Trần Quí Thanh
—–
Phân chỉ tiêu giảm biên chế cho từng ngành kiểu như dàn hàng ngang mà tiến là không khoa học, điển hình nhất là giảm biên chết trong ngành giáo dục. Chỉ tiêu giảm biên chế 10% được giao xuống và cứ như thế mà cắt giáo viên thì thiếu giáo viên là cái chắc. Vì sao vậy.
Dân số tăng, số lượng học sinh đi học đương nhiên tăng hằng năm, vậy thì phải tăng lượng giáo viên mới phù hợp với quy luật. Vì trái quy luật cho nên tính đến năm 2018 thiếu giáo viên trầm trọng, bậc mầm non thiếu 43.732 người; bậc tiểu học thiếu 18.953 người, bậc trung học cơ sở thiếu 10.143 người và Trung học phổ thông thiếu 3.161 người.
Quyền đi học của trẻ em là quyền Hiến định, cụ thể là phổ cập tiểu học, vậy thì bắt buộc phải chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, sách vở giáo viên dể thực hiện theo quy định của Hiến pháp. Đó là về mặt pháp lý.
Còn về khoa học giáo dục, một lớp học có quy chuẩn tối đa bao nhiêu học sinh, cho nên không thể cứ nhét vô tư học sinh để giảm biên chế giáo viên.
Đúng ra, giảm biên chế trong ngành giáo dục là tập trung giảm ở khu vực quản lý, 10% là tính ở đó, không phải đổ đồng lên giáo viên. Giảm khu vực quản lý thì hãy giảm tối đa, còn tăng giáo viên thì phải tăng phù hợp với nhu cầu thực tế.
Để giảm gánh nặng ngân sách mà vẫn có đủ giáo viên, trường học, thì phải tạo ra những chính sách xã hội hóa giáo dục thông minh, thu hút được tư nhân đầu tư mở trường, chứ không phải làm theo cách cắt giảm biên chế máy móc.
Cách đây mấy tháng, có một giáo viên đề xuất nên bỏ các phòng giáo dục, các trường chỉ cần trực thuộc sở. Tui thấy đề xuất này rất hay, nếu bỏ quản lý cấp phòng để dành ngân sách đầu tư cho giáo viên thì ngành giáo dục sẽ thay đổi tích cực.
Giáo dục là quốc sách, cho nên phải đầu tư tối đa có thể, và tập trung nhất chính là đội ngũ giáo viên. Đừng “tiết kiệm” giáo viên, bởi vì đó là sự tiết kiệm sai lầm mà chúng ta sẽ trả giá.
Sài Gòn 08/10/2018
TQT
Bài đọc thêm, Link: Vì sức ép giảm biên chế mà không tuyển mới giáo viên là vô lối
(http://giaoduc.net.vn/gdvn-post191485.gd)