Dưới lòng đất cao nguyên Tây Tạng đang xuất hiện những vết nứt khổng lồ. Chúng có ý nghĩa gì?
Theo kết quả thăm dò máy tính mới đây, lớp phủ địa chất (hay lớp manti – mantle) Trái đất nằm bên dưới cao nguyên Tây Tạng đã xuất hiện những vết nứt vỡ, tách khu vực này thành 4 mảnh khổng lồ. Và thực sự, điều này đang khiến các nhà khoa học cảm thấy hết sức lo lắng, vì chưa ai xác định được chuyện gì đang xảy ra.
Trên thực tế, để biết được chính xác tình hình sâu dưới lòng đất không phải là điều đơn giản. Bằng công cụ hỗ trợ, chúng ta xác định các xung động để dự đoán được thời điểm động đất xảy ra, cũng như vỏ Trái đất đang có xu hướng di chuyển thế nào.
Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, cấu trúc của lớp vỏ manti Ấn Độ nằm bên dưới cao nguyên Tây Tạng là như thế nào thì vẫn đang còn là bí ẩn.
Để có câu trả lời, các chuyên gia từ ĐH Illinois đã sử dụng rất nhiều phương pháp đo lường địa chất tại khu vực này, để rồi phát hiện ra những vết nứt vỡ khổng lồ dưới lớp vỏ manti. Các vết nứt chia lớp vỏ thành 4 mảnh theo các góc và khoảng cách khác nhau.
“Các vết nứt này dường như là lý do vì sao những trận động đất sâu dưới vỏ manti lại chỉ xảy ra ở một số khu vực thuộc Nam và Trung Tây Tạng, trong khi các khu khác thì không có gì” – trích lời Xiaodong Song, một trong các chuyên gia thực hiện nghiên cứu.
Chuyên gia Song cho biết, mảng kiến tạo Ấn Độ đã chạm đến châu Á vào khoảng 50 triệu năm trước, kéo theo chuỗi phản ứng địa chất trong thời gian dài. Vấn đề là ở chỗ hiện tại không ai biết mảng kiến tạo này đang có cấu tạo như thế nào thôi.
Những vết nứt dưới lòng sâu có ý nghĩa gì?
Khi các khe nứt xuất hiện, nó gây ảnh hưởng đến nhiệt lượng từ lõi Trái đất chạm đến lớp manti và vỏ như thế nào. Chưa hết, tính linh hoạt của lớp vỏ này cũng bị tác động, và kéo theo xu hướng xuất hiện các trận động đất quy mô lớn.
Nếu như định hình được vết nứt, chúng ta có thể đưa nó vào một mô hình tính toán nhằm dự đoán được động đất một cách chính xác trong tương lai. Nếu có thể làm vậy, hàng ngàn sinh mạng sẽ được cứu sống.
“Trước kia, chúng ta biết rằng một số khu vực phía Nam Cao nguyên Tây Tạng phải chịu nhiều động đất hơn mà không hiểu vì sao. Còn nay, mọi chuyện đã hợp lý hơn” – Jiangtao Li, thành viên nhóm nghiên cứu cho biết.
“Có mối liên hệ rất rõ ràng giữa vị trí động đất và hướng phân mảnh của mảng kiến tạo.”
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí khoa học PNAS.