Giá trị của giáo dục phải là giá trị thật, không phải là ảo

Trần Quí Thanh

Ngày khai trường (Ảnh: Infonet)

Cháu chào chú,

Cháu không kinh doanh cũng không biết kinh doanh, rất mừng là blog của chú bàn tới nhiều lĩnh vực, không chi riêng kinh doanh. Về giáo dục chú cũng đã bàn tới  mấy bài rồi nhưng chưa thấy chú bàn tới căn bệnh cốt lõi của ngành giáo dục, đó là bệnh thành tích.

Nhân dịp năm học mới, rất mong chú bỏ chút thời gian bàn đến căn bệnh khổ đau của ngành giáo dục chúng cháu.

Kính thư

Hồ Luyến ( Quảng Trị) luyenho1972@gmail.com

 —–

Cháu Hồ Luyến thân mến!

Chú đoán cháu là giáo viên nên mới gửi “meo” trao đổi với chú về chuyện giáo dục. Rõ ràng, giáo dục không phải là việc riêng của ngành giáo dục, cho nên mỗi người trong chúng ta đều có trách nhiệm bàn bạc, góp ý, chí ít cũng bày tỏ suy tư của cá nhân, phải không cháu.

Đề tài mà cháu đưa ra chính là điểm cốt tử của giáo dục nước nhà hiện nay. Chú nói thiệt nhé, cho dù các chuyên gia có đưa ra đề án đổi mới toàn diện, chấn hưng to tất đến mấy, nhưng không loại bỏ được bệnh thành tích thì giáo dục Việt Nam không thể thay đổi.

Chạy theo thành tích sẽ dẫn con đường duy nhất là dối trá. Chú nhớ đã đọc nhiều bài báo viết về tình trạng “ngồi nhầm chỗ” của học sinh. Có những em học rất kém, nhưng giáo viên vẫn cho đủ điểm để lên lớp, vì nếu để những em đó ở lại lớp sẽ ảnh hưởng đến thành tích. Cứ thế, có em học đếb lớp 6 vẫn không biết đọc, biết viết. Ngồi nhầm chỗ là vậy đó.

Một em học sinh bị lưu ban một năm chẳng có vấn đền gì, chậm một năm để có tất cả, nếu vì bệnh thành tích mà cho em lên lớp thì làm hỏng cả cuộc đời.

Chú tức cười nhất là sắp nhỏ nhà chú đi học về, đưa bảng điểm, đứa nào cũng học sinh giỏi, toàn điểm 9, 10, hóa ra cả lớp đều như vậy. Làm gì có chuyện cả lớp đều là học sinh xuất sắc, học sinh giỏi. Giỏi hay xuất sắc thì mỗi lớp chỉ từ 0 đến 1 em thôi chứ.

Nhà nào cũng treo đầy giấy khen học sinh giỏi với đủ loại thành tích từ cấp huyện lên cấp tỉnh, cấp quốc gia đến quốc tế, nhưng câu trả lời là sản phảm khoa học, sản phẩm quản trị, thương hiệu doanh nghiệp của chúng ta đếm được có đủ mười ngón tay hay không?

Ngày xưa chú đi học, chẳng bao giờ có chuyện thi đua thành tích trong ngành giáo dục. Việc của người thầy là dạy học trò cho tốt, em nào học chưa tốt thì cho ở lại lớp để đảm bảo hoàn tất chương trình, nắm vững kiến thức. Khi lên lớp trên, các em theo kịp chương trình, khi ra trường, các em đúng là một tú tài, cử nhân, kỹ sư.

Giá trị của giáo dục phải là giá trị thật, không phải là ảo.

Đạo đức của người thầy chính là bản thân giữ sự ngay thẳng để dạy cho học trò sự trung thực.

Bệnh thành tích đã tước đoạt đi hai giá trị căn bản nhất của giáo dục. Không bỏ đi thì đó là tội ác.

Chú nói thẳng như vậy bởi vì đó chính là tiếng nói thật nhất trong lòng chú. Chắc cháu chia sẻ với chú điều này.

Cám ơn cháu.

Trần Quí Thanh

(Hãy gửi thư cho tôi: tranquithanh1953@gmail.com)

 

 

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *