Thảm hoạ ngập lụt ở Tp HCM, Thiên tai & Nhân tai

PV/ Báo VOV.vn
 
 
Bão đổ bộ vào Nam Bộ là điều khá hiếm hoi vì khu vực này ít chịu ảnh hưởng của bão lũ. Chính vì vậy, những cơn bão đổ bộ vào miền Nam thường được xếp vào cấp thảm họa vì diễn biến phức tạp và sức tàn phá khủng khiếp của nó.
 

Toàn cảnh TP HCM bị nhấn chìm trong biển nước

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, đêm 25/11, do ảnh hưởng của vùng áp thấp suy yếu từ bão số 9 nên các tỉnh phía Nam của Nam Trung Bộ và miền Đông Nam Bộ có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 50-100mm, có nơi trên 150mm. Riêng TP HCM đã được cảnh báo có khả năng hứng chịu mưa rất lớn kèm lốc xoáy.

Từ chiều 25/11, mưa như trút nước tại TP HCM khiến nhiều tuyến đường đã xảy bị ngập nặng. Lượng mưa tại trung tâm thành phố có nơi đạt hơn 150mm. Mưa lớn kết hợp với gió giật mạnh khiến tầm nhìn bị hạn chế, đường trơn và gây cản trở việc di chuyển. Tình trạng ngập lụt diễn ra trên diện rộng ở 24 quận, huyện.

Tối 25/11, tại TP HCM tiếp tục xảy ra mưa to, kéo dài trên diện rộng, gây ngập nhiều tuyến đường, ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt của người dân. Toàn thành phố bị nhấn chìm trong biển nước.

Trung tâm điều hành chương trình chống ngập thống kê trên địa bàn TP HCM đã có khoảng 40 điểm ngập nặng, có nhiều nơi lượng mưa đo được lên tới hơn 150mm.

Không phải vô cớ mà TP HCM gắn với cụm từ “thành phố chịu ngập quanh năm”. Thực tế, thành phố không cần mưa cũng đã ngập vì triều cường. Đến khi có mưa thì đường biến thành sông. Từ đầu mùa mưa năm nay, các khu vực Ung Văn Khiêm, Nguyễn Xí, QL13 (Q.Bình Thạnh), An Dương Vương (từ cầu Mỹ Thuận đến Bến Phú Định), Gò Dầu, Mai Hắc Đế, Lương Văn Can, Cao Văn Lầu, Mai Xuân Thưởng… đều được nhắc đến trong danh sách những điểm ngập nhiêm trọng.

 

Bão đổ bộ cùng triều cường biến phố thành sông

Càng tiến gần vào đất liền, bão số 9 mạnh dần lên và đi lệch về hướng Nam, ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ.

Tại Nam Trung Bộ, thủy triều ở mức cao. Đỉnh triều rơi vào khoảng 20-23h. Cơn bão số 9 được dự báo đổ bộ vào bờ lúc rạng sáng, do đó, thời gian đỉnh triều vào đêm hôm trước đến khi bão vào lúc sáng sớm gây ngập lụt .

Tại quận Bình Tân, mưa lớn kết hợp với triều cường khiến cho đường Hồ Học Lãm ngập nặng, nhiều xe cộ qua khu vực này bị chết máy, người điều khiển phải dắt bộ hàng cây số. Đoạn gần giao lộ với đường Võ Văn Kiệt nước dâng cao nửa mét, đen đặc và bốc mùi hôi thối. Một số nhà hai bên đường được người dân dùng ván gỗ che chắn trước cửa nhà ngăn nước tràn vào.

Khu vực phía Đông thành phố, nhiều tuyến đường như Lã Xuân Oai (Quận 9), Nguyễn Văn Hưởng (Quận 2) ngập sâu, có đoạn ngập đến nửa bánh xe máy. Cảnh tượng tương tự cũng diễn ra tại đường Cây Trâm, Phan Huy Ích (quận Gò Vấp), đường Nguyễn Văn Quá (Quận 12), đường Huỳnh Tấn Phát (Quận 7).

Đến nay, người dân TP HCM vẫn đang vật vã “sống chung” với tình trạng ngập lụt thường xuyên, chứ không chỉ riêng ảnh hưởng của áp thấp suy yếu từ bão số 9 vừa qua. Nhiều người dân TP HCM, đặc biệt là giới công sở, đã hình thành thói quen “thủ” theo một bộ quần áo khi đi làm, để “ướt còn có cái mà thay”.

Phải đến hàng thập kỷ, với hàng loạt dự án khủng được đầu tư đến con số vài chục nghìn tỷ đồng mà tình trạng ngập lụt tại TP HCM đến nay vẫn không thể cải thiện.

Ví dụ dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng do Tập đoàn Trung Nam thực thi, với mục tiêu kiểm soát ngập do triều, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu cho vùng diện tích 750 km2 với khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm thành phố. Dự án vốn sẽ giúp thành phố chủ động trong việc điều tiết hạ thấp mực nước ở các kênh rạch, cải thiện khả năng tiêu thoát nước đô thị và tạo cảnh quan môi trường cho khu vực, đã từng rơi vào nguy cơ “đắp chiếu”…

“Dự án chống ngập có xét tới yếu tố biến đổi khí hậu” (giai đoạn 1) với tổng kinh phí hơn 9.926 tỷ đồng, có tiến độ hoàn thành 36 tháng, từ năm 2016-2019. Sau đó lãnh đạo TP HCM chỉ đạo rút ngắn tiến độ xuống còn 22 tháng (đến ngày 30/4/2018). Tuy nhiên, dự án bị trễ hẹn do bị vướng giải tỏa mặt bằng, thời điểm thống nhất hoàn thành dự án chuyển thành cuối năm 2019.

 

20 năm nữa dân TP HCM có hết cảnh ngập lụt?

Theo ông Hồ Long Phi, chuyên gia về quản lý nước, quy hoạch thủy lợi chống ngập úng cho TP HCM, hệ thống thoát nước nói chung so với thời kỳ năm 2007-2008, hiện nay đã cho thấy là có hiệu quả.

“Trước đây, với những trận mưa bình thường đã ngập trên 150mm, song với trận mưa lớn lịch sử do ảnh hưởng của cơn bão số 9 lượng nước ngập vào khoảng 50mm, như vậy những hệ thống thoát nước được đầu tư đã ít nhiều cho thấy có hiệu quả”, ông Hồ Long Phi đánh giá.

“Giải pháp chống ngập cho TP HCM đòi hỏi đầu tư lâu dài, có thể mất từ 10-20 năm nữa với số tiền đầu tư không nhỏ. Vấn đề đô thị hóa đã làm bộc lộ nhiều dấu hiệu quá tải hạ tầng, trong đó có ngập lụt. Những khu vực đô thị mới lại hoàn toàn không có hệ thống thoát nước và trong tương lai đây sẽ là những điểm ngập. Đây là bức tranh chung của cả nước, từ TP HCM, tới Hà Nội, Nha Trang, Đà Nẵng, Ban Mê Thuột… cũng xuất hiện tình trạng ngập. Chỗ nào có đô thị hóa thì chỗ đó ngập. Vấn đề nằm ở cơ chế phát triển không đồng bộ khi đô thị hoá nhanh chóng không kiểm soát dẫn đến việc mặt bằng thoát nước và hệ thống thoát nước bị xâm hại, nên phát triẻn đô thị tới đâu là ngập tới đó”, ông Phi cho biết.

“Thành phố đã điều động các máy bơm nước song vẫn là chưa đủ để ứng phó. Nhiều trạm bơm hoạt động hết công suất và thậm chí là quá tải mà không thể cải thiện tình hình ngập lụt”

Ông Hồ Long Phi

 

Nhằm giảm thiểu tình trạng ngập trong mùa mưa năm nay, Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM đang tập trung triển khai công tác duy tu, sửa chữa, nạo vét hệ thống thoát nước tại các vị trí thường xuyên bị ngập.…

Ông Đỗ Tấn Long, Trưởng Phòng Quản lý hệ thống thoát nước thuộc Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP HCM cho biết: “Từ các nghiên cứu, từ đánh giá của các nhà chuyên gia khoa học thì chúng ta phải rà soát ưu tiên thực hiện những công trình để giải quyết điểm ngập trong khu đông dân cư, thí dụ như khu vực trung tâm thành phố là khu vực trọng điểm kinh tế-xã hội của thành phố thì chúng ta phải tập trung ưu tiên đầu tư trước. Sau đó giai đoạn tiếp theo sẽ đầu tư lan rộng ra, chúng ta có phân kỳ đầu tư theo từng giai đoạn để từng bước xóa ngập trên địa bàn thành phố”.

Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP HCM (Trung tâm chống ngập) ngày 23/11 vừa có văn bản đề xuất UBND TP chấp thuận dự án “Xây dựng hồ điều tiết ngầm bằng công nghệ Cross-wave (theo công nghệ Nhật Bản) khu vực TP HCM (giai đoạn 1)”.

Theo đề xuất, dự án với tổng mức đầu tư dự kiến 475,269 tỷ đồng để thực hiện xây dựng tổ hợp 7 hồ điều tiết với quy mô từ 1.500 – 20.000m3 tại 5 quận: Gò Vấp, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình và quận 10.

Để đảm bảo tiến độ thực hiện dự án trong năm 2019-2020, Trung tâm chống ngập kiến nghị UBND TP cho phép phối hợp với Sở Kế hoạch-Đầu tư, Sở Tài chính, Sở GTVT để đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020, hoàn thiện chủ trương đầu tư dự án và có thể báo cáo UBND TP trình trong đợt họp HĐND TP đầu tháng 12 tới./.

 
NGUỒN:  Theo Báo VOV.vn
Link bài: Thảm hoạ ngập lụt…
(https://magazine.vov.vn/20181127/ngaplut/index.html?fbclid=IwAR1WW8nu3N7Nuw-VKnsHMQuzAUwuW2uwakYZq5JXHPFfy8bdIXoDHlAzLjc)
Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *