Không phải xây dựng nền kinh tế từ thiện

Bài viết “Sinh viên TPHCM bán dưa hấu giúp nông dân Quảng Ngãi” trên báo Tiền Phong ngày 7.4.2017 gợi cho tui hai điều phải suy nghĩ, xin chia sẻ với bà con.

Trước hết là tấm lòng của sinh viên, các bạn còn trẻ nhưng biết thương người nghèo, giúp dân mình khi hoan nạn, đó là điều rất đáng mừng. Các bạn nêu khẩu hiệu “Mỗi trái dưa – Một tấm lòng” để nhắc nhớ nhau về tình yêu thương và tinh thần trách nhiệm đối với xã hội.

Các bạn sinh viên từ Sài Gòn ra Quảng Ngãi mua dưa cho bà con, vận chuyển về lại Sài Gòn để bán. Tinh thần tương thân tương ái đó lan tỏa ra cộng đồng, cho nên nhiều người  xúm vào mua, dù giá có cao hơn nơi khác một chút cũng không sao, dân mình vốn đã có sẵn tấm lòng “thương người như thể thương thân” như một thứ vốn liếng ông bà để lại, đúng lúc cần là rút ra xài cái rẹt không tính toán.

Xông ra giúp bà con không chỉ rèn luyện mỹ đức, mà còn các kỹ năng hoạt động xã hội. Chuyến đi này, các bạn lời được 500.000 đồng để góp vào chi phí cho chiến dịch “Mùa hè xanh” sắp tới, nghe thật là thương.

Các trường đại học danh tiếng trên thế giới tuyển sinh viên đòi hỏi hai tiêu chuẩn, một là điểm học các môn cao, hai là có quá trình tham gia hoạt động cộng đồng và công tác xã hội. Họ thật có lý khi xem khả năng hoạt động cộng đồng ngang hàng với học giỏi. Học mà không hành thì học làm gì?

Điều thứ hai làm tui ray rứt, đó là tại sao chúng ta có quá nhiều vụ giải cứu nông sản tồn đọng. Bà con sản xuất nuôi trồng dựa theo lời đồn nhiều hơn công bố dự báo thị trường từ các cơ quan quản lý, cho nên con cá con tôm hay một số nông sản bị thị trường quay lưng. Tội nghiệp cho nông dân quá.

Các bạn sinh viên giải cứu được 10 tấn dưa hấu trong đợt vừa qua thấm tháp gì so với số lượng nông sản bị dư thừa ế ẩm. Chúng ta phải tồn tại trong một nền kinh tế thị trường bằng trí tuệ và tài năng, không phải xây dựng một nền kinh tế từ thiện. Tui muốn nói thay vì giải cứu nông sản cho  nông dân, chính quyền và các bạn sinh viên hỗ trợ và giúp đỡ nông dân biết bỏ qua lời đồn, tiếp cận với các thông tin chính xác về nhu cầu thực tế của thị trường, để bà con nuôi trồng đúng theo qui luật cung cầu mới là điều cần thiết.

Lá lành đùm lá rách là rất quí, lá rách ít đùm lá rách nhiều càng quí hơn. Nhưng làm cho các lá đều xanh tươi, không chiếc lá nào rách mới là nền kinh tế chúng ta cần.

Trần Quí Thanh
Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *