Đồng tác giả cuốn Compete with Giants khẳng định tiềm năng và sự thay đổi nhanh chóng của kinh tế Việt Nam so với hàng chục năm trước.
Sách Compete with Giants (Vượt lên người khổng lồ) vừa ra mắt độc giả Việt Nam vào đúng ngày doanh nhân – 13/10 tại Hà Nội. Sách do Trần Uyên Phương – Phó tổng giám đốc Tân Hiệp Phát viết cùng hai tác giả người nước ngoài: nhà báo người Anh Jackie Horne và chuyên gia kinh tế Mỹ John Kador.
Theo bà Trần Uyên Phương, việc có thêm hai đồng tác giả giúp sách có cái nhìn khách quan hơn về kinh tế, doanh nghiệp và doanh nhân Việt Nam.
Bà Jackie Horne – nhà báo của tờ FinanceAsia chia sẻ với VnExpress quá trình viết sách và góc nhìn của bà về Việt Nam.
– Vì sao bà nhận lời tham gia viết cuốn Compete with Giants?
– Đối với người ngoại quốc như tôi, việc lắng nghe tiếng nói của doanh nhân Việt rất thú vị. Nhất là khi tôi đang phụ trách mảng châu Á, tôi luôn muốn tìm hiểu thêm về câu chuyện của đất nước này sau khi bước ra khỏi chiến tranh. Trần Uyên Phương đã cho tôi cơ hội tiếp xúc với những doanh nhân Việt để viết về kinh tế Việt Nam từ phía Việt Nam.
Sách còn viết về việc những gã khổng lồ thế giới như Coca Cola, Pepsi… làm thế nào để chinh phục thị trường Việt. Ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp Việt cũng thể hiện vị thế của mình khi trực tiếp cạnh tranh với những gã khổng lồ, như Tân Hiệp Phát đã làm.
Tuy nhiên cuốn sách không chỉ bàn về quá khứ, mà tinh thần chủ đạo là độ năng động của kinh tế Việt Nam hiện tại và tiềm năng trong tương lai. Các tập đoàn trong nước như VinGroup, Masan, Novaland, THP… đang ngày càng lớn mạnh.
Đây đều là câu chuyện đầy hào hứng mà tôi muốn nghe và kể lại cho độc giả toàn thế giới. Họ cũng rất muốn biết Việt Nam đã vượt qua khó khăn trong những năm 80 của thế kỷ trước như thế nào để trở thành một trong những nền kinh tế năng động nhất Đông Nam Á.
Riêng tại Mỹ, Việt Nam luôn là chủ đề nóng. Chỉ tính riêng trên hai tờ báo mà tôi đọc thường xuyên thì trong năm nay đã có hơn 20 bài viết về Việt Nam. Người Mỹ muốn biết về quốc gia đã chiến thắng họ trong cuộc chiến và nay trở thành một nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ, thu hút dòng vốn đầu tư và du khách từ quốc gia quyền lực nhất thế giới.
– Với vai trò là nhà báo, đóng góp của bà trong quyển sách là gì?
– Có rất nhiều bài phỏng vấn thực hiện trong sách với nhân vật là thành viên của Tân Hiệp Phát và các chuyên gia trong, ngoài nước. Riêng tôi trực tiếp gặp gỡ nhiều chuyên gia tài chính, nhân sự cấp cao của các doanh nghiệp, tập đoàn lớn để ghi nhận góc nhìn của họ về môi trường kinh doanh tại Việt Nam.
Với khả năng của một nhà báo, một người biên tập, tôi không trực tiếp thể hiện góc nhìn mà chủ yếu giúp Phương tập hợp, phân tích và lựa chọn những chi tiết đắt giá nhất về doanh nghiệp, kinh tế Việt Nam để đưa vào sách.
– Ấn tượng của bà về Việt Nam ra sao trước và sau khi viết sách?
– Tôi đến Việt Nam vào đầu thập niên 90 và trở lại Việt Nam mới đây để cùng Phương thực hiện cuốn sách. Những thay đổi trong 20 năm qua ở đất nước các bạn khiến tôi kinh ngạc. TP HCM hiện đại như bất kỳ thành phố nào khác ở Đông Nam Á với tất cả cao ốc, dịch vụ, ôtô lẫn xe máy, các tiện nghi… Nhịp sống đô thị cũng nhanh chóng, năng động hơn rất nhiều, nhất là ở các thành phố lớn.
Bất cứ quốc gia nào đi qua chiến tranh đều chịu gian khó. Những chính sách bảo hộ của Việt Nam giai đoạn đầu thời hậu chiến là cần thiết để bảo vệ nền kinh tế địa phương. Cần phải mất hàng chục năm để khắc phục hậu quả chiến tranh và thực sự trở thành một nền kinh tế khỏe mạnh. Trong 10 năm qua, Việt Nam đã thể hiện khả năng vươn lên không khác gì Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan… đã làm được trước đó và đất nước các bạn hoàn toàn có thể trở thành “con hổ mới” của châu Á.
– Cơ sở nào để bà khẳng định kinh tế Việt Nam có thể trở thành “con hổ mới” của châu Á?
– Rất nhiều chuyên gia mà tôi đã phỏng vấn đồng tình rằng Việt Nam có nhiều điểm tương đồng với những nền kinh tế mới nổi khác ở Đông Á. Những đặc điểm của kinh tế Việt Nam, tinh thần khát khao cống hiến của người Việt có thể tìm thấy ở kinh tế Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan… Đặc biệt là Nhật Bản, sức lao động, tinh thần bền bỉ của người Việt rất giống người Nhật.
Điều này khác hẳn ở Sri Lanka, vốn cũng là một thị trường đang phát triển sau khi nội chiến chấm dứt. Họ quan tâm nhiều hơn về cách cân bằng giữa công việc và thụ hưởng cuộc sống. Họ sống chậm hơn người dân Việt Nam.
Tại Việt Nam, chứng khoán liên tục đi lên, bất động sản bùng nổ, thị trường tiêu dùng ngày càng lớn mạnh… Mặc dù vẫn có một số vấp váp trên đường tăng trưởng như chúng ta thấy sự dao động của thị trường chứng khoán trong năm nay…, nhưng các chuyên gia kinh tế, tài chính mà tôi phỏng vấn đều cho rằng Việt Nam đang đi đúng hướng để nâng tầm trong tương lai.
– Theo bà, những vấp váp đó nên khắc phục thế nào?
– Thách thức lớn nhất của Việt Nam hiện tại là làm sao đừng để việc tăng trưởng quá nhanh vượt qua ngoài tầm kiểm soát. Những tập đoàn đa ngành hiện cho thấy sức sáng tạo, năng động của doanh nhân Việt. Tuy nhiên, cần phải duy trì hoạt động cốt lõi và coi đó là chỗ dựa, nền tảng phát triển bền vững.
Bài học của khủng hoảng kinh tế châu Á những năm 90 hay khủng hoảng kinh tế toàn cầu mới đây đã cho thấy, mở rộng nhanh chóng thì dễ nhưng kiểm soát nó đi đúng hướng thì rất khó. Tại Trung Quốc, tập đoàn Dalian Wanda và HNA đã để lại bài học xương máu về việc bành trướng hoạt động quá đà, để rồi đều rơi vào khủng hoảng.
– Còn với Tân Hiệp Phát, việc khai thác sâu hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp này mang lại cho độc giả những câu chuyện như thế nào?
– Tân Hiệp Phát là doanh nghiệp điển hình thể hiện tinh thần của người Việt, đó là không e dè những đối thủ ở thế cờ cao hơn. Các doanh nghiệp địa phương như Tân Hiệp Phát biết rõ thế mạnh của mình và có đủ sự tự tin để tận dụng thế mạnh, chinh phục thị trường.
Ở Tân Hiệp Phát, Tổng giám đốc Trần Quí Thanh và hai con gái của ông đều rất tập trung vào hoạt động chính là sản xuất nước giải khát. Ở từng giai đoạn, họ có những trọng tâm hoạt động khác nhau, gồm cải tiến quy trình sản xuất, đổi mới công nghệ, tối ưu hóa bộ máy quản trị… Họ tập trung khâu vận hành và phát triển sản phẩm chứ không chăm chăm đi mở rộng hoạt động để tăng doanh thu. Tôi cho đây là một trong những điều khiến Tân Hiệp Phát thành công, bên cạnh tố chất và tinh thần truyền lửa của người lãnh đạo.
– Qua quá trình tiếp xúc, theo bà đâu là tố chất ở người lãnh đạo “Dr. Thanh” giúp doanh nghiệp này thành công như thời gian qua?
– Ông Thanh có tuổi thơ đầy gian khó, nhưng từ chỗ không có gì, ông đã gây dựng sự nghiệp đồ sộ như ngày nay. Qua quá trình tiếp xúc, tôi nhận ra rằng mối bận tâm của ông Thanh không phải ở tiền bạc mà là việc giành chiến thắng. Ông ấy biết rõ nếu chấp nhận sáp nhập vào một doanh nghiệp lớn hơn, ông sẽ có lượng của cải lớn; nhưng thay vào đó ông đã từ chối để được tiếp tục làm việc, tiếp tục phấn đấu đưa Tân Hiệp Phát đi lên bằng chính cái tên của mình.
Một chi tiết khác thể hiện bản lĩnh của “Dr. Thanh” là ở cách ông hành xử với người đối diện, dù đó là tôi, bạn hay một doanh nghiệp lớn, nhỏ bất kỳ, ông đều cư xử dựa trên quy tắc nền tảng riêng của mình chứ không dựa trên đối phương là người quyền lực hay nhỏ bé ra sao. Ông ấy không nhìn xuống cũng không nhìn lên mà chỉ nhìn về phía trước, tập trung vào con đường mình đã chọn và nỗ lực kéo cả cỗ máy đi theo.
Ông ấy còn là một chuyên gia đàm phán bởi khi bước vào bàn thương thuyết, ông không mang theo bất kỳ cảm xúc nào, không háo hức cũng không e ngại. Nếu vụ làm ăn thành công thì tốt, không thì ông sẽ khai thác chiến lược mới.
Tôi thấy ở ông ấy cá tính của rất nhiều doanh nhân nổi tiếng khác tôi từng phỏng vấn, nổi bật nhất có lẽ là người ai cũng biết – Steve Jobs. Những doanh nhân ấy có một niềm tin mãnh liệt vào bản thân. Nhiều người không dám làm vì còn sợ thất bại, họ thì không biết sợ là gì.