Xuất khẩu nguyên liệu thô, càng nghĩ càng đau

Trần Quí Thanh
 


Xuất khẩu dầu thô (Theo Cafef)

 
Việt Nam có nhiều tài nguyên, "rừng vàng, biển bạc, đất phì nhiêu, các nước anh em giúp đỡ nhiều", ai đó đặt ra câu này trúng phóc, nhưng nghĩ lui nghĩ tới thấy đau. Đáng ra, rừng vàng biển bạc thì đi giúp đỡ người khác, việc gì phải cần ai giúp ai cho.
 
Cơ sự là vì có nhiều tài nguyên nhưng chỉ đào lên là bán để ăn thô nên không được mấy đồng. Ví dụ như dầu, hút dưới lòng biển lên là bán ngay. Các nước mua dầu thô của Việt Nam về chế biến thành sản phẩm tinh, như xăng, dầu diezen, rồi xuất khẩu sang bán lại cho Việt Nam, họ mua một bán lại năm mười. Tính ra, trong cán cân thanh toán thương mại của Việt Nam với quốc tế, xăng dầu chiếm tỉ trọng đáng kể của tổng giá trị nhập siêu, nghĩ  mà đau óc. Bao nhiêu năm mình xây dựng nhà máy lọc dầu Dung Quất, nhưng tui chưa nghe đến hoạt động của nó đã mang lại hiệu quả thiết thực như thế nào?
 
Titan, bô xít cũng có số phận tương tự dầu khí.
 
Sản phẩm công nghiệp như vậy, còn sản phẩm nông nghiệp thì sao? Rất nhiều sản phảm nông nghiệp Việt Nam là đặc sản của thế giới, ví dụ như tiêu, điều.  Các nhà xuất khẩu trong nước thu mua nguyên liệu, xuất thô sang Trung Quốc, kiếm chênh lệch vài đồng bạc là ngồi rung đùi. Nhưng khi các doanh nghiệp có nguồn nguyên liệu đó trong tay, họ chế biến thành sản phẩm tinh, có sản phẩm xuất ngược sang Việt Nam, bán với giá cao.
 
Tui nói có sách, mách có chứng, theo báo Pháp Luật TPHCM ngà 2.8.2017, bài "Hàng Việt xuất thô, Trung Quốc hưởng lợi", đưa ra con số cà phê nhân chỉ xuất khẩu với giá 2 USD/kg, trong khi những sản phẩm chế biến có giá 200 USD/ kg. 
 
Nói đến cà phê tui thấy ông Trung Nguyên có công, ông đã tạo nên thương hiệu cà phê Việt Nam, làm chủ được thị trường trong nước, xuất khẩu được một ít, nhưng một mình Trung Nguyên chưa xoay chuyển được tình hình, một số lượng lớn cà phê vẫn xuất thô.


Việt Nam chủ yếu xuất khẩu cà phê thô (Theo cổng thông tin Bộ NN&PTNN)

 
Rồi sản phẩm thuỷ hải sản thì sao? Con cá, con tôm cũng xuất thô sang một số nước, trong đó có Trung Quốc, rồi họ chế biến, bán lại với giá cao,. Sáu tháng đầu năm nay, Trung Quốc nhập 133 triệu USD cá tra từ Việt Nam, chế biến rồi xuất khẩu sang thị trường Mỹ, châu Âu, Canada.
 
Còn hàng trăm mặt hàng chịu số phận tương tự như vậy.
 
Tại sao Việt Nam không làm được như Trung Quốc? Câu trả lời là vì công nghệ sau thu hoạch chúng ta kém, giàu nguyên liệu nhưng không có công nghệ tinh chế thành sản phẩm có giá trị gia tăng. Đau ở chỗ là trên thế giới này, ăn nhau là công nghệ chế biến sản phẩm tinh quyết định cho sự thành công. Người ta có công nghệ nên nhập nguyên liệu thô rồi biến thành sản phẩm xuất khẩu, còn các nước  bán nguyên liệu thô để sống chẳng khắc gì bán máu của mình.
 
Biết là vậy nhưng đến hôm nay, công nghệ sau thu hoạch của Việt Nam vẫn chỉ là số không, đa số doanh nghiệp Việt Nam vẫn làm ăn theo kiểu bán nguyên liệu thô kiếm chênh lệch, nếu như có một vài doanh nghiệp khai thác được công nghệ để làm ra sản phẩm có giá trị gia tăng thì cũng quá ít ỏi so với tài nguyên to lớn của đất nước. Chính vì vậy mà nước mình mãi vẫn cứ nghèo.
 
Càng nghĩ càng đau.
 

Sài Gòn 3/8/2017

TQT

 
Link bài: Hàng Việt xuất thô, Trung Quốc hưởng lợi

 

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *