Thế hệ Z (những người sinh từ năm 1998 – 2010) sẽ là thế hệ người tiêu dùng tương lai khi chiếm đến 1/5 lực lượng lao động trong nước với khoảng 15 triệu người vào năm 2025.
Mặc dù còn rất trẻ (8 – 20 tuổi) nhưng sức ảnh hưởng của thế hệ Z đến thị trường rất lớn. Hầu hết các quyết định mua thực phẩm và thức uống cho gia đình đều do thế hệ Z quyết định. Theo số liệu của Nielsen Việt Nam, năm 2017, nhóm thực phẩm ngẫu hứng và thức uống – hai trong số nhóm sản phẩm chịu tác động từ sự tham gia mua hàng của thế hệ Z, có tổng thị phần trị giá 6,6 tỷ USD.
Không chỉ quyết định việc sử dụng hai nhóm hàng trên, thế hệ Z còn quyết định cả các hoạt động giải trí bên ngoài, ăn tối và các sản phẩm công nghệ như điện thoại thông minh, máy tính bảng, máy tính xách tay, đồng hồ thông minh.
Bà Nguyễn Hương Quỳnh – Giám đốc Điều hành Nielsen Việt Nam cho biết các bạn trẻ ngày nay có thể quan sát, yêu cầu và lựa chọn hàng hóa với sự cho phép trong khi đi mua sắm cùng người lớn, cũng như khi mua hàng một mình tại các cửa hàng.
“Sự gia tăng các hộ gia đình có thu nhập kép ở Việt Nam đã trao quyền cho những bạn trẻ, để họ có thể tham gia sâu hơn vào việc mua sắm của gia đình từ khi còn nhỏ. Và khi sức mua của thế hệ này tiếp tục tăng lên thì các nhà tiếp thị và quảng cáo nên quan tâm nhiều hơn đến việc đưa ra các phương pháp hiệu quả để tiếp cận những người tiêu dùng trong tương lai”, bà Nguyễn Hương Quỳnh nhận định.
Không chỉ thế, thế hệ Z còn dành khoảng thời gian đáng kể cho các trang mạng truyền thông xã hội như Instagram, Facebook và YouTube. Theo nghiên cứu mới nhất của Nielsen, có đến 99% đáp viên thế hệ Z có tài khoản Facebook, 77% có tài khoản Zalo và 64% có tài khoản YouTube. Thế hệ Z chưa bao giờ biết đến một thế giới mà không có sự tồn tại của internet, điện thoại di động.
Vì lớn lên trong thời đại công nghệ thông tin, những thứ không thể thiếu trong cuộc sống của những người trẻ này được cho là điện thoại di động (45%) và internet (21%). Khi các phương tiện truyền thông xã hội trở thành một phần thiết yếu trong cuộc sống thì họ sử dụng các công cụ này cho các mục đích khác nhau như kết nối với bạn bè và gia đình (93%), cập nhật những gì đang xảy ra xung quanh (73%).
Đáng chú ý hơn, họ còn sử dụng các kênh truyền thông xã hội để bày tỏ ý kiến, niềm tin của mình (55%) và tường thuật các hoạt động hằng ngày (42%). Tuy nhiên, các hoạt động giải trí bao gồm đi uống trà sữa hoặc gặp bạn bè tại các quán cà phê, đi xem phim, đi siêu thị, tụ tập tại cửa hàng tiện lợi hoặc ghé thăm nhà bạn bè cũng là những hoạt động tiêu biểu họ yêu thích.
Những điều này cho thấy thế hệ Z tương tác nhiều, tiếp cận nhiều với các thông tin và tương tác với các thương hiệu ở rất nhiều kênh. Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là mặc dù tiếp cận nhiều với các thương hiệu, sản phẩm nhưng thế hệ Z ít trung thành với một thương hiệu nào và thích có những trải nghiệm mới.
Họ sẵn sàng thử các thương hiệu mới nếu cảm thấy những thương hiệu đó thú vị mặc dù đã yêu thích và thường xuyên sử dụng một số thương hiệu. Các số liệu nghiên cứu của Nielsen Việt Nam cho thấy chỉ có khoảng 16% số người thuộc thế hệ Z cẩn thận lựa chọn thương hiệu trước khi mua và không thích thay đổi. Theo các chuyên gia, điều này cũng tốt vì các thương hiệu có thể thu hút sự chú ý của người tiêu dùng thế hệ Z đối với các sản phẩm mới ra mắt.
Trước thực tế của thế hệ Z, bà Nguyễn Hương Quỳnh tư vấn: “Muốn tiếp cận đối tượng khách hàng này, doanh nghiệp cần sử dụng chiến lược tiếp cận đa kênh, đừng quá chú trọng vào kênh trực truyến mà bỏ quên kênh truyền thông truyền thống hay các cửa hàng offline. Việc nhận đúng thông điệp thông qua những nền tảng phù hợp vào đúng thời điểm là điều quan trọng nhất để làm cho thế hệ Z chú ý đến thương hiệu”.
NGUỒN: Theo Báo Doanh nhân Sài Gòn