Trần Quí Thanh
—–
Kính thưa bác Dr Thanh
Cháu muốn hỏi bác câu hỏi này lâu rồi nhưng cứ băn khoăn không biết có hỏi khó bác không. Số là cháu được cô thầy và bạn bè khen là người giàu ý tưởng. Nhưng thật đau buồn là cháu chưa một lần nào biến được ý tưởng thành hiện thực. Cháu phải làm sao đây thưa bác. Năm nay cháu đã 31 tuổi rồi, hu hu…
Kính chúc bác vui khoẻ ạ.
Lê Minh Nhàn Thi (Hà Nội): nhanthi_leminh1987@gmail.com
—–
Lê Minh Nhàn Thi mến!
Câu hỏi của cháu làm bác nhớ lại cái “Sàn ý tưởng” đã từng ra đời ở Sài Gòn cách đây hơn 10 năm. Ban đầu hoạt động sôi nổi lắm, nhiều người xuất hiện, đưa ra ý tưởng, được mọi người tán thưởng, đánh giá cao lắm. Nhưng dần dần, cái sàn đó bị sập, vì chẳng nên tích sự gì.
Vì sao vậy? Vì cái đích là hiệu quả thu nhận được, không phải là ý tưởng. Ai cũng có thể đưa ra ý tưởng, nhưng biến nó thành một cơ hội kinh doanh mang lại lợi nhuận thì không phải ai cũng làm được.
Đầu tiên là phải mạnh dạn bắt tay vào làm. Không làm mà chỉ nói thì anh có nói tới trời cũng vô nghĩa. Bác nói thiệt với cháu nhé, bác nghe nhiều anh nổ như bom về ý tưởng rồi, nghe quen quen, đến nỗi phát chán.
Khi bắt tay vào thực hiện một ý tưởng thì đó chỉ là sự bắt đầu, giống như ta gieo một hạt mầm xuống đất. Hạt mầm đó phải gieo đúng vùng đất tốt, phù hợp thổ nhưỡng của loại giống cây trồng, đúng mùa không được trái mùa sinh trưởng.
Không phải gieo là có thành quả để gặt hái, mà cần một quá trình chăm bón, nguồn nước, phân bón, đề phòng các loài sâu bệnh, làm cỏ, tỉa cành và nhiều công việc khác. Nếu làm thật tốt, thì mới đơm hoa kết quả.
Quá trình kinh doanh là vậy, phải tập trung hết tâm huyết, trí tuệ, chăm sóc từng công việc, từng hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phòng ngừa những rủi ro, khủng hoảng. Nghiên cứu thị trường, dự báo thị trường và nghiên cứu chính sách của chính phủ, sự phát triển vũ bão của công nghệ để có sự thay đổi phù hợp.
Trong từng giai đoạn phát triển kinh doanh, phải lắng nghe, học hỏi, tiếp thu cái mới để cải tiến, không nên khư khư bảo thủ ý tưởng cũ. Cuộc sống luôn thay đổi, cho nên có những ý tưởng của con người không phải bất biến. Nhiều doanh nhân bắt đầu xây dựng doanh nghiệp từ một ý tưởng, nhưng sau đó hoàn toàn thay đổi, vì họ biết thức thời.
Để thay đổi hoat động kinh doanh không chỉ thức thời mà còn có sức tưởng tượng vượt ra khỏi “không gian suy nghĩ” chật hẹp, mà nghĩ khác đi, nghĩ rộng ra, nghĩ xa hơn. Một ý tưởng nó sẽ chết nếu như nó không được vận hành cùng với các ý tưởng tiếp theo, liên tục, bổ sung giá trị để tạo ra giá trị mới.
Nhưng để thực hiện được những công đoạn sau, trước hết phải bắt tay vào hành động.
Cháu mạnh dạn hành động, đừng chần chừ nữa. “Tam thập nhi lập” mà cháu.
Trần Quí Thanh
(Hãy viết thư cho tôi: tranquithanh1953@gmail.com)