Như Dân trí đã đưa tin, tuần trước, trong buổi công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2018 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức, cơ quan này công bố kết quả điều tra về môi trường kinh doanh: 58% doanh nghiệp trả lời vẫn bị nhũng nhiễu và 54% vẫn phải trả phí “bôi trơn”. Vì sao chống tham nhũng càng mạnh mà tỷ lệ này còn cao như vậy?
Ai cũng biết, trong mấy năm nay, đã có hàng chục “đại án” tham nhũng được đưa ra xét xử, hàng loạt các bộ cấp cao “dính chàm” từ Trung ương đến địa phương… bị bắt giữ, điều tra, nhiều người đã nhận và đang chấp hành những mức án rất nặng.
Cùng với đó, là cả chiến dịch đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực trên nhiều lĩnh vực, nhiều bộ, ngành, nhiều địa phương. Có thể nói, chưa thời kỳ nào, công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng diễn ra quyết liệt, rộng khắp đến như vậy.
Tuy nhiên, rất đáng ngạc nhiên, cuối tuần qua, ngày 29.3, trong buổi lễ công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2018- một chỉ số từ lâu được Chính phủ đánh giá cao để nhìn nhận, đánh giá môi trường kinh doanh, hiệu quả các chính sách, hoạt động điều hành kinh tế ở các tỉnh, VCCI- đơn vị tổ chức cũng đã công bố kết quả khảo sát, điều tra ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp. Cụ thể, qua điều tra, lấy ý kiến của hàng chục ngàn doanh nghiệp, có tới 58% doanh nghiệp trong nước trả lời vẫn bị nhũng nhiễu và 54% vẫn phải trả phí “bôi trơn”.
Đây là điều đáng ngạc nhiên. Bởi vì, lẽ thường, chống tham nhũng, tiêu cực trong bộ máy càng mạnh thì tình trạng tham nhũng, nhũng nhiễu doanh nghiệp phải giảm xuống mới đúng chứ. Bởi vì dù sao, đó cũng là một trong những mục đích chính của việc đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng.
Thực ra, so với tỷ lệ doanh nghiệp cho biết đã phải “bôi trơn” khi làm việc với cơ quan công quyền năm 2017 thì tình trạng nhũng nhiễu, đòi phí “bôi trơn” cũng đã giảm. Nhưng tỷ lệ giảm cũng không nhiều: Năm 2017, tỷ lệ doanh nghiệp cho biết phải trả các chi phí không chính thức là 59%. Việc giảm chỉ vài % so với trước đó một năm tuy cũng đáng mừng nhưng đó chưa phải là sự thay đổi về bản chất.
Tất nhiên, không thể nói là việc đưa ra ánh sáng, xử lý hàng loạt “đại án” tham nhũng chưa hiệu quả mà rất hiệu quả, được lòng dân, ai cũng đã rõ rồi. Nhưng có lẽ, chiến dịch “đốt lò” ấy vẫn chưa lan tỏa thực sự sâu rộng đến từng địa phương, từng ngành cụ thể và cùng với đó, vẫn chưa có một cơ chế phòng, chống tham nhũng, nhất là dạng tham nhũng “vặt” để giảm bớt khó khăn cho khối doanh nghiệp.
Bất chấp những cảnh báo từ các vụ án lớn, vẫn có một thành phần không nhỏ trong đội ngũ cán bộ, công chức trong hoạt động tiếp xúc, giải quyết thủ tục, cấp phép… cho người dân, doanh nghiệp kinh doanh hàng ngày cố tình nhũng nhiễu, đòi hỏi những khoản “lót tay”, “bôi trơn”. Và chính vì vậy, tỷ lệ DN được phát phiếu điều tra vẫn cho biết phải chi tiền “bôi trơn” mới xong việc còn khá cao cũng là một thực tế không thể phủ nhận và cần thêm những giải pháp khác.