Trần Quí Thanh
—–
Kính thưa chú
Cháu chỉ là một startup nhỏ bé, không muốn thưa tên tuổi. Cháu đọc blog chú rất thường xuyên, dĩ nhiên cháu thích nhất mục “Chat với mọi người”. Nay cháu gởi chú câu hỏi này: Những sai lầm mà các CEO hay mắc phải, và sai lầm nguy hiểm nhất là gì? Rất mong chú trả lời.
Kinh chúc chú sức khoẻ
Startup nhỏ bé (Nam Định): yeunamdinhmenthuong16@gmail.com
—–
Startup nhỏ bé mến!
Tự cho mình nhỏ bé là thể hiện sự khiêm tốn, khiêm tốn thì không tự cao tự đại, biết lắng nghe người khác, và đó là phương thuốc để chữa một căn bệnh nguy hiểm nhất của người làm lãnh đạo, người giàu có, trong trường hợp cháu đặt ra cụ thể là một CEO.
Thông thường người thành đạt, người giàu có hơn người, người có vị trí lãnh đạo trong chính quyền hay trong doanh nghiệp thì thường hay bị bệnh “điếc tai”, càng giàu có, lãnh đạo càng cao thì bệnh này càng nặng. Điếc tai ở đây là không chịu khiêm tốn lắng nghe người khác, chỉ có mình là đúng nhất, là thông minh nhất, là tài năng nhất.
Bởi vì, hầu hết ai cũng tự nghĩ, nếu không tài năng, thông minh sao có thể giàu có hoặc làm lãnh đạo người khác. Và chú trả lời với cháu rằng, đây chính là sai lầm nguy hiểm nhất.
Ngày xưa, triều đình phong kiến của một số nước có vị quan gọi là “quân sư” để bày mưu tính kế, nhưng còn có chức quan nữa, rất hay, gọi là “gián nghị đại phu”, ông quan này có mỗi một việc là can vua.
Thời nay, các vị lãnh đạo có người cố vấn, thậm chí là hội đồng cố vấn, đó là những bộ óc giỏi ở nhiều lĩnh vực khác nhau, tham mưu cho lãnh đạo trong điều hành công việc, bởi vì không ai có thể biết hết tất cả.
Một CEO giỏi đến mấy cũng không thể giỏi hết mọi thứ, liên quan đến pháp luật thì phải hỏi chuyên gia pháp lý, muốn xử lý khủng hoảng truyền thông phải hỏi chuyên gia truyền thông, muốn triển khai chiến dịch marketing phải hỏi chuyên gia marketing…Bất cứ ai, nếu không biết lắng nghe, mà độc tài, độc đoán, thì trước sau cũng sẽ thất bại.
Biết khai thác trí tuệ của người khác làm vốn liếng cho mình thì đó là người thông minh nhất và đó chính là CEO giỏi nhất.
Và khi đã biết lắng nghe người khác, thì rất ít khi mắc sai lầm, và cho dù có mắc sai lầm thì cũng dễ dàng để tháo gỡ vì có người giỏi giúp cho. Có điều, phải biết chọn ai để nói cho mình nghe, phải không cháu.
Chúc cháu thành công
Trần Quí Thanh
(Hãy viết thư cho tôi: tranquithanh1953@gmail.com)