Khai giảng hay khai … diễn?

Sơn Quang Huyền/ Báo GDVN

Hãy để học sinh được cảm nhận không khí vui vẻ của ngày khai giảng. Ảnh minh hoạ trên Hanoimoi.com.vn

Không biết từ khi nào, ngày khai giảng năm học mới trở thành ngày dành cho người lớn, và người ta xem điều này trở thành đương nhiên, chấp nhận nó như một sự tồn tại không thể khác.

Trường nào cũng tổ chức khai giảng như nhau, đó là bắt học sinh đến thật sớm, xếp hàng ngay ngắn, rồi ngồi chờ một vị quan chức lạ hoắc đến đọc diễn văn, nói trên tời dưới đất, những thứ giáo điều cao siêu mà các cháu không quan tâm.

Và sau đó, hiệu trưởng nhà trường lên báo cáo thành tích, tranh thủ nói với lãnh đạo về những việc mà mình đã làm được. Rồi vỗ tay chúc nhau mạnh khỏe, thành công, lãnh đạo chạy sô như ca sĩ.

Ngày tựu trường, khai trường là ngày của học sinh, các cháu là chủ thể của ngày hội vui vẻ này. Hãy trả lại cho các cháu không gian của bạn bè, thầy cô. Xin thôi các bài diễn văn sáo rỗng, xin lãnh đạo đừng bắt học sinh chờ suốt buổi để nghe phát biểu giáo huấn, xin đừng báo cáo thành tích của ngành giáo dục.

Hãy cho các em thụ hưởng một ngày hội áo trắng sân trường của chính các em.

Trần Quí Thanh

—–

Để trả lại ý nghĩa đích thực, thiêng liêng cao quý của ngày khai giảng, các nhà trường đừng quá “hình thức”; đừng bắt học trò đội mưa, chịu nắng tập dượt…

LTS: Tình trạng học trước rồi mới khai giảng và học sinh phải diễn tập rất nhiều cho lễ khai giảng đã khiến không ít người bày tỏ sự quan ngại.

Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết của thầy giáo Sơn Quang Huyến về vấn đề này.

Trong tiềm thức của mỗi người trưởng thành, vẫn còn đâu đó ký ức ngày khai giảng của mình. Thiêng liêng lắm, cao quý lắm, mong chờ lắm! 

Được gặp lại thầy cô, bạn bè, được mặc bộ đồ đẹp nhất mà cha mẹ cả mùa hè thắt lưng buộc bụng mua sắm cho con.

Nhà đông con, đứa này cái quần, đứa kia cái áo, đứa cái cặp vải, mấy ai có trọn bộ đồ mới đến trường? Dẫu vậy ngày khai giảng vẫn hồi hộp, thiết tha, chờ đợi. 

Ngày nay, phần lớn các địa phương đều tựu trường, dạy học trước tháng Chín.

Các trường có thời gian dài để chuẩn bị cho ngày khai giảng thật “hoàng tráng”, xứng đáng với tầm vóc của “trường chuẩn quốc gia”, trường “điểm” của địa phương. 

Hiệu trưởng “thế nào” thì ngày khai giảng giảng “thế đó”!  

Để thể hiện “đẳng cấp” của mình trước lãnh đạo địa phương, lãnh đạo ngành, khách mới, kỷ yếu của nhà trường để lại cho hậu thế, các hiệu trưởng đã phân công giáo viên, tập dượt học sinh trước cả tuần.

Nào là đi như thế nào, tập hợp ra sao, tay cầm cờ, vẫy cờ, tặng hoa cho đại biểu, học sinh đọc cảm nghĩ…

Tất tần tật đã được làm đi, làm lại đến … phát chán với học trò.

Ngoài ra, trong ngày khai giảng phải phần hội. Hội hay thì phải có đủ trò, thôi thì trò chơi truyền thống, trò chơi dân gian, trò chơi hiện đại…

Các trò chơi này học sinh được tham gia tập dượt, không phải có mục đích trải nghiệm hay cảm nhận, mục đích chủ yếu là “cho đại biểu quan sát và ôn lại ký ức tuổi thơ của mình”, khen nhà trường tổ chức tốt. 

Bên cạnh đó, không thể thiếu phần văn nghệ. Học sinh hát, thầy cô hát, những bài hát đã được hát đi, hát lại nơi sân khấu đó không biết bao lần. 

Ngày khai giảng chính thức rồi cũng đến, những mảng màu được lắp ghép lại. Bức tranh “sinh động” đó chỉ có trong mắt của khách mời.

Với học sinh và giáo viên nhà trường đã trở nên nhàm chán, “vô cảm”!

Ngày khai giảng đã thành ngày … khai diễn. 

Ngày khai giảng đã mất đi hoàn toàn ý nghĩa thiêng liêng, chờ đợi của nó.

Ký ức với học trò, là khó chịu vì nắng, lê thê dài dòng lời phát biểu thầy hiệu trưởng, khách mời; là sự tham gia “lấy lệ” của các trò chơi… ký ức nhạt nhòa cho một năm học mới. 

Để trả lại ý nghĩa đích thực, thiêng liêng cao quý của ngày khai giảng, các nhà trường đừng quá “hình thức”; đừng bắt học trò đội mưa, chịu nắng tập dượt quá thuần thục; lễ và hội cứ để nó diễn ra thật tự nhiên, có thể “ngô nghê” nhưng là kỷ niệm đẹp của học trò. 

Ngày khai giảng nên lồng ghép các tiết mục giáo dục kỹ năng phòng chống bạo lực học đường, an toàn giao thông, nói không với thuốc lá và ma túy…

Giao lưu với học trò lầm lỗi, nay đã trưởng thành, các bài học kinh nghiệm từ học trò này, thường chân thật, dễ ăn sâu vào tiềm thức học sinh, giúp học sinh tránh được cám dỗ xấu từ môi trường xã hội.  

Thời điểm khai giảng không nhất thiết là ngày cố định, nên để địa phương hay nhà trường tự quyết định, khai giảng nên tổ chức ngày nhập học đầu tiên của mỗi địa phương.

Không nên học cả mấy tuần rồi mới khai giảng. 

Ngoài ra, thời gian tọa đàm sau lễ hội của nhà trường với khách mời, tuyệt đối không kêu gọi ủng hộ các loại quỹ; để ngày khai giảng trở nên thiêng liêng, cao quý với cả thầy và trò. 

 

NGUỒN: Theo báo Giáo dục Việt Nam

Link bài: Khai giảng hay khai … diễn?

(http://giaoduc.net.vn/gdvn-post189244.gd)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *