Phải khai thác khoa học công nghệ hiện đại trong phòng chống bão lũ

Trần Quí Thanh

Lũ gỗ thượng nguồn đang uy hiếp đập Thuỷ Điện Hố Hô- Hà Tĩnh (Theo Tin Hà Tĩnh)

55 người chết, 38 người mất tích, có thể thống kê chưa đủ, nhưng cũng đủ để cho chúng ta quá buồn và đau. Tại sao dân mình chết vì lũ nhiều vậy, có phải vì trời, vì đất hay vì chính chúng ta.

Tui nghĩ sao nói vậy, gió mưa là chuyện của trời, nhưng nhiều người chết vì núi sạt lở, không thể đổ cho trời.

Theo quy luật, cũng của trời đất, mưa xuống, nước có thảm thực vật giữ lại, nhưng khi chúng ta cạo trọc rừng rồi, không còn bộ rễ nhiều tầng của cây để giữ nước, thảm hoạ là đương nhiên. Các nhà máy điện mọc lên, một nhà máy điện đổi lấy hàng vạn cây rừng bị đốn ngã, nước cứ thế mà chảy về xuôi như cường địch tấn công  không phòng tuyến ngăn cản.

Còn nữa, nhiều công ty khai sáng khoáng sản được cấp phép, có báo cáo đánh giá tác động môi trường, khai thác đúng nguyên tắc khoa học. Nhưng trên thực tế, khi có giấy phép rồi, không mấy người tôn trọng các quy định của pháp luật và kỹ thuật. Hậu quả là núi bị đục khoét, mất hết chân đứng, chỉ cần mưa xuống, đất đá sụt lở, đè chết người dân sinh sống dưới chân núi.

Những chương trình phủ xanh đất trống đồi trọc, bao năm qua nếu tổng kết lại, ai dám cam kết đã thành công. Tui chưa từng nghe.

Quan trọng hơn, đó là hệ thống dự báo thời tiết, bão lũ không hiện đại, thiếu chính xác, người dân không có căn cứ để phòng ngừa, tự bảo vệ mình.

Chính quyền địa phương, nhất là vùng miền núi, không có đủ kiến thức cũng như điều kiện để cảnh báo và di dời dân trước nguy hiểm do thiên tai. Và thảm hoạ vừa qua có nguyên nhân trực tiếp như vậy.

Điều tui nói ra không mới, nhưng dù đã được cảnh báo nhiều nhưng không được lắng nghe. Vì cái lợi trước mắt, con người đã tự giết chết tương lai của mình. Điều còn kinh khủng hơn sẽ đến, đó là tác động của nước biển dâng và biến đổi khí hậu, Việt Nam sẽ trả giá còn hơn những gì chúng ta đang chứng kiến.

Cho nên, chúng ta phải hành động, trồng rừng dù có làm cũng không kịp, nhưng ít nhất là chấm dứt ngay nạn phá rừng. Đóng cửa rừng ngay lập tức, không vì bất kỳ lý do gì để cấp phép. Tuyệt đối không phê chuẩn các dự án thuỷ điện nếu phá cho dù một cành cây. Vết thương rừng đang cần băng bó, thuốc thang, đừng làm lở loét thêm nữa.

Cuối cùng, thời đại công nghệ 4.0 không phải là lý thuyết sách vờ, mà nó là hiện thực có thể sờ được, sử dụng được  và hưởng thụ được. Tui không phải là chuyên gia trong ngành thuỷ văn, phòng chống bão lũ, nhưng tui có cái nhìn khái quát rằng, có lẽ chúng ta chưa khai thác tối đa công nghệ hiện đại trong việc phòng chống bão lũ. Chúng ta vẫn rất thủ công như cha ông ngày xưa.

Phòng chống thiên tai không phải là bản tin đầy nước mắt của báo chí vì người chết và mất tích, không phải là tuyên bố của nhà chính trị rằng không để cho dân đói, không phải là sự khen ngợi những chuyến hàng từ thiện đùm bọc theo truyền thống lá lành đùm lá rách, mà là sử dụng được tối đa thành tựu của khoa học công nghệ để hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và của khi thiên tai xảy ra.

 

Sài Gòn ngày 16/10/1017

TQT

Đọc thêm, link bài: Vì sao miền núi phía Bắc liên tục sạt lở đất, vùi lấp nhiều người?

 

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *