Chỉ cách thành phố Huế chưa đầy 50km, bạn và bạn bè có thể cùng nhau có một chuyến picnic cuối tuần tại đây với đồ đạc đơn giản, lịch trình ngắn gọn nhưng vẫn đầy trải nghiệm mới mẻ chỉ trong một ngày cuối tuần.
Chỉ nên đi Bạch Mã vào mùa hè, trời nắng to. Dù ở Huế nóng 39 – 40 độ C, Bạch Mã cũng chỉ 25 – 27 độ C thôi, mát mẻ vô cùng. Mùa mưa ở Bạch Mã nhiều vắt lắm!
Bạn cần gì để đi Bạch Mã?
1. Một team tầm 7 – 10 người để tiết kiệm chi phí thuê ô tô đi từ cổng Vườn quốc gia lên Hải Vọng Đài, thứ hai là để cùng nhau băng rừng vượt suối, đi đông chút mới vui.
Đi từ cổng lên đỉnh chỉ có 2 cách: đi bộ hoặc ô tô (xe máy bị cấm trong khu vực vườn quốc gia, vì đường đèo đi rất khó kiểm soát và nguy hiểm). Nếu bạn đủ sức khỏe, có thể đi bộ lên. Quãng đường gần 20km, đường đèo dốc, không khí loãng, rất khó thở, nên phải thận trọng khi chọn phương án này. Để đi kiểu này, bạn phải tốn ít nhất 2 ngày, không thể kịp lên, đi tham quan và đi xuống ngay trong ngày.
Con đường ôm sát núi
2. Trang phục: áo dài tay, quần dài, giày đi bộ, tất dài, mũ đội đầu, áo mưa. Rừng nguyên sinh ở Bạch Mã nhiều ký sinh trùng, đặc biệt là những ngày mưa, vắt bò lổm nhổm như kiến nên tốt nhất là mặc kín người để tránh bị đốt, nếu thấy có nguy cơ thì tốt nhất là nhét hẳn gấu quần vào trong tất (lí do nên mang tất dài). Thêm nữa là trên đỉnh nắng mưa thất thường, mưa rừng cũng cực kỳ to nên phải có áo mưa dự phòng bất cứ lúc nào.
3. Thức ăn, nước uống: Nên mang theo đồ ăn nhẹ, nước uống mỗi người khoảng 2 chai 350ml.
4. Thuốc: thuốc sát trùng, bông băng phòng trường hợp bị xây xát, côn trùng cắn.
5. Người dẫn đường: tốt nhất là nên có một người dẫn đường, hoặc tối thiểu là một người có kinh nghiệm đi đường rừng, đừng nhắm mắt đi đại vì bạn sẽ phải mò mẫm trong các tuyến đường mòn giữa rừng rất lâu.
6. Chi phí: Chỉ khoảng 200.000 – 300.000/người là thoải mái đi từ sáng đến tối.
Đường lên đỉnh Bạch Mã
Lên đường thôi!
Chuyến đi nên khởi hành từ Huế tầm 6h, đến cổng vườn quốc gia lúc hơn 7h để chuẩn bị lên xe chuyến 7h30 vào vườn là thời gian lý tưởng: nắng chưa nhiều, không khí còn mát mẻ. Bạn nhớ mua vé và nhờ nhân viên bán vé gọi xe giúp, loại xe 12 chỗ.
Bạn có thể thoải mái ngắm rừng núi bạt ngàn 2 bên đường từ trên xe, băng qua những đèo dốc quanh co uốn lượn trên quãng đường gần 20km, nhiều chỗ ngoặt khá gấp nên cảm giác sẽ cực kỳ lí thú. Dọc đường đi có rất nhiều dinh thự cổ kiểu Pháp, có thể dừng lại check in.
Lên điểm cao nhất xe ô tô có thể tới, bạn phải đi bộ thêm một quãng ngắn nữa để tới Hải Vọng Đài – điểm cao nhất của Bạch Mã. Từ đây, bạn có thể phóng tầm mắt ngắm trọn vẹn đầm Cầu Hai với khung cảnh vô cùng thoáng đãng, hoặc đưa tay hứng được cả đám mây.
Từ Hải Vọng Đài, bạn đường mòn xuyên rừng, hoặc đi ngược trở lại để đến Ngũ Hồ. Nên đi đường mòn để ngắm cỏ cây hoa lá và nhiều điều thú vị của Bạch Mã, với nhiều loài cây lạ, động vật hiếm gặp, lắng nghe tiếng chim thú vang cả rừng xanh.
Thác Đỗ Quyên
Thường bạn sẽ tới Ngũ Hồ tầm đầu giờ trưa, sau khi băng qua mấy km đường rừng, dốc núi và có thể nghỉ ngơi ăn trưa. Nhớ gom rác lại mang đi chứ đừng vứt lung tung dọc đường nhé. Ngũ Hồ bao gồm 5 hồ lớn nhỏ nối thông nhau với làn nước trong như ngọc. Nước ở đây lạnh lắm, nếu chưa chuẩn bị, tốt nhất đừng dại dột nhảy xuống.
Sau khi nghỉ trưa, đi thêm một đoạn đường mòn ngắn gọc theo bờ suối nữa là đến thác Đỗ Quyên, như một dải lụa trắng mềm mại trên vách núi. Người sợ độ cao đừng nên ra gần khu vực mép vách núi. Bạn nào ưa trải nghiệm có thể đi từ đỉnh thác xuống chân thác. Đường rất dốc, cực mệt, bạn nên cân nhắc nhé.
15h, các bạn có thể đi theo đường mòn trở lại bãi xe, hẹn xe chờ sẵn ở đó và xuống núi, hoàn thành một ngày tận hưởng không khí mát lành thanh ngọt ở Bạch Mã!