Khai thác hiệu quả các nguồn lực, xây dựng xã hội văn minh

Trần Quí Thanh

Không kịp thời đổi mới đường lối, chính sách là tự mình đánh mất những cơ hội thuận lợi để góp phần phát triển đất nước. Ảnh: Lê Anh Dũng, lời bình: VietNamNet

—–

Một vấn đề lớn được các nhà quản lý và các chuyên gia kinh tế đặt ra, đó là chúng ta còn có nguồn động lực nào để tăng trưởng. Chúng ta đã đi một nửa chặng đường của nhiệm kỳ, năm 2019 là năm chạy nước rút để kết thúc năm 2020 bằng một kết quả tốt đẹp, muốn như vậy thì phải khai thác được nguồn lực bằng chính sách phù hợp và hiệu quả. 

Nhìn lại bức tranh kinh tế xã hội trong năm qua, có thể khẳng định Chính phủ đã thực hiện tốt điều hành vĩ mô, đạt được các mục tiêu tăng trưởng và kìm chế lạm phát. Điều này, các chuyên gia kinh tế nói ví von là “món quà” cho năm sau.

Trong sự hứng khởi của cộng đồng doanh nghiệp và quyết tâm của Chính phủ, chúng ta có niềm tin vào sự phát triển mạnh mẽ hơn vào năm nay, có điều, phát triển phải ổn định, có chất lượng và mang tính bền vững.

Tui xin bàn đến hai nguồn lực sau:

Nguồn lực quan trọng nhất là tài nguyên con người, và đầu tiên là cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có một lực lượng khởi nghiệp đầy triển vọng. Đừng hô khẩu hiệu nữa, mà phải cách cách thể chế, minh bạch hệ thống văn bản, tinh gọn bộ máy, thiết kế chính sách mới để hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp. Đây là việc cốt tử để thúc đẩy phát triển, không thay đổi từ yếu tố căn bản này, không thể gọi là kiến tạo.

Nguồn lực thứ hai là tài nguyên thiên nhiên. Nhiều quốc gia không được thiên nhiên ưu đãi như Israel, Nhật Bản, nhưng họ có nguồn tài nguyên con người xuất sắc, nên mới xây dựng được đất nước cường thịnh. Việt Nam được thiên nhiên ban tặng nguồn tài nguyên vô giá, nếu biết khai thác hiệu quả, thì sẽ mang lại nguồn lợi rất lớn cho đất nước.

Tài nguyên thiên nhiên được lựa chọn làm chủ lực cho phát triển đó là tài nguyên biển. Chủ trương phát triển kinh tế biển là đúng đắn, việc còn lại là thực hiện. Có một thực tế mà chúng ta phải đối mặt là biển bị ô nhiễm trầm trọng, khai thác hải sản theo kiểu tận diệt, nuôi trồng hải sản manh mún và  lạc hậu.

Như vậy có nghĩa là chúng ta đã làm mất đi nguồn lực, và năm mới, phải nhanh chóng thay đổi, đưa công nghệ mới vào khai thác và nuôi trồng hải sản, đạt được hiệu quả kinh tế cao và bảo đảm an toàn môi trường. Làm giàu bền vững chỉ thuộc về các quốc gia thông minh, Việt Nam muốn thế giới nhìn mình là quốc gia thông minh hay ngược lại?

Cùng với việc khai thác hai nguồn lực trên, còn một yếu tố mang tính nền móng cho phát triển bền vững, đó chính là xây dựng một quốc gia mang tinh thần của công dân đạo đức. Một đất nước mà giềng mối đạo đức bị phá vỡ, thì không có bất cứ chính sách kinh tế nào có thể cứu vãn được sự suy thoái. Suy thoái kinh tế có thể khôi phục trong vài năm, nhưng suy thoái đạo đức thì không biết phải đến bao giờ mới cứu được.

Một quốc gia phát triển phải cân bằng hai lĩnh vực, kinh tế và văn hoá xã hội, trong văn hoá xã hội có đạo đức con người, trách nhiệm công dân.

Hy vọng năm 2019, chúng ta sẽ làm được nhiều việc hơn, khai thác được các nguồn lực và xây dựng một xã hội văn minh.

 

Sài Gòn ngày 1 tháng 1 năm 2019

Trần Quí Thanh

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *