Người không mắc sai lầm sao có thể thành công?

Tây Phong/ Theo ĐKN

Cổ ngữ có câu: “Nhân vô thập toàn”, con người có ai không từng phạm sai lầm? Nhưng điều đáng trân trọng ở đây chính là người biết sai sửa sai, biết được lỗi lầm của mình mà sửa đổi…

Có câu chuyện kể rằng, một hôm Sở Trang Vương cho bày yến tiệc linh đình, thết đãi các đại thần. Trong tiệc, bỗng một cơn gió lớn nổi lên thổi tắt hết đèn nến. Khi ấy, một quan viên lợi dụng đêm tối, kéo áo chọc ghẹo cung nữ của nhà vua. Người cung nữ ấy nhanh tay giật đứt dải mũ của ông này rồi tâu lên Sở Trang Vương, sau đó muốn thắp đèn nến lên, tìm xem ai là người đã chọc ghẹo mình và xử tội.

Đùa giỡn ái cơ của vua có nghĩa là làm nhục đến nhà vua, đó là hành vi đại nghịch và coi thường đạo lý vua tôi. Nhưng Sở Trang Vương nghĩ một lát rồi cao giọng nói to lên:

“Khoan hãy châm nến! Hôm nay trẫm muốn cho các khanh được vui vẻ sảng khoái. Không cần phải mũ áo thật chỉnh tề, mọi người hãy giật đứt hết các dải mũ thì mới vui!”.

Văn võ bá quan ngơ ngác chẳng hiểu vì sao? Nhưng lệnh vua nào ai dám trái, thế là các đại thần văn võ đều giật đứt dải mũ của mình! Vì thế, người trêu ghẹo cung nữ kia không bị lộ mặt nữa.

Hai năm sau, nước Sở đánh nhau với nước Tấn. Qua năm trận kịch chiến, quân Sở có một võ tướng liều mình, tả xung hữu đột, không màng sống chết, luôn đi tiên phong. Quân Sở nhờ vậy thường thắng luôn. Sau này Sở Trang Vương lấy làm lạ, bèn cho gọi đến hỏi ngọn ngành.

Người ấy bèn thưa: “Thần chịu nghĩa xưa, đội ơn dày của bệ hạ đã tha cho tội khi quân. Vốn mong muốn liều chết để báo đền ân đức bệ hạ, đến nay thần mới có dịp. Thần là Tưởng Hùng, là người năm xưa trêu ghẹo cung nữ của bệ hạ trong tiệc rượu”.

Thần chịu nghĩa xưa, đội ơn dày của bệ hạ đã tha cho tội khi quân. Vốn mong muốn liều chết để báo đền ân đức bệ hạ, đến nay thần mới có dịp… (Ảnh: youtube.com)

Sở Trang Vương quả thực có lòng hào hiệp, bụng dạ cũng không chút hẹp hòi, nhỏ nhen. Nếu không tha thứ cho Tưởng Hùng lỗi lầm trên bàn rượu đêm hôm ấy thử hỏi lấy ai là kẻ tiên phong, xông vào mũi tên hòn đạn mà chiến đấu hết mình cho ông đây?

Kỳ thực, câu chuyện trên không chỉ nói đến sự bao dung độ lượng của Sở Trang Vương trước lỗi lầm của người khác, mà còn một điều quan trọng hơn cả chính là sự cải đổi lỗi lầm của Tưởng Hùng. Cổ ngữ có câu: “Nhân vô thập toàn”, con người ai mà không từng phạm phải sai lầm, nhưng điều đáng trân trọng ở đây chính là người biết sai sửa sai, biết được lỗi lầm của mình mà sửa đổi đó mới là điều quan trọng.

Không chỉ tại Trung Quốc, Việt Nam ta trước đây cũng từng có một điển cố tương đồng. Người đó là Phó đô tướng quân Trần Khánh Dư, mà chiến công lớn nhất của ông là đánh chìm đoàn thuyền lương của quân Nguyên ở Vân Đồn năm 1288, góp công rất quan trọng vào chiến thắng Bạch Đằng. Có lẽ vì thế mà hậu nhân sau này đã xếp ông ở hàng thứ tư, chỉ sau Trần Hưng Đạo, Trần Nhật Duật và Phạm Ngũ Lão, đứng trên các tướng tài kiệt như Trần Quang Khải, Trần Bình Trọng, cũng như Trần Quốc Toản…

Tuy nhiên ít ai biết rằng trước đó ông đã phạm phải một tội tày trời. Đó là việc ông thông dâm với công chúa Thiên Thụy, chị ruột vua Trần Nhân Tông, là vợ của Trần Quốc Nghiễn, và cũng là con dâu trưởng Trần Hưng Đạo. Vốn dĩ hai người đều yêu thương nhau nhưng không thể đến được với nhau. Tuy năm tháng qua đi nhưng tình cảm hai người vẫn chẳng thể đổi thay để rồi sau đó họ đã lén lút qua lại.

Cuối cùng bị phát hiện nên ông phải nhận án “đánh chết”. Vua thương chị gái và cũng “tiếc tài làm tướng” của ông nên ngầm bảo đội thi hành án: “Chớ đánh đau quá để không đến nỗi chết” sau rồi xuống chiếu, cách hết quan tước, tịch thu sản nghiệp, không để lại cho một chút gì. Đến khi vua họp vương hầu ở Bình Than, Khánh Dư được vua “xuống chiếu tha tội”. “Vua ban cho áo ngự, vị thứ ngồi ở dưới các vương, trên các công hầu”.

Vua thương tình nên tha mạng cho Trần Khánh Dư, về sau Khánh Dư đã lập được công lớn. (Ảnh: youtube.com)

Có qua đêm tối, mới thấy được sự rực rỡ của ánh vầng dương, có sai lầm mới trân trọng con đường phía trước. Một đứa trẻ trước khi học chạy nó cần phải biết ngã, một người thành công phải học cách thất bại. Ngã mà đứng được mới có thể bước tiếp, còn không thì chỉ có lụi tàn một chỗ, thất bại mà có thể phục hồi mới có thể thành công, nếu không thì cũng mãi là kẻ bỏ đi.

Còn người chính là không sợ sai lầm, không sợ đối diện với thất bại mới có thể thành công.

 

NGUỒN:  Theo Trang Đại Kỷ Nguyên

Link bài: Người không mắc sai lầm….

(https://www.dkn.tv/van-hoa/nguoi-khong-mac-sai-lam-sao-co-the-thanh-cong.html)
Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *