Tăng sưu thuế hay tiết kiệm, giảm chi?

Trần Quí Thanh

Nguồn: Hình minh hoạ của Báo Mới

Trả lời báo chí về việc tăng thuế, tiến sĩ Nguyễn Đức Thành – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách cho rằng: “Theo tôi đây không phải giải pháp bền vững vì không một xã hội nào có thể phát triển được trong bối cảnh “sưu cao thuế nặng” mà nó sẽ từ từ thu nhỏ lại”.

Một phát ngôn đầy trách nhiệm của một nhà khoa học, ở đây không chỉ là phản biện để khẳng định ai đúng ai sai, không phải là hơn thua giữa những quan chức Bộ Tài chính và các cá nhân, tổ chức phản biện, mà tính tới lợi ích lâu dài cho đất nước. Cho nên, những người đề xuất việc tăng thuế VAT nên lắng nghe để điều chỉnh, trên cơ sở vì cái chung, vì nền kinh tế đất nước và vì cuộc sống của người dân.

Rõ ràng khi nhà nước quyết định đưa ra việc tăng thuế, chứng tỏ ngân sách quốc gia đang gặp khó khăn. Nhưng để giải quyết khó khăn, tận thu trong dân chúng không phải là giải pháp tích cực, nói như Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành đó là “sưu cao thuế nặng”.

Tui cũng ủng hộ quan điểm của Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành: “Nguyên nhân của việc tăng thuế là do bộ máy quản lý của Nhà nước hiện quá cồng kềnh, chi ngân sách quá lớn. Do đó, để phát triển bền vững phải giảm và tiết chế việc chi, quản lý chặt chẽ việc chi ngân sách”. 

Quá cồng kềnh vì nhiều cơ quan quản lý chồng chéo, nhiều hội đoàn ăn lương ngân sách, nhiều ban bệ được đặt ra nhưng không biết làm gì. Nếu không phải chi phí cho những cơ quan, tổ chức đó, thì cần chi tăng thuế làm khổ dân.

Còn nữa, họp nhiều quá, xã lên huyện họp, huyện lên tỉnh họp, tỉnh ra Trung ương họp, rồi họp liên tỉnh, liên ngành, liên bộ. Tiền máy bay, xe đưa rước, ăn ở, chi phí hội nghị như nước non, tài liệu, rồi liên hoan tiệc tùng. Mỗi năm khoản họp này ngốn một đống ngân sách. Dẹp họp bớt cũng dư khối tiền, cần chi tăng thuế làm khổ dân.

Còn nữa, cán bộ đi công tác nước ngoài, tiếng là đi học tập nhưng thực chất đa số là đi du lịch. Mới đây một bản báo cáo từ Tiền Giang, trong năm 2012 – 2016, tỉnh này có 2.026 lượt cán bộ , công chức đi nước ngoài để học tập, tham quan, khảo sát, trao đổi kinh nghiệm, hội nghị…Trong đó, số đi bằng tiền ngân sách không ít, kể cả tiền doanh nghiệp mời thì cũng là sự lãng phí chung cho xã hội nếu các vị chỉ đi chơi.

Tui làm doanh nghiệp, một chuyến công tác nước ngoài phải tính từng đồng, 10 chuyến thì có 9 chuyến là do các đối tác mời, tui không chi tiền để đi chơi.

Nhưng tiền nhà nước như tiền “chùa”, đi một đoàn đông người, thậm chí cơ cấu cả người sắp về hưu đi học tập, nhưng chủ yếu là để chiêu đãi nhau một chuyến.

Xài tiền kiểu đó thì thuế nào mà chịu cho thấu. Cứ cắt hết các cuộc đi công tác nước ngoài bằng tiền ngân sách, trừ những việc thực sự quan trọng, thì không cần tăng thuế làm chi cho dân khổ.

Sài Gòn ngày 19/9/2017

TQT

Link: TS. Nguyễn Đức Thành: Không một xã hội nào phát triển được nếu ‘sưu cao thuế nặng’

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *