Quan chức phải có năng lực trong phát ngôn và hành động

Trần Quí Thanh

Nguồn: Internet

Cha ông xưa có câu “lời nói đọi máu”, ý muốn diễn đạt khi đã phát ngôn, lời đó có thể trả giá bằng máu. Hoặc “phải đánh lưỡi bảy lần trước khi nói”, ý là phải hết sức cẩn ngôn, nói ra một điều là phải đúng đắn và có trách nhiệm với lời mình nói. Hoặc, “nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy” (một lời nói ra bốn ngựa không theo kịp), ý là lời nói ra không thể thu lại được.

Với thường dân, trong giao tiếp đã có lời dạy về cẩn ngôn như vậy, huống hồ là đối với những người làm quan chức. Người làm quan không thể “hí ngôn”, vì đó không chỉ là lời nói của một cá nhân, mà đại diện cho cái “triều đình” mà ông ta đang làm quan.

Bàn loanh quanh như vậy vì tui đọc báo thấy dày đặc thông tin về phát ngôn của ông quyền Vụ trưởng của một vụ thuộc Thanh tra Chính phủ. Xin không nhắc lại các lời nói của ông vì ai cũng biết, chỉ xin nói rằng, với tư cách là công dân, tui quá thất vọng về một quan chức như vậy.

Những lời của vị quan chức này nói ra, cá nhân ông thì chẳng ai quan tâm về cái tư duy lệch lạc của người nói, nhưng người dân thấy băn khoăn khi ông giữ hàm vụ trưởng của cơ quan thanh tra, có quyền sinh sát cá nhân và tổ chức là đối tượng bị thanh tra. Với tư duy như vậy, liệu các kết luận đưa ra có đúng đắn, chuẩn mực và phù hợp với các quy định của pháp luật.

Còn nhiều trường hợp tương tự, như mới đây thôi, một lãnh đạo trẻ từng phát ngôn những câu như danh ngôn, nhưng rồi bị kỷ luật cách chức, lời nói trước đây trở thành lừa dối.

Còn có những phát ngôn không logic, thậm chí ngớ ngẩn, vậy thì dân lo là phải. Tư duy đó làm sao quản lý, điều hành hiệu quả.

Khi các vụ trạm thu phí BOT, vụ thuốc chữa bệnh giả xảy ra, những phát ngôn của quan chức đại diện các bộ làm dân chúng không hài lòng. Có thể về bản chất, người nói không có ý như vậy, nhưng do “không lựa lời mà nói” nên mới sinh chuyện.

Gần đây, Chính phủ làm được những việc cụ thể, được cộng đồng doanh nghiệp và người dân ủng hộ, ghi nhận. Tuy nhiên, để niềm tin của dân chúng ngày càng nâng cao vào Chính phủ kiến tạo, thì bên cạnh những chính sách thông minh, cần phải có những con người đại diện thông minh, đó là những quan chức có năng lực thực sự trong phát ngôn cũng như hành động.

Trần Quí Thanh

Đọc thêm, link bài: Văn hóa phát ngôn của quan chức đang “có vấn đề”?

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *