8 nhóm giải pháp cứu doanh nghiệp

PV/ Báo DNSG

Lãnh đạo các Bộ, ngành tham dự Hội nghị tại điểm cầu trụ sở Chính phủ (Ảnh: VGP)
Đến lần bùng dịch này, có thể khẳng định là doanh nghiệp kiệt sức, từ kiệt sức đến kiệt quệ chỉ là một bước nhỏ nữa thôi, những cầm cự hiện tại thì rất mong manh.

Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2021, tổ chức trực tuyến sáng 8.8 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch – Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đề xuất 8 nhóm giải pháp cứu doanh nghiệp.

Muốn trị được bệnh thì phải chẩn đúng bệnh, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu 8 vấn đề khó khăn trong đại dịch COVID-19, phải nói rằng Bộ trưởng đã chẩn đúng bệnh. Việc còn lại là trị liệu.

Theo tui, có những việc có thể giải quyết ngay bởi nằm trong tay của Chính phủ và chính quyền các địa phương, ví dụ như chuỗi cung ứng bị đứt đoạn. Lưu thông hàng hóa, thông suốt trên toàn quốc là quyết định của chính chúng ta, không ai vào đây để cản trở được.

Hỗ trợ cho doanh nghiệp bằng cách cắt giảm các chi phí và cho doanh nghiệp tiếp cận vốn vay cũng trong tầm tay, nhanh hay chậm là do mình, không con “Cô vít” nào vào đây để ngăn cản hay can thiệp chuyện nhanh chậm được. Bộ giao thông đã nói tổ chức thực hiện luồng xanh để vận chuyển hàng hóa liên tỉnh, liên vùng thì hãy làm cho được.

Doanh nghiệp sẽ thiếu hụt lao động sau khi kiểm soát dịch, đó là điều ai cũng thấy rất rõ, nhất là hàng vạn người lao động về quê tự phát trong thời gian qua. Vậy thì hãy giữ chân những người còn lại, không phải bằng mệnh lệnh mà chính quyền phải chăm sóc họ ít nhất là đủ ăn, thứ hai là tiêm vaccine. Triển khai tiêm vaccine nhanh trên diện rộng, tạo vùng xanh cho TPHCM và các tỉnh công nghiệp trọng điểm, thì không chỉ giữ chân công nhân mà người lao động sẽ sớm quay về.

Tiêm vaccine mở rộng độ bao phủ, sớm miễn nhiễm cộng đồng vẫn là giải pháp bao trùm, khi đó doanh nghiệp và người dân trở lại với cuộc sống, sẽ biết cách tự tháo gỡ khó khăn.  Doanh nghiệp đóng cửa sản xuất thì mọi hỗ trợ của Chính phủ cũng chỉ có tính tạm thời, không nhà nước nào lo mãi được.

Trần Quí Thanh

—–

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đề xuất 8 nhóm giải pháp cứu doanh nghiệp tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2021, tổ chức trực tuyến sáng 8/8 ở Hà Nội.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhận định, điều quan trọng nhất đối với các doanh nghiệp (DN)  hiện nay chính là các biện pháp phòng, chống dịch bệnh hợp lý, không quá cực đoan, tạo điều kiện cho các DN vừa duy trì ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, hoàn thành các đơn hàng/ hợp đồng, vừa bảo đảm an toàn cho người lao động, tìm kiếm và tận dụng những cơ hội mới để phục hồi và phát triển, đóng góp cho nền kinh tế quốc gia.

Đồng thời, nhà nước cũng chủ động xây dựng chính sách và chuẩn bị nguồn lực hỗ trợ dài hạn, giúp DN phục hồi nhanh sau khi kiểm soát được dịch bệnh. Ông Dũng nhấn mạnh cần hạn chế tối đa việc phá sản DN hoặc thâu tóm, sáp nhập các DN trong một số lĩnh vực nền tảng mà Việt Nam cần nắm giữ.

8 vấn đề khó khăn với doanh nghiệp trong đại dịch Covid-19

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nhận diện và tổng hợp có 8 nhóm vấn đề khó khăn mà DN đang phải đối diện hiện nay:

Thứ nhất, tổng cầu giảm mạnh khiến cho các đơn hàng, hợp đồng, sản lượng đều sụt giảm. Trung bình nhu cầu trong các ngành giảm từ 40% – 50%, nặng nề nhất là ngành hàng không, vận chuyển hành khách, du lịch, nhà hàng, khách sạn nhu cầu bị giảm đến 70% – 80%.

Thứ hai, doanh thu giảm mạnh trên diện rộng. Trong đó, ngành du lịch không phát sinh doanh thu; các nhà hàng, khách sạn ảnh hưởng nặng nề đặc biệt từ tháng 4/2021 trở lại đây, doanh thu ngành hàng không sụt giảm trung bình 61% so với 2019, đợt dịch cao điểm đầu năm 2021 giảm 80% so với cùng kỳ năm 2020.

Doanh thu sụt giảm dẫn đến dòng tiền bị thiếu hụt trầm trọng, khiến cho các DN rất khó khăn trong việc trang trải các khoản chi phí nhằm duy trì hoạt động, cũng như khó có thể xoay xở trả lãi vay ngân hàng đúng hạn, dẫn đến tình trạng nợ xấu, nợ quá hạn, khó có thể tiếp cận các khoản vay mới..

Thứ ba, chi phí đầu vào, chi phí vận chuyển ngày một tăng cao dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguyên, vật liệu đầu vào, làm đội giá thành sản xuất.

Thứ tư, chuỗi cung ứng sản xuất, tiêu dùng và xuất khẩu bị gián đoạn, đình trệ cục bộ. Nhiều DN sản xuất, xuất khẩu bị ảnh hưởng phải trì hoãn hoặc hủy đơn hàng, nếu dịch bùng phát kéo dài có thể bị mất thị trường do bạn hàng thay đổi chuỗi cung ứng.

Nhiều DN quy mô lớn có hàng trăm, hàng nghìn lao động đã phải tạm ngừng sản xuất, gây thiệt hại lớn; một số tập đoàn FDI lớn có các nhà máy vệ tinh trong chuỗi cung ứng tại Việt Nam đang xem xét tìm nhà cung ứng thay thế từ các nước khác.

Thứ năm, lưu thông hàng hóa gặp khó khăn, kể cả lưu thông trong nước, giữa một số tỉnh, thành phố do áp dụng các chính sách phòng, chống dịch bệnh chưa thống nhất và hợp lý.

Trong đó có các yêu cầu về xét nghiệm Covid-19 bằng phương pháp RT-PCR đã làm tăng chi phí cho DN. Cách ly y tế tập trung 14 ngày với người về/đi giữa các tỉnh thực hiện giãn cách và các tỉnh khác dẫn đến hoạt động vận tải hàng hoá bị đặt vào tình thế hết sức căng thẳng, đặc biệt trên các tuyến đường tới các cảng biển, trung tâm vận chuyển hàng hóa. Áp dụng mô hình 3 tại chỗ còn chưa hợp lý tại một số tỉnh, thành phố phía Nam.

Hậu quả là các DN bị chậm tiến độ giao hàng/nhập hàng, chi phí lưu kho, lưu bãi, cước vận chuyển tăng, sản xuất kinh doanh bị ngưng trệ.

Thứ sáu, khó khăn về lao động. Để cầm cự trước dịch bệnh nhiều DN phải thu hẹp quy mô, cắt giảm lao động. Theo khảo sát nhóm 500 các DN FDI, có tới khoảng 26,5% DN đã phải thu hẹp quy mô, cắt giảm quỹ lương, sa thải bớt lao động (trong đó tỷ lệ lao động bị sa thải dưới 10% lao động).

Điều này sẽ gây khó khăn rất lớn cho DN tìm kiếm nguồn lao động trở lại làm việc khi phục hồi sản xuất, đặc biệt là các ngành nghề yêu cầu lao động có tay nghề, chuyên môn nhất định như cơ khí, điện tử…

Thứ bảy, khó khăn về chuyên gia. Các DN, chủ yếu là DN FDI còn gặp khó khăn với vấn đề nhập cảnh, đặc biệt đối với những tập đoàn lớn vào Việt Nam nghiên cứu, quyết định dự án quy mô lớn và cấp mới/điều chỉnh giấy phép lao động cho chuyên gia nước ngoài.

Theo phản ánh của các DN FDI: việc cấp phép lao động cho chuyên gia nước ngoài cần phải có 5 năm kinh nghiệm và có bằng kỹ sư cùng chuyên ngành là hết sức khó khăn. Bộ đề nghị thủ tục nhập cảnh cần nhanh hơn và đơn giản hơn đối với các chuyên gia đã được tiêm vaccine và thực hiện thống nhất từ các Bộ, ngành đến các địa phương. Có quy định cơ chế nhập cảnh “đặc biệt” đối với các lãnh đạo tập đoàn vào Việt Nam nghiên cứu, quyết định đầu tư dự án quy mô lớn.

Thứ tám, khó khăn về tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Các DN cho biết việc triển khai một số chính sách còn khá chặt chẽ, cứng nhắc, thiếu thống nhất ở một số địa phương, gây khó khăn cho đối tượng hỗ trợ, chưa bao quát hết các tình huống phát sinh trong thực tế, công tác thực thi có lúc, có nơi chưa linh hoạt.

Theo phản ánh của Hiệp hội Dệt may Việt Nam, quy định được lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn khi có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội tạm thời nghỉ việc từ 50% trở lên là không hợp lý. Vì thực tế nếu DN đóng cửa, cho công nhân nghỉ việc thì ngay cả khi hết dịch bệnh, DN không thể tuyển được lao động để phục hồi sản xuất, do đó DN phải tìm mọi giải pháp để giữ người lao động.

Bối cảnh đại dịch xảy ra từ năm 2020 tới nay khiến DN hết sức khó khăn về tài chính nên việc yêu cầu phải quyết toán thuế năm 2020 cho dù DN chưa tới chu kỳ quyết toán cần thiết là một quy định chưa hợp lý

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh: “Điểm đáng lưu ý là các DN đều nhấn mạnh đến vấn đề đơn giản hóa các thủ tục, bảo đảm tính minh bạch, nhất quán trong thực thi triển khai các quy định, chính sách phòng, chống dịch trên toàn quốc. Ngoài ra, họ đòi hỏi tính công bằng, minh bạch và thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ cấp thực thi. Đây là điều DN mong mỏi nhất, hơn tất cả những hỗ trợ khác”.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Đề xuất 8 nhóm giải pháp trong ngắn hạn và dài hạn

Dự báo trong thời gian tới, diễn biến dịch bệnh Covid-19 vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ và thách thức đối với DN, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị thực hiện 8 nhóm giải pháp trong ngắn hạn và dài hạn. Bốn giải pháp ngắn hạn là:

Thứ nhất, tiếp tục phân bổ hợp lý, hiệu quả nguồn vaccine phòng Covid-19 cho các DN, bổ sung các đối tượng ưu tiên tiêm chủng là những khu vực có nguy cơ dịch bệnh cao, tập trung cho các chuỗi cung ứng, công nhân trong các khu, cụm công nghiệp, lao động trong một số lĩnh vực có mật độ tiếp xúc cao.

Nghiên cứu cơ chế cho phép DN mua dụng cụ tự xét nghiệm để chủ động xét nghiệm; nghiên cứu chính sách thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp ngành y tế (vaccine, dược phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế) và coi đây là cơ hội cho các DN Việt Nam. “Đây là chính sách mang tính chiến lược cho cả trước mắt và dài hạn”, ông Dũng nhấn mạnh.

Thứ hai, bảo đảm lưu thông hàng hoá thông suốt, khắc phục chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị bị gián đoạn. Tổ chức và thực hiện “luồng xanh” hàng hóa quốc gia, liên tỉnh, liên vùng để vận chuyển hàng hóa nhanh nhất trên nguyên tắc giảm thiểu các thủ tục; nghiên cứu đề xuất quy tắc vận tải an toàn phòng chống dịch Covid-19; ứng dụng triệt để công nghệ trong kiểm soát điều kiện đi lại cho các phương tiện và người lao động…

Thứ ba, hỗ trợ cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về dòng tiền cho DN: nghiên cứu sửa đổi các chính sách về phí công đoàn, phí bảo trì đường bộ, giá bán điện cho ngành du lịch về dài hạn; nghiên cứu các giải pháp mạnh mẽ hơn để hỗ trợ khoanh nợ, tái cấu trúc nợ, gia hạn các khoản nợ cũ; giảm lãi suất cho các khoản vay cũ và mới; khẩn trương triển khai các chính sách hỗ trợ về giãn, giảm thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp với giá trị khoảng 20 nghìn tỷ đồng và giảm tiền thuê đất khoảng 700 tỷ đồng sau khi được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua…

Thứ tư, tháo gỡ khó khăn về lao động, chuyên gia: Hướng dẫn tổ chức triển khai có hiệu quả gói chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động giá trị khoảng 26 nghìn tỷ. Nghiên cứu đề xuất chính sách áp dụng linh hoạt và nới lỏng các quy định, điều kiện về việc cấp/gia hạn giấy phép lao động cho chuyên gia nước ngoài làm việc cho DN FDI, phù hợp với tình hình thực tế.

Đối với nhóm chính sách dài hạn, tạo nền tảng hỗ trợ DN phục hồi và phát triển, Bộ trưởng đề xuất 4 nhóm giải pháp chủ yếu:

Thứ nhất, xây dựng chính sách phát triển DN có tính chiến lược, khai thác lợi thế ngành, lĩnh vực để đón bắt cơ hội nhằm phục hồi nền kinh tế; cần có chính sách để phát triển các DN tư nhân có quy mô lớn, đóng vai trò dẫn dắt; phát triển công nghiệp ngành y tế như đã nêu ở trên; phát triển công nghiệp hỗ trợ trong các ngành công nghiệp ưu tiên; giải pháp dài hạn và bền vững về bảo đảm ổn định nguồn nguyên vật liệu đầu vào cho các ngành sản xuất chế tạo; phát triển chuỗi giá trị trong ngành nông nghiệp, chế biến thực phẩm nhằm tạo giá trị cao.

Thứ hai, nâng cao hiệu quả triển khai chính sách hỗ trợ DN, đặc biệt là DN nhỏ và vừa; rà soát, tháo gỡ vướng mắc pháp lý; đơn giản hóa tối đa các quy trình, thủ tục hành chính hiện tại, xem xét áp dụng các quy trình xuất, nhập khẩu ưu tiên.

Thứ ba, thúc đẩy hỗ trợ DN chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo. Đẩy mạnh phát triển kinh tế số; các nền tảng thương mại điện tử; các ứng dụng công nghệ giao dịch thanh toán điện tử, hậu cần giao nhận…; nghiên cứu giao hoặc đặt hàng các DN công nghệ số Việt Nam phát triển các giải pháp, nền tảng công nghệ số.

Thứ tư, nâng cao hiệu quả hoạt động và khai thác dư địa của khu vực DN nhà nước. Nghiên cứu, xây dựng hệ thống cơ chế, chính sách theo hướng đổi mới quản lý của chủ sở hữu, tạo điều kiện cho DNNN được hoạt động bình đẳng, chủ động và cạnh tranh với các DN khác. Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất việc củng cố, phát triển một số tập đoàn, DN nhà nước quy mô lớn hoạt động hiệu quả, có vai trò dẫn dắt trong giai đoạn tới.

Bên cạnh 8 giải pháp ngắn hạn và dài hạn vừa kể trên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết thêm: “Thủ tướng Chính phủ sẽ sớm thành lập Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho DN và người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19”.

NGUỒN:  Theo Báo Doanh Nhân Sài Gòn
Link bài: 8 nhóm….
https://doanhnhansaigon.vn/thoi-su-trong-nuoc/8-nhom-giai-phap-cuu-doanh-nghiep-1106200.html
Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *