Khởi Vũ/ Báo DNSG
Để được “tuyển”, ứng viên đòi hỏi phải có kỹ năng, nhưng có “dụng” và “giữ” được nhân viên hay không, lại đòi hỏi kỹ năng ở nhà quản trị.
Quản trị nói riêng và lãnh đạo nói chung không phải khái niệm dành riêng cho người “sinh ra để làm lãnh đạo”, bởi cả hai đều là “sự phát triển” chứ không phải “sự khám phá”. Đương nhiên, vẫn có các nhà lãnh đạo “bẩm sinh”, song để thực sự trở thành nhà lãnh đạo “xuất sắc”, kiến thức cùng kỹ năng là 2 thứ luôn cần được trau dồi, phát triển và rèn luyện liên tục.
Chuyện người huấn luyện viên mới
Có một câu chuyện ngắn hài hước, nhưng đáng suy ngẫm như sau: Trong suốt cuộc họp của phòng kinh doanh, người quản lý luôn miệng trách móc và chỉ trích các nhân viên dưới quyền về doanh số bán hàng sút kém.
“Tôi không hiểu sao mình lại có một đội ngũ nhân viên làm việc đáng thất vọng, lại hay lấy lý do để biện minh và bào chữa như thế này. Nếu anh chị nhắm không làm được nữa, thì tôi nói luôn, có rất nhiều người khác đang muốn nhảy vào vị trí đó để được hưởng quyền lợi như của anh chị”, ông nói.
Quay sang một nhân viên mới, vốn là cựu cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp, vị sếp hỏi: “Nếu một đội bóng không thể giành chiến thắng, thì người ta sẽ làm gì? Sẽ thay cầu thủ đá không tốt ra khỏi sân, đúng không?”
Sau vài giây im lặng, cựu cầu thủ ấy trả lời: “Thưa sếp, nếu toàn đội có vấn đề, thì thường chúng tôi sẽ đi tìm một huấn luyện viên mới”.
Diễn giả, chuyên gia tư vấn kinh doanh Marcus Buckingham – CEO của The Marcus Buckingham Company – công ty tư vấn nhân sự cho nhiều thương hiệu lớn trên thế giới như Facebook, Toyota, Coca-Cola, Wells Fargo, nói: “Người ta bỏ sếp, chứ không phải bỏ công ty”. Có thể nói, sếp tồi, bất luận ở cấp trung hay cấp cao, là một trong các tác nhân gây thiệt hại nghiêm trọng nhất và là mối đe doạ số một đối với công ty.
Nhân viên bỏ sếp, chứ không phải bỏ công ty
Và, tác động tiêu cực từ một người quản lý như vậy không thể được đong đếm bằng con số như KPI, hay có thể được nhìn thấy một cách rõ ràng. Một nghiên cứu năm 2017 cho biết, 56% công nhân Mỹ nói họ có những người quản lý độc hại. Theo một khảo sát từ Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ ghi nhận 75% người Mỹ nói sếp của họ là điều căng thẳng nhất trong một ngày làm việc của mình.
Trong khi đó, một nghiên cứu của Gallup cho thấy, cứ 1 trong 2 nhân viên bỏ việc tại một thời điểm nào đó là để “chạy trốn” khỏi quản lý của mình. Thế nên, như lời của Buckingham, “người ta bỏ sếp, chứ không phải bỏ công ty”; nhân viên rời khỏi những nhà quản lý tồi, thiếu kỹ năng và nghỉ việc tại các công ty tạo điều kiện cho những người như vậy “làm vương làm tướng”.
NGUỒN: Theo Báo Doanh Nhân Sài Gòn
Link bài: 3 kỹ năng…
https://doanhnhansaigon.vn/