Phương Ánh – Hương Xuân/ Báo Tri Thức Trẻ
—–
Trần Uyên Phương, Phó TGĐ của Tân Hiệp Phát đã chia sẻ về câu chuyện kinh doanh tại Toạ đàm “Làm thế nào để có thương hiệu mạnh”, do Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức sáng 7/9. Trong phần nói chuyện của mình, Phương không ít lần bày tỏ hy vọng những gì mà gia đình cô đã trải qua có thể trở thành thông tin tham khảo hữu ích cho các doanh nghiệp khác.
Trần Uyên Phương cũng tóm gọn lại 7 tiêu chí mà Tân Hiệp Phát đã may mắn đạt được trong năm vừa qua. Phương nhận định các doanh nghiệp nên sử dụng những tiêu chí cụ thể để đo lường sức khoẻ tổ chức.
“Đối với chúng tôi, cái gì không đo lường được sẽ không đầu tư. Vì nếu đầu tư, giả sử thành công cũng không lặp lại được. Còn nếu thất bại sẽ không tìm được lý do”, Phương nói.
7 tiêu chí này theo Uyên Phương bao gồm: Chiến lược hoạt động của tổ chức doanh nghiệp; Chính sách định hướng vào khách hàng và thị trường; Đo lường phân tích và quản lý tri thức; Quản lý phát triển nguồn nhân lực; Quản lý quá trình hoạt động của tổ chức doanh nghiệp; Kế hoạch hoạt động của tổ chức doanh nghiệp.
“Hy vọng doanh nghiệp khác có thể ứng dụng và đo lường”, Phương nói.
Theo Trần Uyên Phương, những gì mà Tân Hiệp Phát đã triển khai rất nhất quán trong 25 năm qua. Không chỉ tập trung vào mục tiêu phụng sự cộng đồng, tập đoàn này không giấu diếm khao khát có được một doanh nghiệp Việt tồn tại hàng trăm năm.
Mấu chốt của việc này nằm ở vấn đề chuyển giao thế hệ. Việc chuyển giao ở Tân Hiệp Phát theo Trần Uyên Phương không chỉ là từ thế hệ nhà sáng lập cho con cái mà còn ở thế hệ nhân viên tiếp theo.
“Chúng tôi có những chính sách chia sẻ về cơ hội của tất cả nhân viên là ngang nhau để trở thành CEO trong tổ chức. Chúng tôi muốn xây dựng một văn hoá mới để doanh nghiệp gia đình cũng là nơi tạo ra nhân tài”, Trần Uyên Phương cho biết.
Theo cô, điều này được thể hiện qua việc cách hành xử và các hoạt động cụ thể. Tại Tân Hiệp Phát, những tiêu chí được đặt ra là rất rõ ràng. Cô khẳng định 100% nhân viên của tập đoàn đều hiểu được rằng nếu muốn vươn lên vị trí cao hơn, họ cần phải đáp ứng được những yêu cầu như thế nào.
“Chúng tôi làm những việc này rất rõ ràng, minh bạch nhất để mọi người cùng hiểu là không phải chỉ thành viên trong gia đình nhà sáng lập mới ngồi vào được vị trí điều hành. Tất cả nhân viên đều được xem xét công bằng. Nếu bạn có đủ năng lực, đủ giá trị, tổ chất và quan trọng nhất bạn mong muốn tổ chức phát triển thì chắc chắn vị trí đó sẽ thuộc về bạn”, Trần Uyên Phương nói.
Những điều này theo Trần Uyên Phương, nó sẽ giúp cho toàn thể nhân viên thấu hiểu được giá trị văn hoá của doanh nghiệp, tổ chức và dốc lòng cống hiến. Và chỉ có như vậy, tuổi thọ của doanh nghiệp mới dài lâu.
Rút từ bài viết: “Trần Uyên Phương: Chất lượng sản phẩm tốt thôi chưa đủ, Tân Hiệp Phát còn đứng trước bài toán 30 giây của khách hàng.”
(http://ttvn.vn/kinh-doanh/tran-uyen-phuong-chat-luong-san-pham-tot-thoi-chua-du-tan-hiep-phat-con-dung-truoc-bai-toan-30-giay-cua-khach-hang-4201989161251243.htm)