Ý tưởng xa vời sẽ trở thành “nói dóc”

Trần Quí Thanh

Nguồn hình: Internet.

—–

Kính gửi chú Trần Quí Thanh

Thưa chú, cháu là một CEO nhỏ đã may mắn được gặp chú, đã nghe chú chuyện trò tại diễn đàn 1000 CEO. Cháu cũng thường xuyên đọc blog của chú, đặc biệt ở mục “Chat với mọi người”. Thú thực, nhờ chú cháu đã sáng ra rất nhiều điều. Cám ơn chú rất rất nhiều.

Nay cháu xin gửi chú câu hỏi: Làm sao để biết một ý tưởng là ý tưởng khả thi. 

Kính chúc chú mạnh giỏi.

Hoàng Nghiệp Khả (Biên Hoà): hoang_nghiep_kha@gmail.com

—–

Hoàng Nghiệp Khả mến!

Chú nhớ tại TPHCM cách đây chừng 10 năm, có một số doanh nhân tổ chức “Sàn ý tưởng” để khuyến khích các bạn trẻ đưa ra ý tưởng kinh doanh. Ban đầu rất sôi nổi, nhưng một thời gian thì dẹp sàn, cháu biết vì sao không?

Bởi vì, từ ý tưởng đến hiện thục là một khoảng cách xa vời vợi, có khi không bao giờ tới.

Ý tưởng thì không dễ, nhưng không phải khi có ý tưởng đã là có giá trị. Nó chỉ thực sự có giá trị khi biến thành sản phẩm thành công khi đưa ra thị trường, còn nếu không, ý tưởng đó mãi mãi là ý tưởng mà thôi.

Để biến ý tưởng thành sản phẩm thành công phải có những điều kiện tiên quyết, không thì chỉ là ngồi “nói dóc”. Trước hết, ý tưởng đó phải là độc quyền, và người đưa ra ý tưởng có khả năng chuyên môn để thực hiện.

Thứ hai, không phải phát minh độc quyền nào cũng có giá trị trong ứng dụng nên không thể thương mại hoá. Chú từng biết có người đưa ra sáng chế, được Wipo cấp bằng, Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng, nhưng chỉ để trang trí, vì không tạo ra sản phẩm phục vụ đời sống.

Chú đưa ra ví dụ trên là để muốn nói một điều, hãy xem ý tưởng đó có sát với nhu cầu cuộc sống hay không, nếu viễn vông trên trời thì đó không phải là doanh nhân, nên làm thi nhân đi nhé.

Một điều mà theo kinh nghiệm mấy chục năm làm doanh nhân, cũng dăm bảy lần đưa ra ý tưởng khởi nghiệp, thành công và thất bại đều có, chú rút ra kinh nghiệm xương máu, đó là đừng điên rồ đưa ra những ý tưởng mà khi áp dụng vào sản xuất kinh doanh, phụ thuộc quá nhiều vào các quy định của pháp luật, đặc biệt là nhũng ngành nghề mà quyền sinh sát rơi vào tay của bộ máy công chức, hiện nay được gọi là điều  kiện kinh doanh. Tất nhiên phải có, nhưng tránh đừng rơi vào ma trận điều kiện kinh doanh.

Cuối cùng là tài chính. Đưa ra một ý tưởng, mà khi thực hiện cần huy động một nguồn vốn quá lớn thì tự đưa mình vào vùng rủi ro. Tất nhiên, cũng có khi phải dám làm, dám chịu, nhưng đừng quên rằng, có thuyết phục được các nhà đầu tư, đối tác để họ bỏ tiền ra cho ta thực hiện ý tưởng hay không?

Chúc cháu thành công.

 

Trần Quí Thanh

(Hãy gửi thư cho tôi:tranquithanh1953@gmail.com)

Rate this post

Bài viết liên quan

2 Comments

  • · Edit

    Ý nghĩa quá chú ạ, cháu rất thích câu:
    “Ý tưởng thì không dễ, nhưng không phải khi có ý tưởng đã là có giá trị. Nó chỉ thực sự có giá trị khi biến thành sản phẩm thành công khi đưa ra thị trường, còn nếu không, ý tưởng đó mãi mãi là ý tưởng mà thôi.”
    Đúng là ai cũng có ý tưởng, nhưng việc hiện thực hóa nó và thực tế nó ra sao lại là một câu hỏi mịt mờ mà người có ý tưởng cũng không đoán biết được!!!
    Cảm ơn chú đã chia sẻ 😍😍😍

    Reply

Leave a Reply to Dr Thanh Cancel reply

Required fields are marked *