Nước mắm hay nước chấm?- Đánh đồng khái niệm ‘nước mắm’ để tránh bị kiện?

Hoài Thanh/ Báo Zing.vn

 

Nhiều chuyên gia cho rằng với dự thảo này, nước mắm đang bị đánh đồng với nước chấm. Ảnh: Đình Hòa.

—–

Luật sư Thư cho rằng quy định này trong dự thảo đang mở ra một khái niệm mà có thể để doanh nghiệp nước mắm công nghiệp tránh bị kiện theo quy định của pháp luật cạnh tranh.

Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) vừa công bố dự thảo tiêu chuẩn Việt Nam quy phạm thực hành sản xuất nước mắm (Dự thảo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN -12607:2019).

Mặc dù sáng 12/3, thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc xác nhận với báo chí việc tạm dừng thẩm định dự thảo trên, các chuyên gia và nhà sản xuất nước mắm truyền thống vẫn cho rằng vì sao lại soạn thảo bộ tiêu chuẩn có nhiều nội dung gây gây tranh cãi và gây thiệt hại cho nhà sản xuất nước mắm truyền thống như thế.

Nội dung khiến nhiều người phản đối nhất là việc dự thảo chỉ phân thành 2 loại là nước mắm nguyên chất và nước mắm. Trong khi đó, trên thị trường đang tồn tại 2 loại sản phẩm là nước mắm truyền thống và nước mắm công nghiệp, còn gọi là nước chấm. Nội dung thứ hai trong dự thảo cũng gây khó hiểu khi trong nước mắm truyền thống chỉ có cá biển và muối lại bị yêu cầu kiểm soát thuốc thú y và thuốc bảo vệ thực vật.

Nước mắm hay nước chấm?

Theo luật sư Trần Thu Nam (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), cơ quan soạn dự thảo cần phải có định nghĩa cụ thể thế nào là nước mắm? Nước mắm theo cách hiểu thông thường là chất nước rỉ từ cá, tôm và một số động vật nước khác được ướp muối lâu ngày.

Còn nếu bất kỳ loại nước nào không theo cách thức như vậy thì cần phải có định nghĩa khác (nước chấm, nước gia vị, nước tương,…).

“Cần có quy định về tên gọi để tránh nhầm lẫn. Nếu nước chấm sản xuất công nghiệp giống như nước mắm mà lại gắn tên là nước mắm thì có vẻ đánh tráo khái niệm. Đặc biệt là có hình con cá trên đó thì có dấu hiệu gian dối”, luật sư Nam nhận định.

Có cùng quan điểm này, luật sư Trần Đình Dũng (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết khi đưa vào trong luật thì pháp luật phải bảo vệ khái niệm “nước mắm” vốn được thừa nhận lâu nay.

“Pháp luật đưa vào khái niệm nước mắm cần giải thích khái niệm này. Nước không được chiết ra từ cá mắm muối lâu ngày mà có tính chất tương tự như nước mắm thì phải đưa vào khái niệm mới chứ không thể gọi là nước mắm được. Điều này để tránh việc lầm lẫn với nước mắm”, luật sư Dũng nói.

Tiêu chuẩn phù hợp cho nước mắm công nghiệp

Là một trong những người có mặt tại hội thảo, chuyên gia ATTP Vũ Thế Thành đánh giá dự thảo không lưu ý đến những cách làm khác nhau giữa các vùng miền, đưa ra một quy trình chung chung, đưa ra những khuyến nghị thực hành về an toàn thực phẩm không thực tế.

Theo chuyên gia này, tùy điều kiện thời tiết khí hậu và nguồn cá mà mỗi vùng miền có cách làm nước mắm khác nhau. Cách làm ở miền Nam khác hoàn toàn với miền Trung và miền Bắc, nơi có những tháng lạnh không thuận lợi cho lên men, người ta phải chượp muối thành nhiều lần, và đánh khuấy cá cho nát ra để dễ lên men, nếu không làm thế thì không ra được nước mắm.

Ông cho rằng nước mắm truyền thống có độ mặn rất cao, chẳng có vi khuẩn gây bệnh nào sống nổi. Các bào tử của vi khuẩn Clostridium botulinum chưa chắc đã tồn tại nổi trong điều kiện mặn như thế. Do đó, theo chuyên gia Vũ Thế Thành, cần phải có khảo sát thực tế trước khi đưa ra nhận định như thế. Nước mắm truyền thống có hàng trăm năm nay, mỗi người hàng ngày nhiều lắm cũng chỉ dùng 2 muỗng nước mắm là nhiều. Cũng chưa thấy ghi nhận ai ăn nước mắm mà bị ngộ độc cả.

“Dù tiêu chuẩn không có tính bắt buộc, nhưng đây là tiêu chuẩn quốc gia, doanh nghiệp cả nước dựa vào đó để tham khảo. TCQG mà đưa ra những khuyến nghị thiếu thực tế như thế thì ai mà tham khảo. Các khuyến nghị của dự thảo chỉ thích hợp với làm nước mắm công nghiệp”, ông Thành nêu quan điểm.

“Mỗi người hàng ngày nhiều lắm cũng chỉ xài 2 muỗng nước mắm là nhiều. Cũng chưa thấy ghi nhận ai ăn nước mắm mà bị ngộ độc cả”, chuyên gia ATTP Vũ Thế Thành nói. Ảnh: Zing.vn.

Là người có nhiều năm gắn bó với ngành thủy sản và sản xuất nước mắm, TS. Trần Thị Dung, nguyên cán bộ Bộ Thủy sản (được sáp nhập vào Bộ NN&PTNT hiện nay), cho rằng không cần thiết đưa vào yêu cầu kiểm soát thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật. Bởi vì chỉ có cá nuôi mới sử dụng thuốc thú y và bị dư lượng thuốc BVTV do sử dụng trong phòng chữa bệnh cho cá, trong khi nước mắm từ lâu nay chủ yếu làm bằng cá biển, dùng các loài cá nổi, di cư theo đàn, nên nguy cơ ô nhiễm hầu như không có.

“Tôi rất muốn hỏi nhóm soạn thảo có biết nước mắm ở đâu làm từ cá nước ngọt và khi đi khảo sát để xây dựng tiêu chuẩn này, họ có kết quả kiểm nghiệm nước mắm làm từ cá nước ngọt nhiễm dư lượng các chất này không, nhưng tôi không có cơ hội để hỏi”, vị tiến sĩ nói.

Có quyền khởi kiện?

“Thực ra, câu chuyện ‘nước mắm’ hay ‘nước chấm’ từ lâu đã không còn ai bàn tới nữa, vì có bàn hay không thì hàng loạt các loại nước mắm công nghiệp đã nằm sẵn trên kệ siêu thị, cùng với nước mắm truyền thống, bà nội trợ không còn phân biệt được đâu là nước mắm theo công nghệ hóa chất và đâu là nước mắm do ủ cá theo đúng quy trình truyền thống. Vậy vì sao cơ quan quản lý lại đưa vào quy trình sản xuất gây phản ứng?”, luật sư Huỳnh Công Thư (Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Long An) đặt vấn đề.

Luật sư Thư cho rằng quy định này trong dự thảo đang mở ra một khái niệm mà có thể để doanh nghiệp sản xuất nước mắm công nghiệp né tránh bị kiện theo quy định của pháp luật cạnh tranh.

Theo quy định của Luật cạnh tranh 2018 về xác định các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, cụ thể Điều 45 quy định hành vi bị cấm gồm việc lôi kéo khách hàng bất chính bằng các hình thức sau đây: Đưa thông tin gian dối hoặc gây nhầm lẫn cho khách hàng về doanh nghiệp hoặc hàng hóa, dịch vụ, khuyến mãi, điều kiện giao dịch liên quan đến hàng hóa, dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp nhằm thu hút khách hàng của doanh nghiệp khác; so sánh hàng hóa dịch vụ cùng loại của doanh nghiệp mình với hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp khác nhưng không chứng minh được nội dung.

Nước mắm thường làm trong chum, vại màu đơn sắc thì với dự thảo này buộc phải đựng trong vật dụng sáng màu. Ảnh: Đình Hòa.

Cũng theo quy định của luật Cạnh tranh, tổ chức, cá nhân phát hiện hành vi cạnh tranh không lành mạnh của tổ chức cá nhân khác làm thiệt hại đến quyền lợi của mình, có quyền khiếu nại lên Ủy ban cạnh tranh quốc gia (UBCTQG) trực thuộc Bộ Công Thương.

Như vậy, luật sư Thư cho rằng bên bị thiệt hại, Hiệp hội nước mắm truyền thống là bên có quyền nộp đơn lên UBCTQG để yêu cầu xử lý hành vi cạnh tranh không lành mạnh.

“Bên cạnh đó, với tôn chỉ, mục đích của mình, các Hiệp hội nước mắm truyền thống phải có tiếng nói với cơ quan quản lý Nhà nước về tên gọi, thành phần, quy chuẩn của nước mắm truyền thống để tránh diễn dịch sai, không có lợi cho các thành viên của mình”, Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư Long An nêu.

 

Nguồn: Báo Zing

Link bài: Nước mắm hay nước chấm?….

(https://news.zing.vn/danh-dong-khai-niem-nuoc-mam-de-tranh-bi-kien-post924285.html)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *