trẻ, tất cả đều nói dối là không cãi lời ông.

Quay lại câu chuyện về Peter – người đã đầu tư rất nhiều dự án khác nhau. Ông cho biết, khi thấy một dự án có điểm đáng ngờ, ông chờ đợi cho đến khi bài thuyết trình kết thúc và chỉ ra những luận điểm xảo trá. Ngay khi các nhà thuyết trình chịu nói sự thật, ông mới cùng họ tính đến chuyện làm gì tiếp theo.

Peter còn nhấn mạnh nói dối là nguyên nhân hàng đầu khiến một doanh nhân thất bại. Không phải bởi vì nói dối khiến họ trở thành kẻ xấu, mà điều đó sẽ ngăn chặn hành động đúng trong tương lai. Khi đã đưa ra một con số, một thông tin sai lệch, các chiến lược, kế hoạch, hành động tiếp sau đó cũng sai theo, và cái sai cứ thế nối tiếp nhau. Tạo ra sai lầm và sống trong sai lầm thì việc kinh doanh cũng chỉ là một sai lầm.

Nói dối ngăn cản sự sáng tạo

Mỗi khi nói dối, chúng ta cảm thấy lồng ngực dường như quặn lại, tim đập nhanh hơn, mồ hôi ướt đẫm lòng bàn tay. Những lời nói dối đặt chúng ta vào một tương lai giả tạo, gia tăng sự căng thẳng, ngăn cản sự sáng tạo. Máy phát hiện nói dối ra đời dựa trên những biểu hiện đó.

Một nghiên cứu của Sagarin cho rằng, khi bạn đưa ra càng nhiều thông tin thì khả năng chúng ám ảnh ngược lại bạn càng lớn. Kết quả là người nói dối có xu hướng nói ít hơn và cung cấp ít chi tiết hơn người nói thật. Người nói dối còn có tâm lý cố gắng tránh phạm điều sai lầm, bởi vậy họ thường ít đề cập những điều liên quan đến chính họ trong các câu chuyện.

Tác hại của những lời nói dối

Peter khẳng định việc nói dối gây ra những tác hại to lớn, đó là làm mọi người không tin tưởng lẫn nhau. Người đến muộn không tin đồng nghiệp của mình đủ khoan dung, những người còn lại bắt đầu hoài nghi về mỗi lời người này nói.

Đó là kết quả tích tụ từ những suy nghĩ đen tối, hoang mang và thói đâm sau lưng. Các thành viên trong nhóm dần trở nên thiếu nhiệt huyết. Các nhân viên trở nên ngờ vực. Trong một tổ chức mà không có sự tin tưởng thì không thể trường tồn.

Sau khi nghe những lời chia sẻ của Peter, Campell đã áp dụng thử. Trong một buổi thảo luận về tình hình tài chính doanh nghiệp, anh thú thực vì năng lực yếu kém và những sai lầm mắc phải, số tiền đầu tư đã được sử dụng không hiệu quả. Anh cảm thấy vô cùng lo lắng. Nhưng cuối buổi thảo luận, một nhà đầu tư chiến lược nói: “Tôi đánh giá rất cao sự minh bạch của anh. Hãy cho tôi suy nghĩ một ngày về việc này”. Ngày hôm sau, nhà đầu tư ấy gọi lại và nói sẽ tiếp tục đầu tư vào doanh nghiệp.

Lời nói thật bao giờ cũng giúp đơn giản hóa cuộc sống. Nếu luôn nói thật, chúng ta không cần phải nhớ những lời đã nói dối. Một trong những nguyên tắc của doanh nhân thành công là luôn nhìn vào thực tại, đó là nơi trải nghiệm, sáng tạo, năng động. Nói dối không thuộc về thực tại, mà thuộc về một tương lai sai lầm.


Theo báo Doanh nhân Sài Gòn
Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *