Lê Đình Lâm/ Tin THP
Cuộc thi báo tường kỷ niệm 23 năm thành lập Tập đoàn Tân Hiệp Phát đã kết thúc với biết bao ký ức còn vương vấn. Có lẽ trong tâm khảm của mỗi CB CNV Tân Hiệp Phát đã kịp đọng lại chút gì đó để nhớ, để thương. Và với tôi, điều khiến tôi ấn tượng nhất, nhớ nhất trong hội thi báo tường năm nay là tác phẩm đạt giải nhất thể loại truyện ngắn – “NHÀ MÁY TUI” của tác giả Kim Thảo.
Vì quá ấn tượng về truyện ngắn “Nhà máy tui” nên tôi quyết tâm đi tìm cho bằng được tác giả để hiểu rõ hơn về chị cũng như tác phẩm trên. Khác với giọng văn ngọt ngào đầy tình cảm trong truyện ngắn, chị Kim Thảo ở ngoài là một Trợ lý trưởng phòng cấp cao thuộc Nhà máy Bao bì, vô cùng nhanh nhẹn, hoạt bát. Cuộc nói chuyện của chúng tôi diễn ra thuận lợi bởi sự chân thành, cởi mở của chị.
Chào chị Kim Thảo, được biết tác phẩm “Nhà máy tui” của chị đã đạt Giải nhất thể loại truyện ngắn trong cuộc thi Báo Tường vừa rồi. Vậy cảm xúc hiện tại của chị như thế nào?
Mình cảm thấy rất “có giá trị”, bởi vì cuộc thi báo tường kỷ niệm 23 năm thành lập Tập đoàn Tân Hiệp Phát nhận được hàng ngàn tác phẩm dự thi từ các phòng ban, trong khi đó tác phẩm của mình đã may mắn được giải nhất ở thể loại truyện ngắn, vì vậy mình cảm thấy rất vui. Hiện tại thì cảm xúc đó vẫn còn nguyên vẹn trong mình!
Chị đã mất bao lâu để hoàn thành tác phẩm “Nhà máy tui”?
Thực ra mình đã nuôi ý tưởng về truyện ngắn này từ rất lâu rồi, tuy nhiên để biến ý tưởng thành tác phẩm thì mình mất khoảng ba ngày. Mỗi ngày sau khi đi làm về mình thường dành từ 1 tiếng đến 1 tiếng rưỡi để viết bài, sau đó mình đọc và chỉnh sửa lại rồi mới đem đi dự thi!
Tác phẩm của chị thực sự đã chạm đến trái tim người đọc, vậy chị đã lấy cảm hứng từ đâu?
Mình lấy cảm hứng từ trong công việc hàng ngày của mình, từ những lần tiếp xúc trực tiếp với các công nhân, lắng nghe họ chia sẻ về cuộc sống, về tâm tư, tình cảm của họ đối với công ty. Ở Tân Hiệp Phát họ được đào tạo, được cống hiến, được nói, được đóng góp ý kiến. Từ đó xây dựng nên tư duy làm chủ trong mỗi người, khiến ai cũng xem Tân Hiệp Phát như mái nhà chung để xây dựng, phát triển.
Cảm xúc của mình còn được nuôi dưỡng khi tham gia các hoạt động của công ty, được đắm mình trong một không gian mang đậm tinh thần Tân Hiệp Phát cùng với mọi người. Hay khi xem các chương trình, các hoạt động mà công ty tài trợ đều mang giá trị nhân văn rất lớn khiến mình vô cùng xúc động, điều đấy không chỉ thể hiện cái tâm, cái tầm của ban giám đốc mà còn giúp mình biết được chính những giá trị nhân văn được lan tỏa từ công ty ra ngoài xã hội đã giúp Tân Hiệp Phát có được ngày hôm nay!
Những cảm xúc đó đều đến rất tự nhiên, vì vậy tình cảm của mình trong truyện ngắn là tình cảm thật!
Trong quá trình hoàn thành tác phẩm của mình chị có gặp khó khăn gì không?
Thật ra từ khi còn đi học mình đã rất thích văn thơ, vì vậy khi đặt bút là chữ cứ thế tuôn ra thôi. Như mình đã chia sẻ cảm xúc trong tác phẩm của mình là cảm xúc thật, có gì dễ dàng hơn việc nói lên tâm tư, nguyện vọng của mình nữa ? Sau khi hoàn thành tác phẩm mình chỉ cần đọc qua, sửa lại câu chữ một chút là đem đi dự thi.
Vậy khi mang tác phẩm đi dự thi chị có hy vọng sẽ đạt giải không?
Thú thật là lúc đấy mình chỉ cảm thấy háo hức thôi. Tính mình ham vui nên hoạt động gì của công ty mình cũng muốn tham gia, từ kéo co, nhảy bao bố, cho đến văn nghệ nhưng còn phải nhường “sân” cho các anh em khác có khả năng làm tốt hơn mình nữa. Vậy nên khi biết có cuộc thi viết cho báo tường, đúng sở trường nên mình tham gia ngay. Lúc đấy cũng chỉ vì nhiệt huyết thôi chứ không mong đạt giải!
Bật mí một chút là năm nào tác phẩm dự thi báo tường của mình đều có giải, đến nỗi nhiều anh em khi biết tác phẩm “Nhà máy tui” đạt giải Nhất thể loại truyện ngắn chỉ hỏi “Ủa chị Thảo có giải nữa hả?” rồi cười.
Việc năm nào cũng tham gia và có giải như vậy có khiến chị sợ mình sẽ bị chai lỳ cảm xúc khi viết?
Không hề, bởi như mình đã chia sẻ cảm xúc đến với mình từ trong chính con người và văn hóa Tân Hiệp Phát, mà mỗi ngày công ty mình luôn đổi mới, con người và văn hóa Tân Hiệp Phát luôn có sự cải tiến nên mình lại có những cảm xúc mới. Điều đó thể hiện đúng giá trị cốt lõi “Hôm nay phải hơn hôm qua nhưng không bằng ngày mai” của Tân Hiệp Phát!
Như chị chia sẻ thì chị là người “ham vui”, hoạt động nào của công ty cũng muốn tham dự, vậy chị đã sắp xếp thời gian như thế nào để vừa có thể đảm bảo công việc của Nhà máy Bao bì?
Thật ra mình muốn tham gia tất cả các hoạt động nhưng chỉ những hoạt động phù hợp với mình thôi. Ví dụ như kéo co sức khỏe mình không bằng các anh chị em khác thì mình tham gia cổ vũ, văn nghệ mình không hát hay múa dẻo bằng mọi người thì mình tham gia ở vai trò khác. Mình là người viết lời dẫn cho tiết mục trình diễn thời trang của Nhà máy Bao bì trong Hội diễn văn nghệ 15/10 vừa rồi đấy! Bên cạnh đó mình cũng chính là người “chấp bút” cho bài thuyết trình báo tường của Nhà máy Bao bì trong hội thi báo tường luôn!
Cảm ơn chị Kim Thảo, chúc chị và các CB CNV của Nhà máy Bao bì có thật nhiều sức khỏe và thành công!