4 lý do khiến bạn mua sắm ‘vô tội vạ’

Thùy Linh theo Brightside/ Báo VnExpress

Ảnh minh họa: iStock.com

—–

Nhiều người cho rằng, mua sắm là sự “mua vui”, giúp tạm quên những vấn đề của cuộc sống. Nhưng theo Brightside, còn có những lý do khác.

Muốn gây ấn tượng với người khác

Các nguồn tài nguyên thì có hạn, trong khi theo thuyết tiến hóa của Darwin, con người không ngừng cạnh tranh, đòi hỏi càng nhiều càng tốt, vì chính cuộc sống tốt đẹp của họ. Khi tất cả các nhu cầu cơ bản của chúng ta đã được đáp ứng, việc tiêu xài tiền bạc sẽ được dành cho những thứ khác. Điều này dẫn đến việc thể hiện sự giàu có và tầm quan trọng của họ với một phần còn lại của thế giới, bằng cách mua ngày càng nhiều thứ mà họ không cần.

Vậy nên làm gì để thay đổi?

Đừng quên rằng “cảm giác thoải mái” tốt hơn là việc “trông đẹp mắt”. Ví dụ, một chiếc áo đắt tiền đôi khi không đem lại cho bạn cảm giác thoải mái về lâu dài giống như việc dành số tiền đó để nghỉ ngơi, đi spa một buổi nhằm giảm stress, để bản thân sẵn sàng cho những thử thách phía trước.

Ghen tị với những người có nhiều hơn mình

Con người chúng ta thích so sánh mình với những người xung quanh. Điều này dẫn đến việc chúng ta đôi khi mua đồ chỉ bởi vì bạn bè chúng ta cũng có thứ đó, chứ không phải vì chúng ta thực sự cần nó. Thực tế, chúng ta ích kỷ hơn là bản thân sẵn sàng thừa nhận. Chúng ta luôn tìm cách phát triển quy mô “vương quốc cá nhân” của mình bằng cách mua sắm nhiều hơn.

Vậy nên làm gì để thay đổi?

Hạnh phúc thực sự nằm ở những điều bé nhỏ. Mua nhiều chưa chắc đã bằng có nhiều hạnh phúc. Cảm giác hồi hộp, vui sướng khi nhận món đồ mới sẽ sớm mất đi, và bạn sẽ nhớ nhiều hơn về những bữa tối đơn giản, hay những cuộc trò chuyện vui vẻ bên bạn bè, gia đình. Khoa học chứng minh rằng những mối quan hệ có ý nghĩa có thể tăng tỷ lệ sống thọ của bạn.

Nạn nhân của tiếp thị, quảng cáo

Các chuyên gia marketing luôn có những thủ thuật để “móc túi” người tiêu dùng, khiến bạn sẵn sàng chi tiền cho sản phẩm, dù chưa thực sự biết rõ về chúng. Một mẹo thường được sử dụng là cho phép người tiêu dùng có cơ hội dùng thử sản phẩm. Khoảnh khắc khi người mua cầm trên tay sản phẩm mới có thể nảy sinh ra cảm xúc tâm lý sở hữu (psychological ownership), khiến mọi người có khả năng mua hàng hơn.

Vậy nên làm gì để thay đổi?

Nên suy nghĩ thật kỹ về những thứ mà bạn cần, trước khi đi mua. Mọi người có xu hướng mua sắm nhiều hơn khi trực tiếp đến cửa hàng và mua ít hơn khi shopping trực tuyến. Để điều này không xảy ra, hãy lập danh sách những gì cần và chỉ mua những thứ trong danh sách đó.

Cảm thấy không kiểm soát được cuộc sống của mình

Cảm giác được sở hữu vật chất luôn khiến cho chúng ta an tâm hơn. Điều này là đúng, liên quan đến những nhu cầu cơ bản của chúng ta như có một mái nhà, xe cộ… Từ đó, chúng ta hay bị đánh lừa rằng sở hữu nhiều hơn sẽ an toàn hơn. Thực tế là nó có thể đem đến cho bạn cảm giác an toàn trong một khoảng thời gian ngắn, nhưng kém ổn định và tiềm ẩn nhiều nguy cơ hơn chúng ta tưởng.

Vậy nên làm thế nào để thay đổi?

Hãy học cách sống “đủ”. Nên khuyến khích bản thân chống lại ham muốn sở hữu nhiều hơn những gì mà bạn có thể tiêu thụ. Trước khi mua hàng, hãy tự hỏi bản thân xem tại sao bạn lại mua thứ đó, để làm gì?

Đang nhàm chán

Lý do phổ biến nhất khiến chúng ta mua đồ chính là do nhàm chán. Khi chúng ta không có việc gì để làm, khi chúng ta không có mục đích sống, chúng ta chỉ đơn giản là mong muốn có một thứ gì đó mới nhằm tăng gia vị cho một ngày của mình, và việc mua sắm có thể đáp ứng nhu cầu đó.

Vậy nên làm thế nào để thay đổi?

Sống có mục đích là một điều vô cùng quan trọng, và việc sử dụng thời gian, tiền bạc của bạn cho những việc quan trọng sẽ tạo nên một tương lai tốt đẹp hơn cho cả bạn lẫn người xung quanh. Vì vậy, nên hướng tới các hoạt động có ý nghĩa, ví dụ du lịch, tình nguyện… để có một cuộc sống ý nghĩa hơn.

 

NGUỒN:  Theo Báo VnExpress

Link bài: 4 lý do…

https://vnexpress.net/4-ly-do-khien-ban-mua-sam-vo-toi-va-4160046.html

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *