Đức hạnh của phụ nữ Việt xưa và nay khác nhau thế nào?

Tịnh Liên/ Báo Đại Kỷ Nguyên

Dưới trào lưu hội nhập văn hóa, đặc biệt là hội nhập với nền văn hóa hiện đại từ phương Tây, thì văn hóa Việt diễn ra như thế nào? Ta hãy thử nói riêng về đức hạnh của người phụ nữ xưa và nay trong trào lưu ấy.

Bốn đức hạnh, cũng chính là nét đẹp truyền thống của người phụ nữ Việt Nam xưa bao gồm: Công – Dung – Ngôn – Hạnh. Với điều kiện và môi trường xã hội chung xưa kia, người phụ nữ Việt Nam sinh ra và lớn lên trong sự giáo dục của gia đình có nề nếp gia phong. Cho dù là sinh ra trong giàu có hay nghèo hèn, thì họ cũng cần có đầy đủ những đức hạnh của người phụ nữ truyền thống:

Công: là nữ công gia chánh, là sự đảm đang, khéo léo, ngăn nắp của người phụ nữ. Điều này thể hiện ở rất nhiều khía cạnh, đặc biệt là vào dịp Tết đến. Khách đến chơi xuân thường được thưởng thức các loại mứt tự làm của mỗi gia đình. Họ vừa ăn vừa thán phục tài khéo tay, sự tinh tế, nét dễ thương của người làm ra các loại bánh mứt với nhiều hương vị. Đó là mứt trái cây vừa ngọt vừa chua, là mứt gừng cay cay mà ngọt ngọt thanh thanh, hay là các loại mứt khoai lang, khoai bí đủ hình dạng và màu sắc, hoặc là từng chiếc bánh thuẫn nở bung như nắng vàng đẹp mắt, v.v.

Dân gian cũng có câu nói ca ngợi bàn tay khéo léo của người phụ nữ:

“Vá may giữ nếp đàn bà.
Mũi kim nhỏ nhặt mới là nữ công”

Dung: là nói về dáng vẻ bên ngoài của người phụ nữ, từ vẻ đẹp hình dáng đến vẻ đẹp tâm hồn, từ cách ăn mặc trang nhã đúng với thuần phong mỹ tục cho đến cách nói năng khiêm nhường nhã nhặn.

Trong cổ thư có câu: “Dung nhan đoan trang, mộc mạc mới có thể thể hiện ra giá trị của khí chất. Phục sức nếu quá xa hoa thì sẽ lộ ra sự dung tục”. Câu nói ấy đã ca ngợi sự chuẩn mực của người phụ nữ: Cần kiệm, chăm lo việc nhà, không hoang phí quá nhiều thời gian và tiền bạc vào đầu tóc, trang sức, quần áo hay khuôn mặt bên ngoài. Phụ nữ trước đây, nhất là các mẹ, các chị, các cô gái trẻ từ thành phố đô hội cho đến miền nông thôn nắng gió, dù giàu hay nghèo thì mỗi khi ra đường đều ăn mặc kín đáo, trang nhã, tinh tế, nhẹ nhàng. Không cần quần là áo lượt, chỉ cần ăn mặc tươm tất, giản dị, “đói cho sạch, rách cho thơm”.

Ngôn: là lời nói biểu hiện tâm hồn và tư cách con người. Con nhà gia giáo ăn nói lễ độ, đúng mực. Lời nói đẹp gắn liền với cử chỉ, phù hợp, đúng lúc, đúng chỗ. Trong ngôn từ giao tiếp luôn cần có chuẩn mực, bởi đó là phương tiện thể hiện nét đẹp văn hóa của dân tộc. Ông cha ta xưa kia thường khuyên bảo: “Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”, hoặc: “Chim khôn hót tiếng rảnh rang, người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe”. Ví như khi đi đến những nơi công cộng tấp nập người qua lại, nếu lỡ va phải ai đó thì cô gái ấy sẵn sàng nói lời xin lỗi, hoặc nếu người khác có lỗi với mình, họ vẫn vui vẻ tươi cười đáp lại: “Dạ, không sao đâu” — Thật đẹp và dễ thương biết chừng nào những cử chỉ, nề nếp ấy!

Hạnh: là sự đoan trang, nết na, hiền thục, là lòng nhân hậu và sự thủy chung. Đây cũng được xem là yếu tố quan trọng nhất trong bốn đức hạnh (Tứ đức) của phụ nữ xưa. Bà Tú đầu tắt mặt tối, một nắng hai sương trong thơ Tú Xương là một hình mẫu như thế:

“Quanh năm buôn bán ở mom sông
Nuôi đủ năm con với một chồng
Lặn lội thân cò khi quãng vắng
Eo sèo mặt nước buổi đò đông”.

Xưa nàng Tô Thị một lòng thủy chung, chờ chồng mà hóa đá vọng phu. Còn thiếu phụ Vũ Thị Thiết thì mỗi khi nhớ chồng, nàng chỉ bóng mình trên tường và nói với con nhỏ rằng: “Đó là cha con”, để rồi bị chồng nghi oan khi trở về. Nàng đã nhảy xuống sông Hoàng Giang tự vẫn để minh chứng cho tiết hạnh của mình. Và ai cũng biết tài nữ Đoàn Thị Điểm, bà hết lòng giúp chồng học tập, nâng cao kiến thức. Còn có rất nhiều người phụ nữ Việt đảm đang, thủy chung trong thời chiến: Chồng ra trận, họ một lòng ở vậy nuôi con chờ chồng. Nếu chồng hy sinh, họ kiên quyết không đi bước nữa, cứ ở vậy thủ tiết suốt đời. Đã từng có những tấm gương quý báu như vậy.

Vậy đức hạnh của phụ nữ Việt Nam trong xã hội ngày nay thì sao? Cùng với xu hướng toàn cầu hóa thì văn hóa các quốc gia cũng ngày càng xích lại gần nhau, nhưng đồng thời cũng dễ bị hòa tan. Trong quá trình trao đổi và học hỏi giữa các nền văn hóa có cả mặt tích cực và tiêu cực. Phụ nữ ngày nay có thể tham gia vào bất kỳ lĩnh vực nào trong xã hội. Họ đã trở thành bác sĩ, kỹ sư, tiến sĩ, có quyền phát biểu suy nghĩ và có tiếng nói của mình. Và họ đã thể hiện cho mọi tầng lớp thấy tài năng chu toàn của phái nữ: vừa làm con, làm vợ, làm mẹ, vừa tham gia công tác xã hội. Thế nhưng bên cạnh đó lại nảy sinh các vấn đề và hiện tượng văn hóa lệch lạc, lai căn, suy đồi của một số thành phần lớp trẻ. Đó là cách hiểu lệch lạc về “Tứ đức” của nữ giới ngày nay:  

Công: Mỗi khi Tết đến xuân về, ta không còn thấy những đĩa bánh mứt và trái cây tự làm, mà thay vào đó là quà bánh mua sẵn ngoài chợ. Ngày hôm nay cũng chẳng còn mấy cô gái biết may vá, thêu thùa, nấu nướng, mà phần lớn là đồ ăn sẵn, quần áo may sẵn được mang đến tận nhà.

Dung: Có câu nói: “Không có phụ nữ xấu, chỉ có phụ nữ không biết làm đẹp”. Cái đẹp và vẻ đẹp của giới nữ hiện nay được xã hội quan tâm và khuyến khích. Nhưng có nhiều người quá coi trọng hình thức, chỉ trau chuốt về trang phục mà ít quan tâm trau dồi về vẻ đẹp tâm hồn. Tóc đủ loại màu, ăn mặc áo hở vai, hở rốn, quần thì ngắn tũn, thậm chí có chị em còn viện cớ mùa hè oi bức để mặc bộ đồ như chiếc bikini tắm biển, và cứ như thế mà vô tư vào chùa thắp nhang cúng Phật. Ở Thái Lan, có những ngôi chùa phát váy choàng cho du khách ngay từ ngoài cổng. Với họ, bất cứ ai đến thăm cảnh chùa đều phải tỏ lòng kính Phật, tín Thần. Có cô gái quá chú trọng vào hình thức, đã dựa vào công nghệ mà bơm mặt, sửa cằm, hút mỡ bụng dẫn đến biến dạng khuôn mặt. Còn có cô gái vì quá phấn khích, hưng phấn trước chiến thắng của bóng đá nước nhà đến mức chỉ quấn miếng vải nhỏ quanh người rồi chạy xe khắp các ngả đường… 

Ngôn: Lời nói biểu hiện tâm hồn và tư cách. Xưa con nhà gia giáo ăn nói lễ độ, đúng mực, nhưng nay một số bạn nữ nói năng tùy tiện, chỉ nghĩ đến cái tự tư và bản ngã của mình, ít chú ý rèn luyện và tu dưỡng bản thân. Ở trường, có những nữ sinh nói chuyện phiếm về thầy cô: “Ông thầy A đẹp trai thế này, bà cô B ác nghiệt thế kia”… đã không còn cung cách của trò với thầy: “Tiên học lễ hậu học văn”.

Hạnh: là nét đẹp, là phẩm đức cần có của người phụ nữ. Thế nhưng, một số nữ giới hôm nay chẳng quan tâm đến tiết hạnh, cũng chẳng chú ý đến nề nếp gia phong. Họ sẵn sàng đạp bỏ mọi giá trị truyền thống, cho rằng tứ đức xưa là cổ hủ, lạc hậu. Họ sống rất thực dụng, coi tiền là trên hết, có người còn chạy theo trào lưu “sống thử”, đem tiết hạnh ra làm đồ thí nghiệm… Đã có những cô gái bỏ học giữa chừng hay bỏ nhà theo tiếng gọi ái tình. Lại có những cô gái hung hãn đánh bạn trước cổng trường, hoặc dùng dao lam rạch mặt, hay đổ dầu nhớt lên đối phương. Tất cả các hành động trên cũng vì chữ tình, vì sống vội, vì ghen tuông mù quáng, cũng là vì đạo đức xã hội đã xuống cấp trầm trọng.

Thời đại nay khác xưa, quan niệm và nhận thức cũng khác biệt nhiều, nếu lấy tiêu chuẩn đức hạnh của phụ nữ Việt xưa để giáo huấn nữ giới trẻ ngày nay thì sẽ có người cho là xưa rồi, lạc hậu quá rồi. Nhưng so sánh và suy ngẫm lại đức hạnh của phụ nữ Việt xưa kia, ta vẫn thấy có một nỗi hoài niệm mênh mang, rằng bao giờ cho tới ngày xưa ấy…?

 
NGUỒN:  Theo Báo Đại Kỷ Nguyên
Link bài: Đức hạnh của phụ nữ Việt…
(https://www.dkn.tv/van-hoa/duc-hanh-cua-phu-nu-viet-xua-va-nay-khac-nhau-the-nao.html)
3.3 (65%) 8 votes

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *