“Chuyện nhà Dr. Thanh” thực sự là vở kịch xúc động và nhân văn mà bất cứ gia đình nào cũng nhìn thấy một phần của mình ở trong đó.
Tối 23/09, tại nhà hát VOH (Đài tiếng nói TP HCM), vở kịch “Chuyện nhà Dr Thanh” do biên kịch Lê Chí Trung viết với cảm hứng từ cuốn sách cùng tên của tác giả Trần Uyên Phương đã chính thức được công diễn. Vở kịch do dàn diễn viên là nhân viên các phòng ban của Tân Hiệp Phát đóng, tập luyện hơn 3 tháng qua.
Vở kịch gồm những phân đoạn được ráp nối xoay quanh cuộc đời người đàn ông sáng lập ra Tập đoàn Tân Hiệp Phát và người dẫn dắt vở kịch qua từng giai đoạn chính là tác giả cuốn sách Trần Uyên Phương – cũng là con gái của ông chủ Tập đoàn này.
Có thể nói, vở kịch “Chuyện nhà Dr. Thanh” đã đưa khán giả đi đến mọi cung bậc cảm xúc, nhận được những phản hồi rất tích cực.
Vở kịch là trọn vẹn hành trình từ khi ông Thanh còn là một cậu bé “phá làng phá xóm” cho đến những năm tháng trưởng thành, kinh qua biết bao thăng trầm, va vấp trên đường đời để một tay xây dựng nên thương hiệu Việt Tân Hiệp Phát. Bên cạnh đó, hình ảnh người vợ tần tảo, luôn bên cạnh ông Thanh những lúc khó khăn, thậm chí chịu nhẫn nhịn vì gia đình cũng khiến khán giả không khỏi bất ngờ.
Qua diễn xuất ấn tượng của dàn nhân viên các phòng ban thuộc Tân Hiệp Phát, ông Thanh xuất hiện là một người không sợ trời sợ đất và cực kỳ đào hoa với nhiều mối tình nóng bỏng. Ông cũng là một con người đầy tình cảm ẩn dưới lớp vỏ một người chồng, một người cha có phần thờ ơ, nghiêm khắc với gia đình.
Ngoài ông Thanh, một nhân vật khác nổi bật trong vở kịch chính là vợ ông – bà Nụ – một người phụ nữ mạnh mẽ, giỏi giang, dám đương đầu với mọi thử thách nhưng cũng là người luôn hi sinh vì gia đình, hết mực yêu thương chồng con. Bà là một người phụ nữ bản lĩnh, cá tính, biết lúc nào phải cứng rắn, lúc nào phải mềm mỏng với người chồng của mình.
Vở kịch cũng đã mang đến cho khán giả một sự đồng cảm về tình cảm gia đình. Mặt trái của việc sở hữu một tập đoàn tỷ đô đó là sự thiếu quan tâm cho gia đình nhưng sau tất cả, khi sóng gió xảy ra thì gia đình luôn là nơi mang đến cho mỗi người nhiều động lực và cảm xúc nhất. Sau sự nghiêm khắc và lạnh lùng với gia đình, cuối cùng ông Thanh cũng đã rơi nước mắt khi người vợ của mình vào bệnh viện, đối mặt với sự sống còn. Để rồi, tình cảm gia đình đã đưa ông cùng vợ con của mình xích lại gần nhau hơn.
“Chuyện nhà Dr. Thanh” thực sự là vở kịch xúc động và nhân văn mà bất cứ gia đình nào cũng nhìn thấy một phần của mình ở trong đó. Chính vì thế, vở kịch đi sâu vào lòng khán giả một cách tự nhiên và thu hút, minh chứng là sau khi kết thúc, rất đông khán giả đã không ngại ngần chia sẻ và đưa ra lời khen cho diễn xuất ấn tượng, nội dung truyền cảm hứng của vở kịch.
“Chuyện nhà Dr Thanh” của tác giả – nữ doanh nhân Trần Uyên Phương là cuốn tự truyện kể về cuộc đời sóng gió của ông chủ tập đoàn Tân Hiệp Phát – Trần Quí Thanh, những góc khuất đằng sau sự thành đạt và hùng mạnh của một gia tộc doanh nhân.
Mới đây, nữ doanh nhân Trần Uyên Phương cùng với hai tác giả Jackie Horne (nhà báo Anh) và chuyên gia kinh tế người Mỹ John Kador cũng đã ra mắt cuốn sách Competing with Giants (Vượt lên người khổng lồ) tại New York (Mỹ).
Đây là lần đầu tiên sách của một nữ doanh nhân Việt Nam được ForbesBooks lựa chọn xuất bản và chính thức tổ chức lễ ra mắt tại trụ sở Forbes – nơi tụ hội những nhà lãnh đạo kinh doanh, tỷ phú hàng đầu thế giới.