Tài sản vô giá ở người phụ nữ là sự khích lệ

Đặng Hà/ Báo Đại biểu nhân dân

Liên tục ra mắt 2 cuốn sách: “Chuyện nhà Dr Thanh” (2017) và mới đây nhất là “Competing with giants” (2018) – cuốn sách đầu tiên do người Việt viết cùng nhà báo Anh Jackie Horne và chuyên gia kinh tế Mỹ John Kador được ForbesBooks xuất bản, cô con gái “nhà Dr Thanh” thêm lần nữa chia sẻ triết lý kinh doanh cũng như triết lý sống “Không gì là không thể” mà cô lĩnh hội từ câu chuyện lập nghiệp của gia đình sau bao sóng gió thương trường. Một câu chuyện thú vị về “phụ nữ thời 4.0” cùng nữ doanh nhân trẻ thành đạt.

“Con gà nằm trên đống thóc mà còn đi bươi nữa!”

– Trong những trang viết của mình, chị đã không quên dành cho mẹ chị những lời trân quý về vai trò “nâng khăn sửa túi” của bà khi là “hậu phương” của một ông chồng đam mê kinh doanh hơn hết thảy mọi thứ trên đời. Chị có nghĩ mình cần phải học mẹ sự “phi thường” đó?

– Động lực lớn nhất thúc đẩy tôi viết được cuốn sách đầu tiên (Chuyện nhà Dr. Thanh) chính là bắt đầu từ một câu nói của ba tôi dành cho mẹ tôi, lúc bà ốm nặng: “Nếu má có bề gì thì ba sẽ không có động lực để chiến đấu”. Ấy là câu nói mà mẹ tôi đã chờ cả đời để được nghe nó. Vì trước đó, mấy mẹ con tôi đều nghĩ rằng ba chẳng bao giờ quan tâm đến vợ con, tôi bao nhiêu tuổi, học trường nào ba cũng không buồn biết. Điều duy nhất mà ba quan trọng chỉ là sự nghiệp kinh doanh của ông mà thôi… Vậy nhưng khi mẹ ngã bệnh, một cơn thập tử nhất sinh, trong suốt gần hai năm trời, ngày nào ba cũng có mặt ở bệnh viện từ 5 giờ chiều, chẳng bù cho hàng chục năm trước đó, người nhà kêu cách mấy cũng không chịu về ăn cơm nhà…

Tôi nghĩ là tôi cũng có thể chờ đợi cả đời để được nghe một câu nói như thế, nếu như tìm được một người chồng xứng đáng. Tuy nhiên, nếu đến lượt tôi làm vợ, tôi sẽ không chọn làm một người vợ như mẹ. Vì người vợ sinh ra là để được chồng chiều chuộng, chia sẻ, xây đắp cùng nhau chứ không phải để chịu đựng và hy sinh quá nhiều như mẹ.

– Đâu là “tài sản vô giá” ở một người phụ nữ, theo chị?

– Trong cuộc ra mắt cuốn sách thứ hai mới đây tại Hà Nội, có một câu nói của một khách mời mà tôi đặc biệt tâm đắc, khi ông cho rằng, một trong những khả năng thiên phú ở người phụ nữ, đấy chính là khả năng khích lệ. Tôi nghĩ tài sản vô giá nhất ở mẹ tôi, cũng như nhiều người phụ nữ nói chung, chính là sự khích lệ ấy.

Thường, tôi vẫn hay nhận được câu hỏi: Phụ nữ làm kinh doanh có gặp nhiều khó khăn không, cách vượt qua nó thế nào, giữa một lãnh địa mà nam giới chiếm phần đông… Câu trả lời của tôi thường cũng là một câu hỏi: Vậy tại sao các bạn không hỏi ngược lại, rằng phụ nữ có những lợi thế nào khi bước chân vào thương trường? Vấn đề là góc nhìn nào sẽ đưa tới tâm thế ấy. Nếu nhìn mọi chuyện từ góc độ khó của nó, thì làm sao chúng ta có thể có đủ tự tin. Nhưng nếu biết nhìn từ góc độ thuận lợi, mọi việc sẽ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Hơn ai hết, phụ nữ phải tự biết khích lệ mình đầu tiên, bằng chính những lợi thế riêng có của mình.

Đừng quên rằng, trong một thống kê xã hội học vào năm ngoái, Việt Nam chính là nước dẫn đầu châu Á về số phụ nữ nắm giữ các vị trí lãnh đạo.

– Vậy cách chị chia động từ “khích lệ” thế nào?

– Tôi thì chưa bao giờ biết gọi tên điều đó, hoặc có thể tôi đã diễn giải nó theo một cách khác, cũng như hành động theo một cách khác. Bạn có tin là từ bé tới giờ, tôi chưa bao giờ bị ốm không? Dù có những ngày, tôi đã phải làm việc trên cùng lúc 3 múi giờ, lệch nhau hoàn toàn; đã có lúc hết hồn kêu lên: “Ôi sao mà tóc bạc nhiều dữ vậy!”, chỉ vì ngủ quá ít. Tôi vẫn hay nói đùa với mọi người khi được hỏi “ngủ có ngon không”, rằng: “Ngủ hổng đủ, lấy gì mà ngon!”. Vì vậy, tôi luôn coi sức khỏe trời ban cho tôi thật sự là một ân huệ, hơn bất cứ mọi “tài sản” khác trên đời. Cũng là thứ mà nhiều người, một khi có nó dễ dàng, đã mặc nhiên coi nó như là một thứ đương nhiên, hơn là một ân huệ và tài sản. Với những người luôn nhìn đời một cách tiêu cực, chẳng còn mặn mà và tha thiết gì cuộc đời vì họ luôn nghĩ họ không có gì đáng giá cả, thì tôi luôn hướng sự khích lệ của mình tới những giá trị mà thật ra là họ có, nhưng họ đã trót lãng quên, hoặc không tự nhận biết, trong một cảnh huống nào đó.

Con người ta hơn nhau theo tôi là ở chỗ, ngưỡng chịu đựng tới đâu thì gọi đó là thất vọng, có người chỉ cố được 1 lần – nhiêu đó là quá đủ rồi; người lại dám thử tới 10 lần, 100 lần… Cuộc sống, tự thân nó, vốn dĩ là một chuỗi dài nối tiếp những trải nghiệm và cùng một biến cố, ở mỗi người, sẽ đưa tới những trải nghiệm khác nhau. Khi tôi truyền được năng lượng cho ai đó nhận ra được sự khác biệt ở họ, để họ tự tin hơn trước cuộc đời, thì đến lượt chính tôi cũng nhận được những năng lượng tích cực từ họ.

– Sinh ra đã được “ngậm thìa vàng”, chị nghĩ chị có thể khích lệ những người có xuất phát điểm thấp hơn mình nhiều lần sao?

– Ừ, thì như mẹ tôi vẫn thường trêu tôi: “Con gà nằm trên đống thóc mà còn đi bươi nữa!” (vì tôi cầm tinh con gà). Nhưng tôi nghĩ, biết đâu đó cũng chính là một sự khích lệ, rằng cuộc sống, nghĩa là không dừng lại, kể cả trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Đâu phải khi “ngậm thìa vàng” là người ta sẽ không còn nỗi sợ! Thuyền to gió lớn, ai biết đâu được rằng, “cái thìa vàng” đó có thể cũng có lúc rơi ra, nếu như ta không biết cách và cố công giữ nó? Người ta hơn nhau đâu phải ở chỗ có được gì mà đã cố gắng làm được gì. Cái đáng kể, trên hết và trước hết, vẫn phải là những giá trị tự thân nơi chính bạn!

“Phụ nữ 4.0 là…”

– Khi nói về cuốn sách vừa ra mắt của mình, chị đã nói rằng mong muốn của chị là “truyền cảm hứng cho doanh nhân toàn cầu”, đã có nhận định rằng chị “hơi bị nổ”. Nếu được cho là một “cô gái nhiều tham vọng”, cảm giác của chị?

– Trong kinh doanh, “nổ” hay “không nổ” cuối cùng thì cũng chỉ để làm sao khách hàng người ta chịu móc tiền ra mua sản phẩm hay thuê dịch vụ của bạn mà thôi. Nói nhăng nói cuội mà cuối cùng người ta không buồn mua sản phẩm của bạn thì liệu có ích gì? “Nổ hay không nổ”, “tham vọng hay không tham vọng” đôi khi tùy thuộc vào định nghĩa của mỗi người. Quan trọng là nói được thì phải làm được, thế thôi!

Khi tôi kể về câu chuyện vì sao một doanh nghiệp địa phương như Tân Hiệp Phát lại có thể đủ dũng khí từ chối vụ mua lại trị giá 2,5 tỷ USD từ một thương hiệu toàn cầu như Coca Cola vào năm 2012, trên mực đen giấy trắng (hơn là “chém gió suông”), lẽ đương nhiên tôi phải tin vào giá trị truyền cảm hứng của nó, tới những doanh nghiệp từng có chung xuất phát điểm như mình và khát vọng giống mình. Nó không chỉ là một câu chuyện riêng có ở Việt Nam, dù hiếm có ở Việt Nam. Đó chính là lý do tôi đã chọn viết nó bằng tiếng Anh (cùng hai cộng sự nước ngoài), 4 tháng trước khi ra mắt bản tiếng Việt vào tháng 12 tới. 

“Đâu phải khi “ngậm thìa vàng” là người ta sẽ không còn nỗi sợ! Thuyền to gió lớn, ai biết đâu được rằng, “cái thìa vàng” đó có thể cũng có lúc rơi ra, nếu như ta không biết cách và cố công giữ nó? Người ta hơn nhau đâu phải ở chỗ có được gì mà đã cố gắng làm được gì!”

– Phụ nữ thời đại 4.0, theo chị là gì?

– Tôi không nghĩ lại cần phải đưa ra những yêu cầu của xã hội đối với một người phụ nữ. Quan trọng là nhu cầu tự thân ở chính họ, rằng, họ muốn gì, có thể làm gì, và điều đó liệu có giúp mang lại hạnh phúc thật sự cho họ hay không mà thôi. Mỗi một người hạnh phúc (theo quan niệm của họ) sẽ góp thêm cho xã hội một đốm sáng, dù ở bất cứ thời đại nào.

– Vậy,… 4 điều nào chị nhất thiết phải có, và 4 điều nào là không nhất thiết?

– 4 điều không thể thiếu: Đi lễ Nhà thờ vào mỗi chủ nhật, âm nhạc vào mỗi lúc cần đến sự tĩnh tâm, trò chuyện với một người bạn hoặc người thân sau mỗi ngày và để đèn sáng lúc đi ngủ vào mỗi tối. 4 điều không nhất thiết phải có: Chồng, sổ đỏ, ăn (tôi có thể nhịn ăn từ 3 – 5 ngày) và… nam tính (tại sao lại phải cứ cố gồng mình cho giống… đàn ông)…

– Đứng mũi chịu sào một tập đoàn lớn, liệu có việc gì bé tý mà chị lại làm… rất dở không?

– Có đấy, đấy là… rửa chén và nấu ăn! Thật ra không phải là tôi không làm được, mà chỉ là tôi không thích làm nó. Nếu phải chọn giữa nấu ăn và… nhịn đói, đương nhiên tôi sẽ chọn… nhịn; cũng như phải chọn giữa rửa chén và… viết sách, đương nhiên tôi sẽ chọn viết sách.

– Nữ tính với chị lẽ nào là… một điều “xa xỉ”?

– Trái lại, ai chơi với tôi cũng hay gọi tôi là… “bánh bèo” hết! Nếu bạn thấy tôi ở cạnh ba tôi, bạn sẽ thấy tôi mè nheo ổng tới cỡ nào. Nên là, tôi không việc gì phải đi chứng minh nữ tính của mình cả (cười).

– Xin cảm ơn chị!

(Nguồn: https://daibieunhandan.vn/tai-san-vo-gia-o-nguoi-phu-nu-la-su-khich-le-412177)