Hiệu quả của kiến tạo phụ thuộc vào sự thay đổi của cả hệ thống

Trần Quí Thanh

Nguồn ảnh: Doanh nhân Sài Gòn.

……………….

Thưa chú Trần Quí Thanh

Bữa qua cháu đọc bài “Tư duy kỹ trị” sẽ thay đổi tư duy “quan trị” của chú đăng trên blog của chú, cháu thấy chú khen nhiều Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chính phủ hiện thời. Cháu cũng thấy Thủ tướng Phúc và Thủ tướng Khải là hai Thủ tướng có tư duy kỹ trị, rất đáng khen. Tuy vậy cháu vẫn thấy quản lý nhà nước vẫn khác xa với yêu cầu kiến tạo phát triển. Chú có thấy vậy không ạ? Theo chú để quản lý nhà nước bám sát hơn nữa cần phải làm gì?

Rất mong chú hồi âm.

Kính,

Nguyễn Quốc Liên (Hải Phòng): lien_nguyenquoc14@gmail.com

……………

Cháu Nguyễn Quốc Liên mến,

Vấn đề mà cháu đặt ra là điều mà các nhà quản lý cũng như các chuyên gia chính trị đều thấy rõ. Những cải cách của Chính phủ nhằm thực hiện một Chính phủ kiến tạo, liêm chính chỉ trong phạm vi của cơ quan hành pháp. Nhưng để thay đổi được, thực hện được một cách nhanh chóng, hiệu quả, mạnh mẽ, cần có sự tham gia của cơ quan lập pháp và cơ quan tư pháp, sự vận động của cả hệ thống chính trị.

Cháu thấy đó, việc thực hiện cải cách ngay các bộ ngành thuộc chính phủ cũng đã khó khăn, bởi vì còn ràng buộc hoặc xung đột bởi nhiều quy định của các ngành. Ví dụ như để bãi bỏ điều kiện kinh doanh hay thủ tục kiểm tra chuyên ngành, các cơ quan thuộc Chính phủ phải đối chiếu, so sánh các quy định của pháp luật. Có những quy định thuộc thẩm quyền của cấp bộ hay Chính phủ thì có thể quyết định bỏ hay không, nhưng có những văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội.

Cải cách là sự vận hành đồng bộ, chỉ cần vướng một quy định cần có thời gian điều chỉnh bằng một văn bản quy phạm pháp luật khác thì mất thời gian rất nhiều, ảnh hưởng rất lớn đến quá trình chuyển đổi. Các bộ ngành của Chính phủ triển khai một hoạt động cải cách, nhưng UBND các địa phương vận động như thế nào trong quá trình tham gia lại là việc khác.Thực tế cho thấy có những điểm nghẽn khi triển khai sáng kiến, kiến tạo xuống các cấp.

Hay ngược lại, ở địa phương muốn đột phá, tự chủ, tự quyết để thực hiện các dự án kinh tế nhanh chóng, thông suốt, nhưng không thể làm được vì giới hạn về thẩm quyền. Chính vì vậy nên TPHCM xin Trung ương cơ chế riêng hoặc xây dựng chính quyền đô thị, các đặc khu kinh tế cũng phải có quyền tự quyết của người đứng đầu, đặc khu trưởng hay thị trưởng.

Một vấn đề khác rất quan trọng, đó là vai trò của cơ quan tư pháp. Hoạt động tư pháp phải được cải cách mạnh mẽ, xét xử đúng pháp lật, không để xảy ra oan sai, không để án tồn đọng. Nếu như “án dân sự xử sao cũng được” như lời cựu chánh án tòa án tối cao Trịnh Hồng Dương nói thì rất nguy hiểm, cản trở cải cách vô vùng lớn.

Chưa kể, có không ít vụ án hình sự hóa án kinh tế, làm cho doanh nghiệp sợ hãi, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Nếu như doanh nghiệp không được pháp luật bảo vệ, người dân có thể mất an toàn tài sản, thậm chí mất an toàn về sinh mệnh pháp lý thì còn ai dám tin tưởng để đầu tư kinh doanh, vậy thì những chính sách kiến tạo của Chính phủ sẽ mất đi sức thuyết phục.

Phân tích một vài điểm như vậy để cháu thấy, kiến tạo là một việc, vai trò quản lý nhà nước còn nhiều bất cập thì sẽ khó đem đến hiệu quả cao. Quản lý nhà nước lại phụ thuộc các quy định của pháp luật, cho nên vai trò của cơ quan lập pháp là rất quan trọng.

Phải thay đổi mạnh mẽ và đồng bộ cả hệ thống thì hiệu quả cải cách mới cao. Nhưng dù sao, những nỗ lực của Chính phủ là rất đáng ghi nhận, không có sự bắt đầu thì làm sao có sự chuyển động và đi đến đích. Phải không cháu.

Chúc cháu vui vẻ, thành công.

Trần Quí Thanh
(Hãy gửi thư cho tôi: tranquithanh1953@gmail.com)

 

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *