4 quan niệm có thể gây tổn hại đến thương hiệu cá nhân của bạn

Hải Hà/ Báo DNSG

Nguồn hình: Internet

—–
Thương hiệu của một người được chính người đó gây dựng – cả ở trong lẫn ngoài văn phòng làm việc, cả ở đời thực lẫn trên không gian mạng.

Phần lớn chúng ta đều rất coi trọng sự nghiệp của mình. Chúng ta dùng nhiều công sức và thời gian để nuôi dưỡng các mối quan hệ với những người mà chúng ta đang hoặc hy vọng sau này được làm việc cùng.

Chúng ta dành hàng giờ đồng hồ để hoàn thiện hồ sơ trực tuyến trên LinkedIn, rồi cẩn thận xem xét để đảm bảo nó truyền tải hết năng lực chuyên môn của mình.

Chúng ta muốn được coi trọng, được tin tưởng và muốn có khả năng tạo ảnh hưởng đến người khác.

Chúng ta tham khảo, luyện tập các bài thuyết trình, tinh chỉnh các kỹ năng giao tiếp và đánh bóng sự hiện diện của bản thân ở cả trên không gian mạng hay khi trực tiếp gặp mặt.

Nhưng, điều gì xảy ra khi chúng ta ở ngoài guồng quay đó? Bạn sẽ hành xử như thế nào với những người bạn tại một nhà hàng, với những người thân trong một kỳ nghỉ, hoặc đơn giản là với một người khác ở ngoài văn phòng làm việc? Bạn nói gì khi đang làm các việc linh tinh rồi bất ngờ va vào một ai đó?

Danh tiếng của một người được chính người đó gây dựng – cả ở trong lẫn ngoài văn phòng làm việc, cả ở đời thực lẫn trên không gian mạng. Mọi người thường quên rằng sự tin tưởng được xây dựng dựa trên sự nhất quán. Và, chúng ta chỉ có thể đạt được sự nhất quán trong ứng xử khi chúng ta để tâm, chú ý trong mọi hoàn cảnh, mọi thời gian.

Tuy nhiên, những người có chuyên môn cao lại thường trở nên lười nhác khi những điểm sáng của bản thân bị lu mờ, và chúng ta thường không nhận ra mình luôn bị xem xét, để ý bởi những nhân viên, khách hàng, hay ngay cả đồng nghiệp xung quanh. Dưới đây là 4 lỗi lầm phổ biến mà những người có chuyên môn cao thường phạm phải, và không may, chúng khiến uy tín của họ bị nghi ngờ.

1. Mạng xã hội chỉ là giải trí

Facebook, Instagram, Twitter và những công cụ khác – các nền tảng truyền thông đa phương tiện đã giúp tạo ra một phương thức không chỉ giúp chúng ta kết nối với người thân, bạn bè, những người chúng ta biết mà còn là toàn thế giới. Việc chỉ ngồi trước màn hình máy tính không có nghĩa là chúng ta không được cả thế giới nhìn thấy.

Một nghiên cứu năm 2017 chỉ ra rằng, 70% nhà tuyển dụng đã sử dụng những công cụ truyền thông đa phương tiện để xem xét, tìm hiểu về ứng viên tiềm năng của họ. Con số này đã tăng thêm 11% trong 10 năm qua, chứng minh rằng những ai muốn củng cố uy tín đều cần lưu ý đến những gì họ đưa lên mạng online.

70% nhà tuyển dụng đã sử dụng những công cụ truyền thông đa phương tiện để xem xét, tìm hiểu về ứng viên tiềm năng của họ

Những bình luận về chính trị, những quan điểm cứng rắn, và những hoạt động hoặc thông tin xâm phạm cá nhân khác đều là những điều khiến uy tín của bạn suy giảm. Thậm chí, cả khi chúng ta đã rất chú ý thì những bài viết hay nhận xét online đều có thể dễ dàng bị hiểu lầm.

Nếu bản thân còn bất kỳ nghi ngờ nào, đừng đưa bài viết đó lên mạng. Một bài viết tốt cần phải có đủ thông tin, mang tính giáo dục hoặc truyền cảm hứng, nếu nó không thể truyền tải thông điệp một cách đầy đủ, hãy dừng việc chia sẻ bài viết đó.

2. Công việc và đời sống cá nhân tách biệt  

Chúng ta đều xứng đáng để được trở lại thành chính mình khi bước ra khỏi văn phòng. Nhưng hãy nhớ rằng, luôn luôn có ai đó đang để ý chúng ta, và chúng ta cần phải bảo vệ hình ảnh chuyên nghiệp của mình.

Những ứng xử hay hành vi khiến người khác phải đặt câu hỏi để xác thực danh tính của một người có thể ảnh hưởng đến uy tín của người đó. Ví dụ, nói chuyện ồn ào với bạn bè trong giờ giải lao không có nghĩa là làm mất đi khả năng chuyên nghiệp của bạn, nhưng lại có thể khiến người khác tự hỏi bạn là ai.

Sự tin tưởng được xây dựng trên sự thống nhất. Khi những khuôn mẫu ứng xử được thống nhất cả trong và ngoài văn phòng làm việc, mọi người sẽ tin vào con người thật của bạn. Chúng ta đều đã từng nghe câu nói: “Thế giới thật nhỏ bé”. Và thậm chí nó còn có cảm giác nhỏ bé hơn khi ở một nơi nào đó, chúng ta vẫn là chính mình và đồng thời lại gây được ấn tượng với đúng người chúng ta muốn.

Hãy chú tâm và lưu ý rằng, bạn có thể gặp bất cứ ai, ở bất cứ đâu.

3. Chỉ thể hiện phong cách trên ‘sân khấu’

Sự kết nối và nhận xét xuất hiện trước cả khi bạn bước lên ‘sân khấu’; tức là, mọi người nhận định về con người bạn dựa vào kinh nghiệm của bản thân họ và những tương tác giữa họ với bạn trước cả khi bạn trở nên nổi bật. Cách mà bạn giao tiếp trong văn phòng và trong những cuộc nói chuyện thường ngày sẽ định hình uy tín của bạn, chứ không phải ở những khoảnh khắc mà bạn bước lên ‘sân khấu’. Cách bạn ứng xử và trao đổi với mọi người sẽ định nghĩa khả năng tạo ảnh hưởng của bạn, đồng thời củng cố hoặc phá bỏ niềm tin của mọi người với bạn.

Trên thực tế, tới 92% mọi người sẽ nghĩ về bạn dựa theo những nhận xét từ người khác – thậm chí cả khi họ chưa từng biết gì về bạn! Mọi người nói về bạn, và những người khác sẽ nghe thấy.

Cách bạn đối xử với nhân viên của mình cũng sẽ là cách họ đối xử với khách hàng của bạn. Nếu bạn không thể tạo được sự kết nối bền vững với nhân viên, thì điều tương tự sẽ xảy ra giữa nhân viên với khách hàng. Vì vậy, hãy trở nên rành mạch và rõ ràng trong mọi cuộc trao đổi, dù nó là một cuộc gặp cấp cao hay chỉ là cuộc nói chuyện đời thường ở nơi nghỉ ngơi.

Hãy tập trung vào ngôn ngữ cơ thể và trở thành một người nghe chủ động. Khi bạn đưa người khác lên một độ ưu tiên nhất định, họ sẽ làm điều tương tự với bạn.

4. Thương hiệu có được nhờ quảng bá

Thế giới hiện đại khiến chúng ta không thể tự ngăn cách cuộc sống của mình. Trong nhịp sống online này, tên tuổi của chúng ta có thể được biết đến trên toàn thế giới, điều đó đồng thời sẽ tác động đến những yếu tố căn bản nhất trong mỗi cá nhân, mỗi thương hiệu.

Với những tập đoàn có uy tín cao, ta có cảm giác như họ có khả năng giữ gìn thương hiệu rất tốt. Họ đạt được sự thống nhất trong cả phương pháp truyền tải và nội dung các thông điệp. Họ có những cách để thể hiện thương hiệu của họ trên mọi khía cạnh: từ việc tạo lợi nhuận online đến cả việc gặp mặt trực tiếp với khách hàng.

Ngược lại, những công ty đang gặp khó khăn trong việc xây dựng hay củng cố thương hiệu dường như đang rất vất vả trong việc xây dựng sự nhất quán để tạo trải nghiệm khách hàng, chiến lược quảng cáo, quy định ứng xử và cả việc tương tác giữa các nhân viên.

Uy tín cá nhân không khác gì uy tín của một tập đoàn. Trong một khảo sát đối với các giám đốc điều hành, 87% cho rằng rủi ro đối với danh tiếng của họ được đánh giá quan trọng hơn nhiều so với rủi ro từ các kế hoạch kinh doanh mà công ty họ gặp phải.

Sự thực thì ngay cả các chuyên gia cũng không thể quản lý hay điều khiển danh tiếng của họ chỉ bằng một đợt quảng cáo nào đó. Chúng ta phải phát triển nó thông qua những ứng xử thống nhất, tạo được lòng tin trước hết từ những người biết và đang quan sát chúng ta. Chúng ta không thể chỉ nói miệng rằng điều đó là rất quan trọng, mà hành động của chúng ta phải phản ánh điều đó.

Chúng ta không thể chỉ đạo nhân viên của mình rằng họ phải đầu tư thời gian và công sức vào việc chăm sóc khách hàng, trong khi bản thân chúng ta lại không làm điều tương tự với cấp dưới của mình. Uy tín không thể được tạo dựng từ phương pháp “hãy làm như tôi nói, chứ đừng như tôi làm”. Sự thống nhất mới làm nên danh tiếng thực sự.

NGUỒN:  Theo Báo Doanh Nhân Sài Gòn

Link bài: 4 quan niệm…

(https://doanhnhansaigon.vn/goc-nha-quan-tri/4-quan-niem-co-the-gay-ton-hai-den-thuong-hieu-ca-nhan-cua-ban-1086837.html)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *