Giám đốc nhân sự phải có tầm nhìn và kỹ năng quản trị con người

Trần Quí Thanh

Nguồn hình : Internet

—–

Kính chào bác Dr Thanh!

Chúng cháu là nhóm CEO ở Tp Vinh, nay gửi tới bác đề tài giám đốc nhân sự. Là Tổng giám đốc, bác thích những giám đốc nhân sự như thế nào? Họ (các giám đốc nhân sự) phải làm những gì để không phải là “ người dọn rác”?

Kính mong bác trả lời.

Kính chúc bác muôn vàn sức khoẻ

Nhóm CEO nhỏ xíu (Tp Vinh): ptv_yeuthuong19@gmail.com

—–

Nhóm CEO nhỏ xíu Tp Vinh mến!

Vấn đề nhóm các cháu đặt ra là chuyện lớn đó nghe, vì đây là một vị trí, chức danh rất quan trọng trong doanh nghiệp, kể cả trong các tổ chức và cơ quan chính quyền. Có điều, ở đây bác không bàn về chuyện nhân sự trong cơ quan nhà nước, vì đó là một “cuộc chơi” với tập quán khác.

Giám đốc nhân sự trước hết phải biết mình đối diện với con người, mà con người là rất phức tạp, cho nên phải có tư duy khoa học trong quản lý nhân sự thì mới có được sự thành công.

Thông thường, làm giám đốc nhân sự là nhận hết những “nhân sự” do lãnh đạo doanh nghiệp giao cho. Rồi các chính sách về nhân sự cũng do lãnh đạo đề ra, còn người làm giám đốc cứ việc triển khai thực hiện. Nếu chỉ thụ động như vậy thì ai cũng có thể làm giám đốc nhân sự được.

Một CEO giỏi luôn cần một giám đốc nhân sự giỏi, người này phải có tầm nhìn, tham mưu cho lãnh đạo doanh nghiệp về tuyển chọn nhân sự từ đầu vào, không phải là chỉ tiếp nhận một cách thụ động. Bộ phận nào cần tuyển dụng, bộ phận nào cần tinh giảm để hoạt động của doanh nghiệp có hiệu quả.

Các phòng ban chuyên môn có trách nhiệm tuyển dụng, sử dụng nhân sự, nhưng giám đốc nhân sự có cái nhìn tổng quát trên phạm vi toàn doanh nghiệp, tập đoàn. Chuyên môn và kinh nghiệm về công tác nhân sự sẽ bổ sung cho các phòng ban chuyên môn trong việc tuyển dụng và quản lý nhân sự có hiệu quả.

Giám đốc nhân sự còn có một vai trò vô cùng quan trọng, đó là tham mưu cho lãnh đạo doanh nghiệp ban hành những chính sách phù hợp, lương thưởng công bằng, tạo động lực  để người lao động làm việc tốt, thúc đẩy và khuyến khích tinh thần sáng tạo.

Có những trường hợp, tổng giám đốc đưa ra mức lương, thưởng cho người lao động, giám đốc nhân sự không đồng ý, đề nghị tăng hoặc giảm, phân tích, giải thích có cơ sở khoa học, có sức thuyết phục để tổng giám đốc thay đổi quyết định. Sau những thay đổi có hiệu quả, lãnh đạo doanh nghiệp sẽ tin cậy và giao quyền nhiều hơn cho giám đốc nhân sự.

Tuy nhiên, một điều cần hết sức lưu ý, đó là làm giám đốc nhân sự rất dễ ứng xử theo cảm tính. Vì là đối tượng “con người”, nên yêu ghét là chuyện thường tình, và khi để cảm xúc can thiệp, thì có thể quyết định đưa ra thiếu khách quan. Cảm xúc ở đây không chỉ là với một cá nhân nào đó, mà còn là với cả tập thể.

Thêm một điều nữa, đừng tưởng trong doanh nghiệp tư nhân không có “hối lộ”. Hãy nhớ rằng ở đâu có quyền lực, ở đó có xin – cho. Giám đốc nhân sự phải công tâm, công bằng, tránh xa những tác động liên quan đến lợi ích cá nhân.

Khi một giám đốc nhân sự làm được những việc như vậy, thì họ không phải là người đi “dọn rác”, bởi vì họ đã chặn việc xả rác ngay từ đầu cũng như trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp.

Chúc các cháu thành công.

Hẹn gặp lại nhé, có gì meo cho bác.

 

Trần Quí Thanh

(Hãy viết thư cho tôi: tranquithanh1953@gmail.com)

Rate this post

Bài viết liên quan

One Comment

  • · Edit

    Giám đốc Nhân sự cần phải có “Business Mindset” (Tư duy kinh doanh) nữa Sếp ơi. Chiến lược Nhân sự tốt là phải phù hợp với và hỗ trợ hiệu quả cho hoạt động kinh doanh và sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Do vậy, Giám đốc Nhân sự cần có tư duy kinh doanh, hiểu rõ hoạt động sản xuất – kinh doanh và chiến lược phát triển của doanh nghiệp để có thể hoạch định và triển khai chiến lược phát triển Nguồn Nhân lực phù hợp và hiệu quả.

    Reply

Leave a Reply to Hoàng Minh Cancel reply

Required fields are marked *