iPhone hay là gạo

Trần Quí Thanh

GS Võ Tòng Xuân: “Làm lúa càng nhiều thì càng dư gạo, mà dư gạo thì giá sụt giảm, nông dân không có lời” Ảnh: Thúy Hạnh.

Tui còn nhớ câu chuyện về Iphone và gạo như thế này:  1 cái iphone tương đương 1,2 tấn gạo, đủ nuôi một gia đình 4 người trong 3 năm. Còn cây công nghiệp cao cấp cà phê cũng cho thấy, 1 iphone tương đương 890 ly cà phê. Nếu bạn là người uống cà phê đều đặn mỗi ngày thì mất 2 năm.

Việt Nam từng tự hào xuất khẩu gạo đứng nhất nhì thế giới, xuất 8 – 9 triệu tấn ra khắp thế giới. Số lượng nhiều chẳng nói lên điều gì cả, có khi lỗ chứ không phải lời. Bệnh thành tích nó ăn sâu vào trong cả chuyện kinh doanh, mà thành tích của kinh doanh là lãi, không phải doanh số.

Thái Lan xuất khẩu gạo số lượng thấp hơn Việt Nam, nhưng chất lượng gạo cao hơn, tỉ lệ phần trăm tấm thấp hơn, cho nên họ lãi cao hơn. Vậy thì 9 triệu tấn hay hơn nữa có gì để mà khoe.

Biến đổi khí hậu, nước biển dâng là thảm họa toàn cầu, Việt Nam nằm trong nhóm bị ảnh hưởng cao nhất. Biết vậy để thuận theo tự nhiên, không thể chống lại tự nhiên. Kiểu duy ý chí “vắt đất ra nước, thay trời làm mưa” của Hoàng Trung Thông đã quá lạc hậu.

Thuận theo tự nhiên là gì, khi mặt đất lún, mặn nhập sâu hơn, thì không thể chi phí cao cho việc lấy ngọt rửa mặn, tốn kém rất nhiều. Tại sao không tận dụng nguồn nước “lợ” để nuôi trồng thủy sản. Ví dụ luôn, con tôm hoàn toàn có thể thay cây lúa và đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Theo tui được biết, Bộ NNPTNT đang nghiên cứu phát triển nông nghiệp ĐBSCL theo hướng này.

Tui rất thích nhận định của GS Võ Tòng Xuân vì tư duy khoa học phải gắn liền với tư duy thị trường, đó là: “Làm lúa càng nhiều thì càng dư gạo, mà dư gạo thì giá sụt giảm, nông dân không có lời”. Quy luật cung cầu sẽ tự điều chỉnh thị trường và cái giá chúng ta từng trả cho quy luật này là mía đường và gạo. Khi không bán được gạo với giá cao, nhà nước phải trợ giá cho nông dân và tự an ủi bằng việc tích trữ cho an ninh lương thực.

Còn tư duy khoa học về địa lý tự nhiên phù hợp với thực tiễn cũng rất rõ: “Việc đảm bảo nước ngọt cho 1 triệu ha chuyên canh lúa năng suất cao sẽ nhẹ nhàng hơn nhiều việc cố cứu thêm 500.000 ha đất nhiễm mặn”.

Tui chứng minh từ thực tế thị trường nhé, nông dân ĐBSCL trồng lúa từ trước đến nay lúc nước ngọt và đất canh tác phù sa còn dồi dào, nhưng không thu hoạch cao hơn nông dân nuôi tôm có khoa học kỹ thuật hỗ trợ. Chưa kể, có nhiều giống vật nuôi, cây trồng phù hợp với điều kiện tự nhiên nước nhiễm mặn để canh tác, đó là nhiệm vụ của các nhà khoa học. Hãy làm bằng tiến sĩ đề tài nuôi con tôm hơn là bằng tiến sĩ mỹ thuật bìa sách là vậy.

Sài Gòn 5/10/ 2017

TQT

Link bài: Việt Nam cứ say sưa xuất khẩu gạo số 1, 2 để làm gì?

 

 

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *