Mục đích của lắng nghe là rút ra được điều lợi ích

Trần Quí Thanh

Nguồn hình: Internet

—–

Kính gửi bác Dr Thanh

Thưa bác, bố cháu vừa giao vị trí CEO cho cháu chưa đầy một năm nhưng cháu đã bị liên tục phê phán (cả sau lưng cả trước mặt) là cháu bảo thủ, không biết lắng nghe. Cả bố cháu cũng mắng cháu như thế.

Làm sao để trở thành người biết lắng nghe mà không phải người “đẽo cày giữa đường”? Làm sao để không bị phê phán là người bảo thủ mà vẫn giữ được bản lĩnh của mình?

Cháu tha thiết gửi bác hai câu hỏi này, mong bác chiếu cố trả lời.

Kính chúc bác muôn vàn sức khoẻ

Phạm Thiên Hương (Hà Nội): huonghamtido_1987@gmail.com

—–

Phạm Thiên Hương mến!

Ai cũng có thể hiểu rằng, nên lắng nghe người khác, nhưng có thực hiện được hay không lại là chuyện khác. Có ý thức lắng nghe là điều rất tốt, nhưng biết cách lắng nghe mới có hiệu quả, nếu không thì như cháu nói, chỉ là “đẽo cày giữa đường” mà thôi.

Người ta thường cũng lắng nghe, nhưng lại thích nghe lời thuận tai. Loại người này tạo cơ hội cho bọn nịnh nọt khua môi múa mép. Làm CEO, mà chỉ nghe toàn những việc hài lòng, cái gì cũng tốt, cũng được khen, thì giống như chuyện con ếch bị bỏ vào nồi nước, cứ đun nóng dần cho đến khi bị luộc chín mà không biết mình bị luộc.

Cho nên, biết lắng nghe trước hết là nghe những góp ý, phản biện, như người xưa nói “trung ngôn nghịch nhĩ”. Nếu cấp dưới nêu những sai sót, yếu kém trong quản lý điều hành của doanh nghiệp mà bị cấp trên quát lại, thì họ sẽ không bao giờ dám nói nữa.

Ngược lại, khi được lắng nghe và cho rằng đó là những thông tin, những ý kiến quý giá, thì nhiều người sẵn sàng trải lòng để nói sự thật. Một quốc gia cũng thế và một doanh nghiệp cũng thế, khi sự thật bị bưng bít, bị bóp méo thì sinh loạn và sinh họa.

Đó là bản lĩnh dám nghe lời trái tai.

Nhưng biết lắng nghe là vô cùng quan trọng, đừng nghĩ đó chỉ là nghệ thuật để làm vui lòng người nói, mà là một kỹ năng quan trọng của người lãnh đạo.

Trước hết, nếu muốn cấp dưới hay người khác góp ý, thì mình phải chủ động đưa ra lời đề nghị. Nếu CEO không cần nghe ai nói hay không đưa ra tín hiệu muốn mọi người đóng góp ý kiến thì sẽ không mấy ai mạnh dạn nói.

Chuẩn bị một không gian trò chuyện thoải mái, gần gũi, để cấp dưới  tự tin trình bày. Nếu để họ căng thẳng vì thấy khoảng cách giữa sếp với họ quá xa, thì họ sẽ không nói thật lòng hoặc nói hết suy nghĩ của họ.

Khi tiếp xúc trò chuyện, nhiều người cho rằng chỉ nên im lặng lắng nghe người nói và tỏ vẻ đồng tình để khích lệ. Theo bác điều này không tốt vì đó là nghe cho qua chuyện, mất thì giờ cho cả hai bên.

Là CEO, trước khi tiếp xúc với một nhà tư vấn hay cấp dưới để trao đổi một vấn đề nào đó, cháu phải tìm hiểu, nghiên cứu nội dung của đề tài sẽ được đặt ra. Sau đó, nghe thật kỹ người góp ý, chỗ nào chưa rõ nên hỏi lại, chỗ nào chưa thông đề nghị người nói cung cấp thêm thông tin. Cháu cũng có thể đặt ra câu hỏi, chất vấn, phản biện, để người nói có cơ hội làm sáng tỏ hơn vấn đề.

Khi đặt câu hỏi hay phản biện, đừng lấy tư thế của người trên để áp đặt suy nghĩ, mà tỏ thái độ tôn trọng, cầu thị, sẵn sàng lắng nghe, khi đó người nói mới thấy thoải mái, tin tưởng để nêu quan điểm cá nhân.

Không chỉ nghe bằng tai mà phải nghe bằng mắt, vì mỗi người đều có ngôn ngữ thân thể. Nếu cháu nhìn thẳng vào mắt người nói, họ sẽ thấy cháu đang nghe một cách tập trung, và cũng qua đó, cháu có thể quan sát để nắm bắt được câu chuyện họ nói để nhận định, phân tích. Đôi lúc, ngôn ngữ thân thể còn nói nhiều hơn chính lời nói.

Mục đích của lắng nghe là để rút ra được điều gì có có lợi ích, không phải để làm hài lòng nhau. Cháu hãy nhớ như vậy nhé.

Chúc cháu thành công.

 

Trần Quí Thanh

(Hãy viết thư cho tôi: tranquithanh1953@gmail.com)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *