Ông Trần Quí Thanh từng chia sẻ như vậy sau khi đọc lại từng dòng tâm sự của con gái lớn Trần Uyên Phương trong cuốn sách về gia đình mình. Dẫu vậy ông một lần nữa nhấn mạnh: “Cho tôi làm lại, chắc tôi cũng sẽ chỉ biết làm như thế”.
Giống như bao ông bố khác ở trên đời, ông Trần Quí Thanh dành tình yêu thương vô bờ bến cho các con. Nhưng khác với sự mềm mỏng, nhẹ nhàng, có phần chiều chuộng của các bà mẹ, những ông bố thường hiếm khi thể hiện tình cảm. Họ áp dụng đúng câu “Thương cho roi cho vọt”, càng đau xót càng cho nhiều thử thách để các con tiến bộ không ngừng. Ông Quí Thanh không phải ngoại lệ, thậm chí còn là “nhân chứng sống” cho lý thuyết này.
“Mình nuôi con đừng như gà nuôi con. Suốt đời cung cúc kiếm ăn cho con, động chuyện gì thì xòe cánh ra che chở cho con. Đừng nghĩ đó là yêu con, chính là đang hại con đó”. Câu nói khiến nhiều người gật gù tán thưởng đó được ông nhiều lần nói với vợ và thành kim chỉ nam trong cách nuôi dạy con của Dr.Thanh suốt những năm niên thiếu của 3 đứa nhỏ.
Ông tuyệt đối không biến con thành “cái rốn của vũ trụ” bởi với ông, đó là cách làm con cái mau hư hỏng nhất. “Không ai phục vụ các con hết, tự các con phải phục vụ lấy các con và phục vụ người khác” – ba đứa trẻ nhà ông Thanh thuộc làu làu câu nói này của bố.
Khỏi phải nói, dưới sự nghiêm khắc của người làm cha, những đứa trẻ Uyên Phương, Ngọc Bích và Quốc Dũng – 2 con gái và con trai duy nhất của ông Thanh – từng sợ bố đến thế nào. Vốn sống ít ỏi cộng với tuổi đời nhỏ, các con chưa thể hiểu hết nỗi lòng của người làm cha, nhất là khi ông đã trải qua quá nhiều biến cố của cuộc đời.
“Suốt tuổi thơ, trong đầu tôi là nỗi sợ ba, sợ phát run phát rét, sợ như sợ… cọp. Nhớ trận đòn duy nhất của ba đã khiến tôi vô viện” – Uyên Phương – con gái đầu lòng của ông Trần Quí Thanh – viết trong cuốn “Chuyện nhà Dr. Thanh” như vậy.
Cùng với những lần giận hờn, tủi thân, thậm chí rơi nước mắt và sôi sục ý chí “Phải giỏi hơn ba”, 3 người con trưởng thành nhanh chóng, rồi dần “tâm phục khẩu phục” cũng như hiểu được tình yêu vô bờ bến của ông Thanh. Họ chợt nhận ra, bố luôn nói đúng và hóa ra bố luôn muốn điều tốt nhất dành cho các con và gia đình.
Trong cuốn Chuyện nhà Dr Thanh, Uyên Phương viết, từ nhỏ đã yêu má nhiều hơn ba, nhưng lại dành cho ba tình cảm rất đặc biệt. “Ba luôn là ưu tiên số một của tôi, kể cả đang đi chơi với bạn trai ngoài đường, chỉ cần nghe ba gọi về có việc gì, tôi sẽ về ngay lập tức. Đến nỗi, có lần bạn trai tôi giận: “Ba Phương giống như ông kẹ ở nhà hay sao? Mới gọi cái lật đật về liền”.
Nói về sự nghiêm khắc của mình, ông Thanh chia sẻ: “Cái nhìn của con cái là thấy khắc nghiệt, còn cái nhìn của tôi khác. Tôi vẫn quan niệm là con người ta không có năng lực gì cả. Năng lực là do đào tạo huấn luyện mà thôi, nên những người có năng lực rất cao chắc chắn phải rèn luyệt rất dữ.
Không rèn luyện làm sao một đứa thanh niên nhà giàu có thể đi bộ mấy chục km được, phải tập luyện thôi. Đưa vào môi trường rèn luyện hết mức, con người ta mới phát huy được hết năng lực”.
Thời 3 người con còn đi học, ông Thanh chưa từng một lần đi họp phụ huynh, cũng không trao đổi với bất cứ thầy cô nào, chưa từng ngó sách vở của con mình. Tất tần tần mọi thứ liên quan tới chuyện ăn học của 3 đứa nhỏ đều một tay mẹ – bà Nụ – vun đắp. Thậm chí, sau này lớn lên, con xin đi học cái này cái kia, ông còn bảo: “Học lắm quá thì thành thợ học đó nghe con!”.
Ông Thanh cũng luôn nhắc nhở các con, học là để đi làm chứ không phải để có nhiều học vị. Mục tiêu cuối cùng và thước đo của mỗi con người chính là giá trị mà người đó tạo ra cho xã hội chứ không phải “có mấy cái bằng”.
Sau khi tốt nghiệp ở Singapore hay Anh – những điểm đến danh giá của giới du học sinh Việt – hai con gái của ông Thanh một lần nữa quay trở lại vạch xuất phát trên hành trình khẳng định giá trị của bản thân với cha. Họ khởi đầu ở Tân Hiệp Phát ở những vị trí “vô cùng khiêm tốn” trong công ty.
Công việc kinh doanh càng phát triển, họ càng bộn bề. Dù được phân công ở bất cứ phòng ban nào cũng đều là sóng gió. Việc ngập đầu.
Uyên Phương chia sẻ: “Nhiều hôm, mở mắt ra từ 5h sáng đã bắt đầu vào ‘bài tập’ để chuẩn bị ‘trả bài’ cho ‘ông chủ’ – cũng chính là ba Thanh”. Bữa trưa vào lúc 14-15h là thường, còn bữa tối nhiều ngày đến tận 24h. Thậm chí, 2h sáng mới kết thúc nếu cha con còn ngồi trò chuyện, bàn bạc công việc.
Làm việc quần quật không dưới 16 tiếng mỗi ngày nhưng Uyên Phương khó khăn lắm mới được nhận lương như những người khác. Mãi về sau, cô phải tự phấn đấu, thậm chí là tranh đấu mới có mức thu nhập ngang bằng như lẽ ra cần phải có. Nhưng cũng chính quãng thời gian này, cô mới hiểu hơn về những khó khăn, vất vả thầm lặng của cha. Để rồi khi lên vị trí lãnh đạo, cô hiểu, cảm ơn và trân trọng ba Thanh mẹ Nụ và những người thân yêu quanh mình hơn bao giờ hết.
“Có một vài người bạn nói với tôi rằng họ rất nể ba tôi, nhưng làm con gái của ông thì họ không bao giờ muốn. Ví dụ như ba từng nói đến mức là: ‘Tôi đẻ ra không có nghĩa là tôi phải nuôi đâu’. Nhưng với bản thân mình, tôi thấy đó là điều may mắn và hạnh phúc, vì tôi học được nhiều hơn những người khác, thậm chí là quá nhiều. Tôi nghĩ, cái gì cũng có giá của nó. Và tôi cảm ơn vì được làm con của ba Thanh và má Nụ” – con gái Uyên Phương tâm sự.
Trải qua nhiều biến cố trong đời, ông Thanh luôn mong muốn đảm bảo sự thành công cho từng thành viên, từng cá nhân trong gia đình chứ không phải sự chiều chuộng, bảo bọc. Với ông, “có vấn đề thì từ từ giải quyết, vấp ngã đứng dậy đi tiếp, chắc chắn sẽ tới. Ta chỉ thất bại khi nghĩ là làm không được và bỏ cuộc”.
Có một điều khác lạ tới khó hiểu trong mắt nhiều người về cách quản lý và dùng người của ông Thanh, đó là ngay cả người thân cũng bị “kiểm toán”. Ví như các con gái ông, cô Uyên Phương hay Bích Ngọc là người phụ trách mua hàng và marketing nhưng vẫn trải qua những khâu kiểm toán như bao người. Mục tiêu là để xây dựng một công ty bền vững và là quân pháp bất vị thân.
Cũng giống như lần Quốc Dũng – con trai duy nhất của gia đình – quyết mở công ty riêng, là nhà phân phối sản phẩm của công ty. Vốn nhanh nhạy, tháo vát, trách nhiệm, Dũng “chạy rất nhanh”. Mới hơn một năm, đã trở thành nhà phân phối của Tân Hiệp Phát có doanh thu lớn nhất TP HCM. Thế nhưng, phát triển nhanh và không có hệ thống kiểm soát tốt, đó chính là cái bẫy dẫn đến việc mất hết tất cả. Nhân viên của Dũng bán phá vùng, phá giá, bị chính nhà phân phối khác kiện lên với ba Thanh.
Với sai lầm của con trai, ông Thanh đã có quyết định xử lý “không nhân nhượng” để các nhà phân phối khác tâm phục khẩu phục. Trước quyết định của gia đình, Quốc Dũng nhận lỗi và hoàn toàn chịu trách nhiệm về sai lầm của mình, bàn giao tất cả chỉ trong 2 tuần. Sự bản lĩnh, chí khí, không oán khóc, không năn nỉ và chấp nhận cái giá cho việc mất kiểm soát của Quốc Dũng là sự đúc kết, thôi rèn từ những bài học của cha.
Hơn ai hết, những đứa trẻ nhà Dr Thanh hiểu, cần có sự quyết đoán và kỷ luật như vậy Tân Hiệp Phát mới trở thành công ty gia đình đạt chuẩn quản trị quốc tế. Đó là một chẳng đường dài và đầy khó khăn. Cái giá phải trả cũng rất đau đớn, đôi khi là chính người thân, nhưng kết quả nhận về sẽ là một tổ chức minh bạch, trọng dụng người tài. Hơn bao giờ hết, chúng không quên câu nói của cha: “Con tàu lớn có thể chìm, chỉ vì một lỗ hổng nhỏ mà không ai biết tới”.
Trong buổi ra mắt sách ở New York, Uyên Phương đã cảm ơn bố một cách trịnh trọng vì ông đã nuôi dạy cô và các em trở thành một nhà lãnh đạo, chứ không phải một cô công chúa hay một chàng hoàng tử.
Khi con cái đã trưởng thành, nguyên tắc của ông Trần Quí Thanh với các con là “chỉ đường thôi, còn con tự cân nhắc, lựa chọn”. Cũng giống như khi con trai quyết chọn hướng đi riêng, “chia tay” công ty gia đình, ông Thanh cho rằng, “con trai sôi nổi và muốn tự chứng minh hơn”.
“Đứa nào cũng phải tự bơi ngoài sông, đứa nhát cho uống 1-2 ngụm nước, còn gan thì đạp ra giữa sông cho uống nước nhiều hơn tí, gần hết sức rồi thì mình nắm tóc nó kéo lên”.
Chính việc trao cho con cơ hội để quyết định và tự chịu trách nhiệm của mình, ông Thanh đã khiến những đứa con cảm nhận được niềm hạnh phúc lớn.
Từng thành viên trong gia đình đều được hưởng hạnh phúc của sự che chở nhau. Họ cùng vận hành trong một bộ máy mỗi ngày phình to ra lớn gấp vạn gia đình. Khi đó, sự che chở cũng lớn hơn, không chỉ vì cùng huyết thống, nó còn là tình đồng chí, đồng nghiệp. Từ ý nghĩa nền tảng là gia đình nhỏ đến một gia tộc doanh nhân lớn, có thể kề vai sát cánh, kiên cường chiến đấu vượt qua khó khăn, đồng cam cộng khổ. Đó chính là quan điểm gia tộc trên thương trường luôn nhất quán của ông Thanh. Mừng thay, dù mãi về sau nhưng cuối cùng các con ông đã hiểu ra điều đó.
Uyên Phương từng chia sẻ, tạo ra Tân Hiệp Phát minh bạch, rõ ràng, đánh giá đúng người đúng việc là sự nỗ lực không mệt mỏi và thái độ tự rèn mình trước khi kiểm soát người khác một cách cực kỳ nghiêm khắc của cha cô trong nhiều chục năm qua. Ông đánh giá con cái và đặc biệt là người thân, họ hàng đều qua công việc, không nhân nhượng.
Bất kể người thân là ai thì cũng phải có những thước đo đánh giá rõ ràng và không tạo ra bè phái trong công ty. Thậm chí, khi Trần Uyên Phương phụ trách bộ phận mua sắm thì người đứng đầu và bộ phận này cũng bị kiểm toán và phải giải trình mọi thứ như bình thường chứ không có ngoại lệ.
Với hai cô con gái mà ông dành nhiều tình yêu và tâm huyết của mình, những bài học cuộc sống từ cha dường như không bao giờ là đủ. Dấn thân vào thương trường nhưng họ nhận ra, thắng thua là chuyện bình thường của cuộc đời. Hãy sống cuộc sống vì một điều gì đó, chứ không phải vì có thật nhiều tiền và giữ tiền để ăn dần.
Khi đã được cha tung vào cuộc chơi lớn, được “chơi” thật sự, họ mới hiểu được tại sao phải sống cuộc sống đơn giản, không bị lệ thuộc vào vật chất. Chỉ có những người sống như vậy mới hiểu chạy theo vật chất sẽ làm “hèn” và “hư” mình.
Sự khác biệt giữa thế hệ xây và thế hệ kế thừa đó là người kế thừa sẽ khó mà hiểu được cái khổ của người xây. Chưa làm ra được tiền mà thấy toàn tiền thì con người ta chỉ học được sự đòi hỏi hơn là phục vụ và cống hiến. Nhưng ông Thanh luôn dạy con hiểu tiền bạc chỉ là phù du, và nhất là nếu khi chưa đủ năng lực để quản lý số tiền khổng lồ đó, thì sở hữu nó tức là mang họa vào thân. Ông khiến các con đủ mạnh để tin rằng bằng năng lực của mình, con tự do đi trong đời, không bị lệ thuộc vào bất cứ điều gì, chứ không chỉ là tiền.
Chính nhờ sự dìu dắt của người cha, các con nhà Dr Thanh ngày càng thấm thía triết lý: Dù gì cũng chỉ sống được một lần, sống cho đáng để sống. Để rồi đến một ngày khi nhắm mắt, họ cũng muốn được nói với ba mình rằng: “Ba ơi, con đã sống một cuộc sống thật sự đáng sống!”.