Trần Quí Thanh
—–
Kính gởi anh Thanh.
Thưa anh, em tên Lê Huyền, doanh nhân Sài Gòn, thua anh chừng 30 tuổi lận, có điều không thích gọi anh bằng chú, hi hi.
Em thấy blog của anh hay giải đáp các vấn đề kinh tế, xã hội, đặc biệt là doanh nghiệp và khởi nghiệp. Hay lắm anh ạ.
Nay em gởi tới anh vấn đề này: Như báo TBKTSG nói đó anh, nhiều doanh nghiệp (có lẽ là tất cả!) có chung một câu hỏi, đó là làm thế nào để tham gia vào công cuộc chuyển đổi số trong khi trí tuệ nhân tạo không phải ai cũng có thể nắm bắt rõ bởi vì nó quá rộng, quá nhiều dữ liệu “số” cần giải mã. Mà nghe nói nếu không chuyển đổi số thì doanh nghiệp sẽ chết dần chết mòn. Nghe dễ sợ.
Ý kiến của anh về vấn đề này thế nào ạ?
Chúc anh mạnh giỏi.
Lê Huyền (Sài Gòn): huyenlegiaxitin@gmai.com
—–
Lê Huyền mến!
Thuật ngữ cách mạng công nghiệp lần thứ tư, công nghệ 4.0 “nhập khẩu” vào Việt Nam và được sử dụng rộng rãi mấy năm nay, nhưng anh bảo đảm với em nó chưa thực sự đi vào đời sống mà hô khẩu hiệu là chính.
Các quan chức nói nhiều đến công nghệ 4.0, nhưng chắc không mấy người hiểu nó là cái gì? Có điều, quan chức không biết thì chẳng sao cho cá nhân họ, còn chủ doanh nghiệp không biết thì doanh nghiệp toi.
Trí tuệ nhân tạo (AI), robot thế hệ mới, công nghệ sinh học, nano vật lý, tất cả các giá trị của thời kỳ cách mạng này sẽ làm thay đổi thế giới rất khủng khiếp. Muốn đừng bị lạc hậu, bị bỏ lại bên vệ đường văn minh thì trước các chủ doanh nghiệp phải tập trung tìm hiểu về cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phải nắm vững những kiến thức căn bản, then chốt để nhận thức lại, đổi mới tư duy. Không hiểu nó là gì thì biết gì để làm.
Mỗi doanh nghiệp có quy mô hoạt động và sản phẩm riêng, và tuỳ theo thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh để khai thác công nghệ phù hợp. Tư duy và tầm nhìn, tầm nhận thức của chủ doanh nghiệp là vô cùng quan trọng, còn bắt tay vào thực hiện sẽ có chuyên gia.
Anh lấy ví dụ, Ông Phạm Nhật Vượng có tầm nhìn xa rộng nên lập ra Viện dữ liệu lớn (Big Data), còn điều hành về khoa học thì mời GS Toán học Vũ Hà Văn.
Một doanh nghiệp khác cũng vậy, hãy đặt ra mục tiêu, chiến lược về số hoá, công nghệ hoá, còn chuyên môn thì mời chuyên gia. Lĩnh vực trí tuệ nhân tạo quá mới trên thế giới, ở Việt Nam càng khan hiếm chuyên gia, cho nên phải tính ngay từ bây giờ may ra mới kịp.
Người ta nói không theo kịp công nghệ thì “chết dần chết mòn”, anh xin nói thêm là có thể chết đột tử.
Anh lấy thêm ví dụ nhé, máy ảnh kỹ thuật số ra đời thì gã khổng lồ Kodak chết ngay lập tức không kịp trăn trối.
Chúc em thành công.
Trần Quí Thanh
(Hãy viết thư cho tôi: tranquithanh1953@gmail.com)
—–
Bài tham khảo
Chuyển đổi số trong doanh nghiệp, khó nhất là thay đổi tư duy
(https://www.thesaigontimes.vn/286755/chuyen-doi-so-trong-doanh-nghiep-kho-nhat-la-thay-doi-tu-duy.html)