Nguyễn Hưng/ Báo DNSG
Nhiều CEO giỏi tìm được nhân tài chỉ sau một, hoặc vài lần gặp gỡ. Một số bí kíp tuyển dụng của họ được bật mí dưới đây.
Mỗi CEO luôn có bí quyết riêng để tìm ra ứng viên sáng giá cho doanh nghiệp của mình, từ việc đặt ra các tình huống hóc búa, cho tới quan sát tỉ mỉ cử chỉ, hay nét mặt của ứng viên. Mới đây, kênh truyền hình CNBC đã làm một cuộc phỏng vấn với các CEO, nhà sáng lập để tìm hiểu cách họ có được nhân tài chỉ sau một hoặc hai buổi phỏng vấn.
Miễn là giỏi, không cần bằng cấp
Theo tỷ phú Elon Musk, Tesla không quan trọng chuyện bằng cấp khi tuyển dụng, miễn bạn giỏi và làm được việc. Trên Twitter, Musk khẳng định ứng viên không cần phải có bằng đại học để có thể làm việc tại Tesla. Thậm chí, nếu ứng viên chỉ có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, họ vẫn có cơ hội làm việc tại Tesla, miễn họ đủ giỏi.
“Hãy gia nhập đội ngũ trí tuệ nhân tạo (AI) ở Tesla. Nhóm AI sẽ báo cáo trực tiếp với tôi và tôi gặp gỡ/email/gửi tin nhắn gần như mỗi ngày. Bằng tiến sĩ là không cần thiết. Tôi thậm chí không quan tâm bạn đã tốt nghiệp trung học phổ thông hay chưa”, Elon Musk viết trong tweet tuyển dụng nhân sự cho bộ phận phát triển AI tại Tesla.
Dù không yêu cầu bằng cấp, tất cả ứng viên “phải vượt qua các bài kiểm tra về lập trình cực kì khó khăn”, bởi Musk mong muốn tìm kiếm những nhân sự “có hiểu biết sâu rộng” về AI.
Musk khẳng định, ông luôn tìm kiếm “dấu hiệu về những khả năng đặc biệt” ở mỗi ứng viên. Được biết, khi phỏng vấn ứng viên, Musk sẽ yêu cầu họ đưa ra bản tóm tắt về sự nghiệp và nêu cách giải quyết một số vấn đề khó khăn nhất mà họ gặp phải. Musk cũng nhấn mạnh ông sẽ đặt các câu hỏi chi tiết xoay quanh mô tả của họ. “Nếu một người không trực tiếp chịu trách nhiệm giải quyết các vấn đề, họ sẽ không biết câu trả lời”, Musk nói.
Một tuần thử việc
Nhà đồng sáng lập, CEO của Weebly Rusenko cho rằng, một tuần là thời gian đủ để đánh giá khả năng làm việc của ứng viên. Ứng viên được trả tiền lương thử việc. Đây là cơ hội để ứng viên cảm nhận được không khí làm việc thật sự.
Đặt ra tình huống khó khăn
Đối với Liz Wessel – nhà đồng sáng lập, CEO của WayUp, bí kíp tuyển dụng là đặt ứng viên vào tình huống khó khăn và xem cách họ xử lý. Theo Wessel, việc này giúp bạn nhìn rõ được bản chất thật sự của ứng viên và xem cách họ giữ bình tĩnh như thế nào.
Wessel cho rằng, ứng biến linh hoạt là kỹ năng quan trọng, đặc biệt là khi làm việc trong môi trường có nhịp độ nhanh, và những người thành công là những người có khả năng thích ứng nhanh chóng.
Ấn tượng ban đầu
Nhà đồng sáng lập, trưởng nhóm sản phẩm SevenRooms Allison Page tiết lộ với CNBC rằng, bí kíp tuyển dụng của cô là tìm kiếm ứng viên tạo được ấn tượng ban đầu.
Tự tin là một trong những đặc tính cô luôn tìm kiếm. Có những ứng viên đến ứng tuyển cho vị trí này, nhưng sau đó công ty lại mời họ vào một vị trí khác vì cô tin họ sẽ tạo ra được sức ảnh hưởng ở nơi đó. Page luôn tin vào phán đoán của mình, và nghĩ rằng các doanh nghiệp chỉ nên tuyển dụng những ứng viên sẵn sàng lao vào công việc.
Chọn người khiêm tốn
Theo Koel Thomae – đồng sáng lập Noosa Yoghurt, các CEO hoàn toàn có thể tuyển dụng người giỏi hơn mình, nhưng ít nhất người đó phải khiêm tốn. Đây là điều cực kỳ quan trọng trong kinh doanh.
Chia sẻ với quan điểm này, nhà sáng lập FUBU, tỷ phú Daymond John cũng tuyển dụng những người giỏi hơn mình trong nhiều lĩnh vực. Vị tỷ phú cho rằng, cách này sẽ giúp nhân viên cảm thấy thoải mái, tự do phát triển năng lực, khả năng tư duy cùng nhiều kỹ năng khác.
Theo Thomae, doanh nghiệp cần những nhân viên thật sự làm việc. Dù đó là công việc họ từng làm khi mới bước vào nghề trong khi vẫn là chuyên gia trong lĩnh vực hiện tại. Bên cạnh đó, họ còn phải biết giúp đỡ đồng nghiệp xung quanh.
Chú ý ngôn ngữ cơ thể
Bí kíp tuyển dụng này được nhà sáng lập, Chủ tịch Treeline Treenut Cheese Michael Schwarz áp dụng. Trong buổi phỏng vấn, ứng viên sẽ trả lời những điều mà họ nghĩ nhà tuyển dụng muốn nghe. Do đó, nhà tuyển dụng cần đưa ra những câu hỏi hàm ý và không nên hỏi một cách trực tiếp.
Khi ứng viên phản ứng và trả lời, nhà tuyển dụng sẽ quan sát ngôn ngữ cơ thể của họ. Nhà tuyển dụng phải đọc được ngôn ngữ cơ thể, lắng nghe điều ứng viên thật sự nói và đưa ra phán đoán. Khi ngôn ngữ cơ thể của ứng viên không khớp với câu trả lời, hãy bỏ qua và tiếp tục với ứng viên khác.
Liên tục hỏi “tại sao?”
CEO của CoachUp John Kelley thường hỏi ứng viên “tại sao bạn chọn trường đại học đó?”, “tại sao bạn học ngành đó?”, “tại sao bạn muốn nhảy việc?”, “tại sao bạn làm cho công ty đó?”,… Theo Kelley, cách này sẽ giúp nhà tuyển dụng nhìn ra được mục tiêu công việc và động lực cuộc sống của ứng viên. Từ đó, nhà tuyển dụng sẽ biết được doanh nghiệp của mình và ứng viên đó có phù hợp hay không.
NGUỒN: Theo Báo Doanh Nhân Sài Gòn
Link bài: 8 bí kíp….
https://doanhnhansaigon.vn/goc-nha-quan-tri/8-bi-kip-san-nhan-tai-tu-cac-ceo-1101001.html