Sách: “Chuyện nhà Dr. Thanh” – Cuộc đời của ông Trần Quí Thanh và quá trình gầy dựng Tân Hiệp Phát

“Chuyện nhà Dr. Thanh” là một cuốn tự truyện khá thú vị đã gây “bão” và cháy hàng với 100.000 bản in đầu tiên khi ra mắt đúng dịp Ngày của Cha và Ngày gia đình Việt Nam 28/6/2017.

Cuốn sách viết về cuộc đời sóng gió của doanh nhân Trần Quí Thanh – “thuyền trưởng” của Tập đoàn Tân Hiệp Phát qua lời kể của cô con gái Trần Uyên Phương, với những câu chuyện cụ thể và chân thực đến “trần trụi”.

Không giấu diếm điều gì, “Chuyện nhà Dr. Thanh” là trọn vẹn hành trình từ khi ông Thanh còn là một cậu bé “phá làng phá xóm” cho đến những năm tháng trưởng thành, kinh qua biết bao thăng trầm, va vấp trên đường đời để một tay xây dựng nên thương hiệu Việt đình đám Tân Hiệp Phát. Câu chuyện khởi nghiệp của doanh nhân này thực sự là động lực lớn cho bất kỳ ai muốn thân tự lập thân. Ngoài ra, tác giả cũng thẳng thắn đề cập đến những biến cố ồn ào của thương hiệu Tân Hiệp Phát, mang đến cho khán giả thêm một góc nhìn mới của người trong cuộc.

Còn đối với người làm trong ngành Marketing – Quảng cáo, “Chuyện nhà Dr. Thanh” mang lại những góc nhìn nào? Để trả lời câu hỏi này, Brands Vietnam đã có dịp trò chuyện cùng chị Diễm Phương – Creative Copywriter của Công ty quảng cáo April, về những cảm nhận cá nhân của Phương đối với cuốn sách.

* “Chuyện nhà Dr. Thanh” rõ ràng là một cuốn sách được viết theo thể loại hồi ký, mà hồi ký thì không phải là một chủ đề mới trên thị trường. Phương có nghĩ rằng mọi người vẫn sẽ tò mò và muốn đón đọc thể loại này?

Vâng, quả thật hồi ký không phải là một chủ đề mới, nhưng nó cũng chưa bao giờ là cũ, nhất là những hồi ký kể về cuộc đời và sự nghiệp của một doanh nhân thành công. Ở nước ngoài những quyển sách như thế rất nhiều, nhưng có lẽ ở Việt Nam thì vẫn còn hiếm. Vì vậy tôi nghĩ, sự tò mò về cuộc đời của một doanh nhân Việt thành công là một trong những yếu tố thu hút độc giả của cuốn sách này.

* Dưới góc độ của một người làm việc trong lĩnh vực quảng cáo truyền thông, Phương có suy nghĩ gì sau khi đọc qua câu chuyện kinh doanh của thương hiệu Tân Hiệp Phát?

Bất cứ người làm quảng cáo nào cũng đã phải từng đọc qua rất nhiều tài liệu, cũng như tìm kiếm thông tin về các doanh nghiệp nói chung và thương hiệu nói riêng. Đối với “Chuyện nhà Dr. Thanh”, cuốn sách mang đến nhiều thông tin, kiến thức về quá trình hình thành và vận hành một doanh nghiệp trong bối cảnh xã hội giao thoa hội nhập, cũng như biết được nhiều góc khuất ẩn sau chặng đường làm kinh doanh của họ, để từ đó có thêm những bài học đằng sau sự thành công một thương hiệu Việt.

Đây là một cuốn sách về cuộc đời của doanh nhân Trần Quí Thanh, và cũng về việc gầy dựng tập đoàn Tân Hiệp Phát. Cuốn sách cũng có mô tả rõ ràng giai đoạn Tân Hiệp Phát phải trải qua biến cố khủng hoảng thương hiệu khi doanh số sụt giảm nghiêm trọng, hình ảnh bị ảnh hưởng nặng nề. Đó có thể được coi như đòn đả kích rất lớn đối với ông Thanh sau bao nhiêu năm lăn lộn trên thương trường gầy dựng doanh nghiệp từ con số không. Có thể các bạn đã biết đến cuộc khủng hoảng này qua truyền thông, báo đài với nhiều góc nhìn, ý kiến khác nhau, nhưng chắc chắn đến với cuốn sách nó sẽ là một bức tranh rất khác từ chính người trong cuộc kể lại.

* Hẳn sẽ có rất nhiều độc giả tò mò về cách gia đình ông Thanh phản ứng trước biến cố này, cũng như cách mà họ đã vượt qua. Phương cảm nhận như thế nào về điều này sau khi đã đọc qua cuốn sách?

Tôi nghĩ dù chuyện gì đã xảy ra đi chăng nữa thì cuộc khủng hoảng cũng để lại rất nhiều bài học cho cả người trong cuộc lẫn ngoài cuộc. Và như cuốn sách có viết, giai đoạn này cũng là lúc gia đình ông Thanh gặp phải chuyện buồn khi cô Nụ – vợ ông bị mắc căn bệnh hiểm nghèo. Trong cơn bão lớn từ cả trong lẫn ngoài đó, cô Phương đã miêu tả là gia đình mình dường như ở bên nhau gần hơn, đoàn kết hơn, họ động viên nhau, vực dậy chính mình để vượt qua sóng gió. Chính cái cách cả gia đình Dr. Thanh bình tĩnh gỡ từng vấn đề một và kiên trì khôi phục hình ảnh suốt nhiều năm qua đã giúp Tân Hiệp Phát lấy lại phong độ tiếp tục cuộc đua như ngày hôm nay.

Ngoài câu chuyện kinh doanh, “Chuyện nhà Dr. Thanh” cũng đề cập khá nhiều đến các mối quan hệ gia đình, cũng như sự ảnh hưởng của nó đến việc điều hành doanh nghiệp. Phương nghĩ như thế nào về điều này?

Quản lý doanh nghiệp theo xu hướng gia đình hay đi theo con đường quốc tế hoá luôn có những ưu khuyết điểm khác nhau. Nhưng qua cuốn sách thì ta có thể thấy là gia đình ông Thanh đã nhận thức được rất rõ những vấn đề của mình và lựa chọn chính xác con đường họ muốn theo đuổi. Từ việc tham gia các khoá học để giải quyết những mẫu thuẫn nội bộ, cho đến việc không ngừng học hỏi nâng cao trình độ, cũng như hợp tác cùng nhiều chuyên gia ở trong và ngoài nước để cùng xử lý các vấn đề quan trọng. Tôi đánh giá cao về điều này.

* Trong “Chuyện nhà Dr. Thanh này”, chúng ta có thể thấy một chương viết hoàn toàn về những mối quan hệ cá nhân trong cuộc đời của ông Thanh, theo Phương điều này là cố tình, vô tình hay là một chủ đích lôi kéo sự chú ý của tác giả?

Diễm Phương, Creative Copywriter của April.

Khi đọc qua cuốn sách, chúng ta có thể dễ dàng thấy những mối quan hệ tình cảm cá nhân là một phần không thể thiếu trong quá trình trưởng thành của doanh nhân Trần Quý Thanh. Từ mối tình đầu khiến ông “thay tâm đổi tính”, hay những nhân vật làm thay đổi cuộc đời ông, cho đến người vợ hiền “mềm mại như nước” đồng tâm cộng khổ cùng ông trong suốt những năm tháng kinh doanh khó khăn nhất – tất cả những mối quan hệ đó xâu kết lại làm nên bức tranh toàn cảnh về cuộc đời người đàn ông “cứng như thép” này.

 Tôi nghĩ việc kể lại tất cả những nhân vật trên trong cuốn sách không phải là chủ đích câu kéo độc giả, mà ngược lại, nó cho chúng ta thấy một khía cạnh rất khác của vị doanh nhân thành đạt này, không hào nhoáng phô trương mà rất đỗi “con người”, với đầy đủ trạng thái cảm xúc từ bồng bột, ngang tàng đến chín chắn, kiên cường.

“Chuyện nhà Dr. Thanh” có đề cập khá nhiều đến những cảm xúc chân thật, cũng như tính cách của ông Thanh. Triết gia người Hy Lạp Democrite có nói rằng tính cách của một người tạo nên số phận của chính họ. Và với Dr. Thanh cũng vậy, tính cách là một trong những yếu tố quan trọng nhất để ông tạo nên thành công của chính mình.

Tôi rất ấn tượng với chương viết về tuổi thơ của ông Thanh. Trong cuộc đời, ông cũng không ít lần nhắc về chuyện mình từng phải vào trại mồ côi, nhưng qua cuốn sách, câu chuyện này được nêu lên rõ ràng hơn. Chính khoảng thời gian ở trại trẻ đã làm thay đổi con người ông rất nhiều, và tính cách cứng cỏi, mạnh mẽ của ông cũng từ đây mà ra.

Ngoài việc nói đến những thăng trầm trong cuộc đời và các mối quan hệ của ông Thanh, quyển sách còn miêu tả khá nhiều về các giai đoạn của đất nước. Với Phương, điều này có mang đến giá trị nào không?

Nó mang đến nhiều giá trị, vì 65 năm cuộc đời là một quãng thời gian không hề ngắn, nhất là khi nó gắn liền với sự thay đổi của đất nước, đặc biệt là về kinh tế. Trong đó, thu hút sự quan tâm của tôi nhất là quá trình trước và sau mở cửa – thời kì then chốt để tồn tại của các doanh nghiệp nội địa trước sự gia nhập ồ ạt của những ông lớn quốc tế vào Việt Nam. Lúc này, dù vẫn còn non nớt nhưng các doanh nghiệp của ta vẫn buộc phải cứng cỏi để đương đầu cùng những ngọn sóng lớn. Để sau khi những ngọn sóng ấy qua đi, ta mới biết đâu là những người còn lại, đâu mới là những người tiếp tục giữ vai trò so găng cùng các đại gia lớn của thế giới. Dù thích hay không thích, nhưng ta vẫn phải công nhận một điều, Tân Hiệp Phát chính là một doanh nghiệp như thế. Vì vậy, tôi nghĩ những thông tin này sẽ là một nguồn tư liệu quý để đóng góp vào kho dữ liệu cá nhân của mình.

*Là một doanh nhân thành công, ông Thanh có khá nhiều những triết lý sống và kinh doanh thú vị, Phương có tâm đắc câu nói nào trong số đó không?

Tôi đặc biệt thích triết lý “không gì là không thể” của ông. Câu nói này đặc biệt ở chỗ khi nghe trong những tình huống khác nhau thì nó lại mang những ý nghĩa hoàn toàn khác nhau. Ví như được nghe trong một hội nghị hay một buổi lễ tuyên thệ nào đó thì hẳn ta sẽ nghĩ người nói nó một là rất tự tin, hai là họ có phần cao ngạo. Tuy nhiên, nếu nó là một câu để nói cho chính mình trong những lúc khó khăn nhất của cuộc đời, thì rõ ràng đây lại là một lời động viên mang tính tiếp lửa. Vì vậy, tôi nghĩ rằng, nếu như ông Thanh xem trọng câu nói này, thì chắc rằng nó cũng đã từng có một hành trình khá thú vị.

*Theo Phương, ai là đối tượng nên đọc cuốn sách này?

Tôi nghĩ với mỗi đối tượng cuốn sách sẽ mang đến những nét thu hút riêng. Ở đây nó không chỉ có những câu chuyện về khởi nghiệp và kinh doanh, mà còn chất chứa chuyện đời, chuyện gia đình, chuyện ước mơ của người trẻ, cả những bài học ông Thanh rút ra sau khi bị dồn đến chân tường rồi bật dậy mạnh mẽ. Như đối với tôi điểm quan tâm nhất là chuyện về giai đoạn mở cửa của đất nước, hay với một số người khác thì sẽ quan tâm đến sự kiện khủng hoảng “Dr. Thanh” và tò mò về ảnh hưởng của nó với gia đình ông. Do vậy, cuốn sách này phù hợp với rất nhiều đối tượng.

* Và cuối cùng, đâu là điểm mà Phương tâm đắc nhất sau khi đọc xong cuốn sách?

Có hai điều mà tôi rất tâm đắc từ cuốn sách này. Đầu tiên là qua câu chuyện khởi nghiệp của ông Thanh, bài học lớn nhất với tôi là sự quyết tâm: hãy tin tưởng vào bản thân mình và cố gắng để vươn tới mục tiêu thì không gì là không thể. Thứ hai là giá trị của hai tiếng “gia đình”, sức mạnh của sự đoàn kết trong nội bộ để cùng nhau vực dậy và đứng vững trước những giông tố bất ngờ ập đến.

* Cảm ơn Phương!

Lương Vy
Nguồn: Brands Vietnam

(http://www.brandsvietnam.com/15185-sach-chuyen-nha-dr-thanh-cuoc-doi-cua-ong-tran-qui-thanh-va-qua-trinh-gay-dung-tan-hiep-phat)