Tinh thần thực thi pháp luật

Ngô Việt Hoà / TBKTSG
 


Luật pháp cần văn minh nhưng cần hơn là phải có người thực thi pháp luật văn minh (ảnh mang tính minh họa, nguồn: Internet).

…………….

Bài viết thật hay. Ông bà ta thường nói “cái gì cũng phải lý có tình”. Để mọi xử lý ở đời được tâm phục khẩu phục thì việc xử lý phải có lý có tình. Đó là hành vi xử lý của người văn minh. “Chính vì vậy, người ta vẫn nói, luật pháp cần văn minh nhưng cần hơn là phải có người thực thi pháp luật văn minh.” Tui cũng muốn nói vậy và mong cuộc sống vẫn được như vậy.

Trần Quí Thanh
……………
Chỉ vì bán nước chanh không có giấy phép tại hội chợ địa phương, một cô bé năm tuổi ở thành phố London của nước Anh bị cơ quan thực thi pháp luật địa phương phạt gần 200 bảng Anh.

Andre Spicer, bố của cô bé, sau đó chia sẻ câu chuyện trên tờ The Telegraph và đã nhận được rất nhiều sự cảm thông của dư luận trong nước và thậm chí thu hút sự chú ý của truyền thông quốc tế.

Trước sự phê phán gay gắt của công chúng, nhà chức trách sau đó đã nhanh chóng hủy bỏ quyết định xử phạt đối với cô bé.

Trong thông báo phát đi, nhà chức trách nói rất lấy làm tiếc và xin lỗi về chuyện đã xảy ra. Họ kỳ vọng các nhân viên thực thi pháp luật cần hành động theo lẽ thông thường (common sense) và phải sử dụng quyền lực một cách hợp lý, hợp tình (sensibly) mà rõ ràng trong trường hợp này kỳ vọng đó đã không được đáp ứng.

Xét về mặt quy trình, nhân viên thực thi pháp luật không sai, họ xử phạt với hành vi vi phạm luật pháp – bán thực phẩm khi chưa có giấy phép.

Nhưng trong thông cáo báo chí và các giao tiếp khác với giới truyền thông và dân chúng, nhà chức trách không hề đả động đến việc thực thi đúng quy trình luật pháp của nhân viên công quyền.

Thay vào đó, họ chỉ đơn giản nhận hết lỗi về phần mình và nhấn mạnh đến tính hợp lý, hợp tình thay vì các tranh cãi pháp lý. Điều này một phần là bởi họ nhận thấy với tính chất của sự cố như thế này thì tốt nhất là không nên có thanh minh, bào chữa gì thêm để tránh gây ra sự giận dữ và phản kháng lớn hơn từ công chúng. Nhưng quan trọng hơn, lời xin lỗi của chính quyền là chân thật tự đáy lòng và cầu thị nên cũng không cần thiết phải nói chuyện phải trái, đúng sai pháp lý.

Hành xử của nhân viên công quyền dù rất đúng quy trình luật pháp nhưng vô cảm thì trong con mắt dư luận việc “đúng quy trình” chả có ý nghĩa gì, nếu không muốn nói là có tác dụng ngược.

Như ta biết, luật pháp – quy trình do con người làm ra – là các nguyên tắc xử sự khô cứng, có tính áp dụng chung trong khi cuộc sống thì muôn màu. Và vì vậy luật pháp khó có thể, nếu không muốn nói là không thể soi xét, rọi chiếu đến từng hoàn cảnh, trường hợp hay ngoại lệ cụ thể. Luật có thể đúng và công bằng với số đông nhưng hoàn toàn có thể gây thiệt thòi, bất công cho một vài người. Vì lẽ đó, quan trọng là người thực thi pháp luật cần cảm nhận và hành xử như thế nào cho đúng đắn trong các trường hợp ngoại lệ. Như thế mới là tinh thần thực thi pháp luật trong thế giới văn minh.

Sẽ không có những sự cố tương tự như vụ phạt em bé bán nước chanh, sẽ không có những câu chuyện gây phẫn nộ về thái độ, cách xử lý của chính quyền, nếu người thực thi luật pháp thấu hiểu và áp dụng pháp luật với tinh thần văn minh và không vô cảm.

Chính vì vậy, người ta vẫn nói, luật pháp cần văn minh nhưng cần hơn là phải có người thực thi pháp luật văn minh.

Ngoài ra, vụ cô bé bán nước chanh còn cho thấy cái cách mà chính quyền truyền tải thông điệp đến công chúng quả thật cũng rất quan trọng. Trước một cách hành xử vô cảm của chính quyền, công chúng luôn mong được nhìn thấy sự nhận lỗi chân thành, hành động sửa sai kịp thời và một thái độ cầu thị từ phía nhân viên thực thi công vụ.

Đừng lúc nào cũng đặt “đúng quy trình” lên thành thông điệp đầu tiên và quan trọng nhất trong giao tiếp với người dân. Vì nếu như thế thì khác gì một hành xử vô cảm này lại được sửa sai, bù đắp, xoa dịu bởi một hành xử vô cảm khác.

Kể chuyện người lại ngẫm đến ta. Giá mà sau các vụ lùm xùm về hành xử vô cảm của công chức gần đây, cơ quan công quyền đừng cố đề cập đến cụm từ “đúng quy trình”, đừng có khăng khăng mọi việc “đúng quy trình” thì có lẽ câu chuyện sẽ nhẹ nhàng hơn.

Nghĩ rộng hơn, thỉnh thoảng cũng cần đặt luật pháp sang một bên để ta nói chuyện với nhau bằng cả tấm lòng.
 
Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn
 
Link bài: Tinh thần thực thi pháp luật

 
 

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *