Ngày 12/12, Hội đồng Thương hiệu Quốc gia họp giới thiệu Lễ Công bố các Doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia lần thứ 6, năm 2018.
Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 253/2003/QĐ-TTg ngày 25 tháng 11 năm 2003. Đây là chương trình duy nhất của Chính phủ Việt Nam nhằm quảng bá hình ảnh quốc gia, thương hiệu quốc gia thông qua thương hiệu sản phẩm (hàng hóa và dịch vụ). Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương là cơ quan thường trực, chịu trách nhiệm phối hợp với các Bộ, Ngành triển khai chương trình.
Chương trình hướng tới mục đích: Xây dựng hình ảnh về Việt Nam là quốc gia có uy tín về hàng hóa và dịch vụ đa dạng phong phú với chất lượng cao; Nâng sức cạnh tranh cho các thương hiệu, sản phẩm Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế trong quá trình hội nhập. Khuyến khích xuất khẩu sản phẩm công nghiệp chế biến, giảm tỷ trọng xuất khẩu nguyên liệu thô.
Ngoài ra, tăng cường sự nhận biết của các nhà phân phối và người tiêu dùng trong và ngoài nước đối với sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam; Xây dựng hình ảnh Việt Nam gắn với các giá trị “Chất lượng – đổi mới, sáng tạo – Năng lực tiên phong”. Tăng thêm uy tín, tự hào và sức hấp dẫn cho đất nước và con người Việt Nam, góp phần khuyến khích du lịch và thu hút đầu tư nước ngoài.
Số lượng các doanh nghiệp đạt thương hiệu quốc gia qua các thời kỳ cụ thể như sau. Bắt đầu từ năm 2008: 30 doanh nghiệp; năm 2010: 43 doanh nghiệp; năm 2012: 54 doanh nghiệp; năm 2014: 63 doanh nghiệp; năm 2016: 88 doanh nghiệp và 97 doanh nghiệp năm 2018.
Giải thưởng năm nay ghi nhận nhiều doanh nghiệp và thương hiệu lớn được vinh danh như: Thaco Trường Hải; TH True Milk; Vinamilk; Yến Sào Khánh Hòa; Công ty Lọc Hóa Dầu Bình Sơn; Nhựa thiếu niên Tiền Phong; Tân Hiệp Phát; Sơn Hà; Eurowindow; Đạm Cà Mau; Hòa Phát; Lộc Trời; PV GAS; Shunhouse; Tân Á Đại Thành; Vietcombank; VietnamAirlines…
Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang hội nhập hóa toàn cầu, các doanh nghiệp Thương hiệu quốc gia vẫn tăng trưởng và phát triển vững mạnh. Hầu hết các doanh nghiệp đều duy trì tốc độ tăng trưởng cao cả về lợi nhuận và doanh thu, giữ vững thị trường nội địa và phát triển thị trường xuất khẩu, đặc biệt có doanh nghiệp tăng trưởng gần 70%.
Theo Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Tổng thư ký Ban Thư ký Chương trình Thương hiệu Quốc gia: “Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2018 thu hút được 1500 hồ sơ tham dự, được tiến hành khoa học, chặt chẽ và nghiêm túc, theo quy trình 5 bước: Quảng bá Chương trình và hướng dẫn doanh nghiệp đăng kí tham gia; Sàng lọc các hồ sơ đăng ký; Hội đồng các Ban chuyên gia chấm điểm hồ sơ doanh nghiệp và đánh giá tình hình thực hiện trách nghiệm xã hội của các doanh nghiệp; Điều tra mức độ nhận biết thương hiệu và đánh giá của người tiêu dùng Việt Nam đối với các thương hiệu sản phẩm đăng kí; Tổng hợp đánh giá chung và lập danh sách đề cử các doanh nghiệp có sản phẩm đủ điều kiện. Trong đó 97 doanh nghiệp có sản phẩm đạt thương hiệu Quốc gia năm 2018”.
Lễ công bố và trao giải sẽ được tổ chức trọng thể vào 19h00 ngày 20 tháng 12 tại Nhà hát lớn Hà Nội, số 01 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội.