Giảm chi phí tuân thủ pháp luật là khoan thư sức dân

Trần Quí Thanh

Nguồn hình:  Báo TBKTSG

—–

Người dân, doanh nghiệp Việt Nam đang sống trong một xã hội nghị định và thông tư, chưa kể nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác. Cứ thêm một quy định, thì bắt buộc các đối tượng chịu sự điều chỉnh của quy định đó phải tuân thủ, và khi tuân thủ thì phải mất hai thứ, một là thời gian, hai là chi phí.

Có không ít doanh nghiệp, khi cầm giấy phép trong tay, phải mất cả năm, thậm chí vài năm trời, đi qua nhiều cửa, tích đủ mấy chục con dấu. Vì sao vậy, đó là vì phải tuân thủ pháp luật.

Các nước văn minh luôn nghiên cứu để hạn chế tối đa các quy định để giảm chi phí tuân thủ pháp luật cho người dân, doanh nghiệp. Nhà nước vẫn đảm bảo quản lý xã hội tốt, chặt chẽ, nhưng lại không ảnh hưởng tới các hoạt động của doanh nghiệp. Về vấn đề này, Singapore là quốc gia giải quyết tốt nhất, đó cũng là lý do tại sao đất nước này phát triển.

Các nghị định, thông tư được ban hành và từ đó sinh ra các loại giấy phép con, còn gọi là điều kiện kinh doanh. Doanh nghiệp thực hiện theo quy định sẽ bị phát sinh chi phí tuân thủ pháp luật. Cải cách hành chính, cắt giảm các điều kiện kinh doanh là một cách cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật cho doanh nghiệp. Đây là mục tiêu mà Chính phủ đang hướng tới. Năm 2018 các bộ ngành thực hiện chưa dạt chỉ tiêu đưa ra, hy vọng năm nay sẽ quyết toán sòng phẳng phần còn lại.

Theo kinh nghiệm của các nước, để không phát sinh chi phí tuân thủ pháp luật, thì khi ban hành một quy định mới, chính ngành đó phải hủy bỏ một quy định cũ. Thậm chí, chú trọng nghiên cứu để bãi bỏ nhiều quy định cũ càng nhiều càng tốt. Việt Nam đang tiệm cận với xu hướng văn minh này, hy vọng trong vài năm tới, sẽ bắt kịp các nước Canada, Singapore, Malaysia.

Với sự phát triển của công nghệ thông tin hiện nay, cùng với cách mạng công nghiệp lần thứ tư, công nghệ 4.0, sẽ hỗ trợ cho các Chính phủ quản lý xã hội qua chính quyền điện tử, số hóa. Vậy thì, việc giải tỏa bớt các quy định để “thông thoáng” hành lang pháp lý là điều hoàn toàn có thể.

Thực ra, về mặt kỹ thuật, việc giải tỏa đó không khó. Nhưng cái khó chính là chỗ còn tồn tại tư duy phải đặt ra quy định để buộc doanh nghiệp rơi vào thế xin – cho. Toan tính lợi ích của bộ phận quan chức, hệ thống quản lý luôn là lực cản của phát triển.

Ngày xưa, Trần Quốc Tuấn nói “Khoan thư sức dân để làm kế bền gốc, sâu rễ, đó là thượng sách giữ nước”. Ngày nay, có thể vận dụng tư tưởng đó vào trong thời đại chúng ta, sức dân ở đây là sức doanh nghiệp, là bớt đi những áp lực chi phí tài chính, để doanh nghiệp có tích lũy, tái đầu tư, kinh doanh sản xuất. Dân giàu nước mới mạnh, mạnh mới giữ được nước, mạnh thì thiên hạ mới không dám ăn hiếp.

 

Sài Gòn ngày 14/05/2019

TQT

Bài đọc thêm, Link: Để giảm chi phí tuân thủ pháp luật: Thêm mới thì phải bớt cũ

(https://www.thesaigontimes.vn/288553/De-giam-chi-phi-tuan-thu-phap-luat-Them-moi-thi-phai-bot-cu.html)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *