TS Nguyễn Tác An, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang. – Tấn Lộc ghi / Pháp luật Tp HCM
…………….
Xin ghi nhận cái tâm cái tài của một nhà khoa học. Thế mới biết người có tâm có tài nước ta thời nào cũng không thiếu. Hy vọng Chính phủ cho tạm dừng việc cho Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 đổ bùn, cát xuống vùng biển.
……………………..
Thời gian qua dư luận xã hội rất lo lắng, bức xúc trước việc Bộ TN&MT cấp phép cho Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 nhận chìm bùn, cát xuống vùng biển gần Khu bảo tồn biển Hòn Cau (Bình Thuận). Dư luận lo ngại là có cơ sở bởi việc nhận chìm này có nhiều nguy cơ gây ra những hậu quả nghiêm trọng về môi trường, đặc biệt là ảnh hưởng đến sinh kế của người dân. Dư luận bức xúc bởi việc cấp phép này có rất nhiều vấn đề bất hợp lý, mập mờ, chưa được làm rõ.
Từ khi có dự án nhận chìm bùn, cát xuống biển đến nay, tôi đã có nhiều ý kiến phản biện trên báo chí. Hôm nay tôi chốt lại các quan điểm chính thức của tôi, xem như trút tấm lòng cả đời với biển cả đến những nhà lãnh đạo có trách nhiệm của đất nước trước vấn đề hệ trọng này.
1. Không thể chấp nhận cho đổ xuống vùng biển mà Bộ TN&MT đã cho phép vì nó quá gần Khu bảo tồn biển Hòn Cau.
Khu bảo tồn biển này là thương hiệu, uy tín của Việt Nam đối với thế giới trong bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ đa dạng sinh học. Thế nhưng bây giờ Bộ TN&MT cho đổ gần 1 triệu m3 bùn, cát xuống vùng biển chỉ cách vành đai Khu bảo tồn biển Hòn Cau chưa đến 2 km, chắc chắn sẽ gây ra tác động khôn lường. Nhiều người tính toán với lượng thải khổng lồ đó, nền đáy biển sẽ cao lên 3-7 m. Tuy nhiên, đây là vùng biển nước trồi, có động lực rất mạnh nên bùn, cát đổ xuống sẽ lan ra rất nhanh nên đáy biển khu vực đổ xuống chỉ cao thêm 3 cm. Tôi cho rằng chỉ một tiếng đồng hồ sau khi đổ xuống, Khu bảo tồn Hòn Cau đã phải gánh chịu hậu quả. Nguy hiểm nhất là với động lực ở vùng biển này, độ đục sẽ phát tán rất nhanh, làm cản trở quá trình sinh hóa địa, khiến các loài sinh vật bị hủy diệt ngay sau đó.
Do đó, phải tìm vị trí khác hoặc phương án xử lý khác đối với lượng bùn, cát nạo vét chứ dứt khoát không được đổ xuống vị trí gần Khu bảo tồn biển Hòn Cau như vậy!
Hãy nghĩ đến sinh kế của người dân và tương lai của môi sinh khu vực biển quan trọng này. Trong ảnh:Ngư dân Vĩnh Tân đang đánh bắt trên vùng biển truyền thống của mình và Khu bảo tồn biển Hòn Cau – khu bảo tồn có hệ sinh thái rất quý hiếm. Ảnh: QUANG HUY – ĐÌNH HÒA
2. Phải tiếp tục làm rõ rất nhiều vấn đề xung quanh việc cho nhận chìm gần cả triệu m3 bùn, cát xuống biển.
Tôi thống nhất là chúng ta cần phát triển, cần điện và môi trường cũng rất cần. Ở các nước phát triển, họ đảm bảo đủ điện nhưng vì sao không có những vấn đề về môi trường? Là vì khi làm các dự án, họ đã đánh giá tác động rất bài bản, khoa học, trung thực. Trong dự án nhận chìm của Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1, các cơ quan quản lý nhà nước đã làm được điều đó chưa?
Vừa qua Bộ TN&MT thuê nhiều đơn vị, tổ chức khảo sát, đánh giá nhưng vẫn còn rất nhiều vấn đề chưa được làm rõ. Đó là phải tính toán kinh tế, nếu đổ ở vị trí vùng biển đó, anh được lợi bao nhiêu tiền, xã hội được lợi gì? Hay anh thiệt thòi bao nhiêu tiền, xã hội mất mát thứ gì? Tất cả phải công khai cho người dân biết.
Mặt khác, Bộ TN&MT đã hỏi ý kiến người dân trong vùng đó chưa? Nếu có thì cứ công khai ra. Vừa rồi Bộ TN&MT chỉ mới tập trung điều tra tự nhiên mà chưa điều tra về mặt xã hội, bởi phát triển phải phù hợp với quy luật xã hội – đây là điều vô cùng quan trọng.
Trước khi cấp phép, đáng lẽ Bộ TN&MT phải tập trung điều tra về mặt xã hội học vì vùng biển đó chính là cuộc sống của người dân. Bộ phải đi điều tra dân chúng để xem sinh kế, nắm rõ hằng ngày bà con sống bằng gì, mỗi ngày họ kiếm được bao nhiêu ở biển; bây giờ anh đổ xuống đó thì họ mất mát gì, cá tôm sẽ như thế nào… Xuyên suốt quá trình triển khai dự án này, tôi chưa bao giờ nghe họ nói đến sinh kế của người dân, cũng không dám mạnh dạn đề cập việc xã hội mất gì, ai chịu những mất mát này khi họ làm dự án đó.
Đó là chưa nói đến chuyện hồ sơ dự án có quá nhiều vấn đề không minh bạch, bất ổn. Nếu minh bạch sao lại tự tiện mạo danh các nhà khoa học trong hồ sơ dự án. Đến nay, việc khai khống tên các nhà khoa học trong dự án cũng chưa được làm rõ, chưa chính thức trả lời cho dư luận. Đó là chưa kể việc làm này tạo ra một tiền lệ rất xấu và nguy hiểm đối với xã hội, xâm hại uy tín giới nghiên cứu khoa học Việt Nam.
3. Không được mạo hiểm cho đổ xuống biển để đến khi xảy ra sự cố rồi mới cho dừng lại.
Qua báo chí, tôi thấy phía Bộ TN&MT có nói nếu xảy ra sự cố thì cho dừng lại.
Khi nói vậy đã chứng tỏ Bộ cũng chưa chắc chắn là không ảnh hưởng. Rõ ràng đây là một việc làm mạo hiểm. Đã xảy ra sự cố môi trường thì sao dừng lại được! Anh có thể dừng việc đổ bùn, cát chứ có dừng được hậu quả không? Ai phải chịu trách nhiệm về những thiệt hại nếu xảy ra?
Tôi muốn nhấn mạnh thiệt hại ở đây không phải là tiền mà là sinh mệnh của người dân, của cả xã hội bây giờ và tương lai nữa.
Trong quản lý môi trường, nguyên tắc quan trọng nhất là phòng ngừa. Do đó những cái gì còn lăn tăn, dù một vài phần trăm thôi cũng phải dừng lại để tiếp tục nghiên cứu. Rõ ràng việc nhận chìm này phải được tiếp tục nghiên cứu. Hậu quả vụ Formosa còn nhiều vấn đề xã hội rất lớn chưa được giải quyết hết, Bộ TN&MT không thấy sao?
* * *
Từ những lý do trên, với tư cách một nhà khoa học về hải dương, tôi khẩn thiết đề nghị Thủ tướng Chính phủ cân nhắc kỹ lưỡng mọi bề; chỉ đạo tạm dừng việc cho Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 đổ bùn, cát xuống vùng biển.
Tôi cũng đề nghị Chính phủ yêu cầu các cơ quan liên quan tạm dừng lại để giải quyết tất cả vấn đề xã hội liên quan đến dự án này. Thà chậm còn hơn mất cả cuộc sống của hàng triệu con người.
Theo báo Pháp luật Tp HCM
Link bài: 3 vấn đề cốt lõi của vụ nhận chìm 1 triệu m3 bùn, cát