Tại buổi giao lưu với tác giả sách Competing with Giants Trần Uyên Phương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FPT Trương Gia Bình cho rằng: Để một doanh nghiệp gia đình có thể vươn lên thành công, quan trọng nhất là phải ‘không biết sợ’.
Doanh nghiệp gia đình: Cơ cấu nhỏ, đóng góp không nhỏ
Theo VCCI, nếu quản trị doanh nghiệp thuần túy theo kiểu gia đình sẽ khó tồn tại, chưa đến 10% theo mô hình này vững bền sau 3 thế hệ. Thế nhưng, con số 10% này lại đóng góp rất lớn vào phát triển nền kinh tế đất nước. Cụ thể, 100 doanh nghiệp gia đình lớn nhất Việt Nam đã đóng góp khoảng 1/4 GDP của cả nước.
Những doanh nghiệp gia đình này để thành công đều cần đến rất nhiều yếu tố như xây dựng dựng hệ thống quản trị quốc tế, có tầm nhìn và những giá trị cốt lõi riêng của doanh nghiệp, có hệ thống kiểm soát chặt chẽ… Trên tất cả đó chính là sự quyết tâm, đồng lòng dành cho việc quản lý hệ thống kinh doanh của mỗi thành viên gia đình.
Điển hình về mô hình doanh nghiệp gia đình là Tập đoàn Tân Hiệp Phát, ông Trần Quí Thanh cùng 2 cô con gái Trần Uyên Phương, Trần Ngọc Bích đều tham gia vào bộ máy quản trị của doanh nghiệp nước giải khát hàng đầu Việt Nam.
Trong buổi giao lưu giới thiệu cuốn sách Competing with Giants của tác giả Trần Uyên Phương tại Hà Nội vừa qua, câu chuyện làm thế nào để đưa một doanh nghiệp gia đình như Tân Hiệp Phát có thể vươn lên và “vượt qua những người khổng lồ” đã được các chuyên gia kinh tế, lãnh đạo các doanh nghiệp nổi tiếng “bóc tách”, phân tích và kết luận.
Tác giả Trần Uyên Phương cũng là thành viên gia đình họ Trần đang điều hành Tập đoàn Tân Hiệp Phát cho biết tình yêu chính là động lực cho cô vượt qua mọi khó khăn. Chính tình yêu của gia đình, của Tân Hiệp Phát là động lực cho cô quyết tâm chinh phục biển lớn thành công. Cuốn sách Competing With Giants ra đời cũng vì tình yêu lớn ấy, là biểu tượng cho tinh thần “không gì là không thể” của tập đoàn.
Cũng trong buổi giao lưu, ở góc nhìn khác, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FPT Trương Gia Bình chia sẻ: Sự thành công và vượt lên người khổng lồ xuất phát từ tâm trí của nhà sáng lập Tân Hiệp Phát, Dr. Thanh và gia đình họ Trần. Cũng theo Chủ tịch FPT để vượt lên “người khổng lồ”, chỉ ý chí thôi chưa đủ.
“Ám ảnh khách hàng”
“Đầu tiên phải dựa vào sức mạnh đấu sĩ có, trong trường hợp Tân Hiệp Phát là điển hình. Thứ nhất Dr. Thanh đã được luyện một trí can trường trong chuồng heo, họ không biết sợ. Ai muốn ra đấu trường lớn phải luyện lòng dũng cảm, không biết sợ.
Điều thứ hai, chiến thắng của Tân Hiệp Phát không phải là ngẫu nhiên, không phải doanh nghiệp khác không muốn làm sản phẩm như của Tân Hiệp Phát, vấn đề là “sự ám ảnh về khách hàng”. Phải có “sự ám ảnh khách hàng” để hiểu hơn ai hết khách hàng cần gì và tạo cho khách hàng giá trị mà người khác không tạo được.
Trao đổi với báo giới, Chủ tịch Tập đoàn FPT cho biết ông ấn tượng nhất việc Tân Hiệp Phát từ chối 2,5 tỉ USD để tiếp tục cạnh tranh và vượt lên người khổng lồ.
“Đây là cuốn sách hiếm hoi bật mí về một công ty Việt Nam đã chiếm thị phần vượt trội. Đó là điều thật đặc biệt, cuốn sách này nên được sử dụng tại các trường kinh tế cũng như dành cho các doanh nhân”, ông Trương Gia Bình chia sẻ.
Cũng theo TS Trương Gia Bình, “Bạn muốn thế và bạn làm thế”. Tuy nhiên, điều “bạn muốn” của Trần Uyên Phương hay Dr. Thanh không chỉ dừng lại là ý thức, mà “muốn” ở đây phải biến thành ý chí, hành động trong mỗi ngày làm việc.
“Nếu các bạn muốn, các bạn cũng có thể làm được, cái quan trọng nhất là các bạn không sợ hãi và thật tâm muốn thì các bạn có thể làm được những điều kỳ diệu. Khi đó các bạn không chỉ đem lại thành công cho gia đình, mà còn đem đến niềm tự hào cho người Việt”, TS Trương Gia Bình nói.
Tất cả những gì cần ở một doanh nghiệp gia đình, Tân Hiệp Phát đều đã nỗ lực xây dựng và phát triển. Điều đó đã đem lại thành công cho tập đoàn này mà bằng chứng là tốc độ phát triển và vươn tầm châu lục mạnh mẽ như hiện nay.