Tại sao không làm ông chủ mỏ vàng mà làm thợ đào vàng thuê?

Trần Quí Thanh

Nguồn hình: Internet

—–

Kính gửi bác Trần Quí Thanh

Trước hết cảm ơn bác đã cho chúng cháu những bài học quí giá về khởi nghiệp và nhiều vấn đề quan thiết khác của doanh nghiệp tư nhân trong blog của bác. Sau nữa xin bác giảng giải cho những xu hướng chiến lược kinh doanh hiện nay trên thế giới. Theo bác xu hướng nào là đáng chú ý nhất dành cho quản trị của các start up ở nước ta?

Kính mong bác trả lời.

Kính chúc bác vạn an

Lê, Ngọc, Oai, Lành (Hà Nội): bankhoinghiep_hanoi2011@gmail.com

—–

Lê, Ngọc Oai, Lành mến!

Ở đây hai câu trả lời cho hai vấn đề các cháu đặt ra.

Một là xu hướng kinh doanh, hai là quản trị.

Gần đây, các cháu theo dõi ở các Diễn đàn kinh tế quốc tế được tổ chức tại Việt Nam, sẽ thấy các nhà lãnh đạo cũng như chuyên gia kinh tế lớn đến từ các quốc gia đều đưa ra lời khẳng định về một nền kinh tế 4.0, cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Vậy thì đã quá rõ, các start up nên chọn con đường này, hãy mạnh dạn dấn thân để tạo ra những sản phẩm công nghệ, hoặc là áp dụng công nghệ tối đa trong sản xuất kinh doanh.

Người Việt Nam thông minh, các bạn trẻ tiếp cận với công nghệ rất nhanh. Hiện nay, có nhiều kỹ sư công nghệ người Việt đang làm việc cho những tập đoàn công nghệ lớn của Mỹ và nhiều quốc gia khác. Trong nước, một lực lượng kỹ sư công nghệ cực giỏi đang làm việc cho các công ty sản xuất phần mềm hoặc sản phẩm công nghệ của các nước.

Câu hỏi đặt ra là tại sao chúng ta biết đó là mỏ vàng, nhưng không tự mình đi làm chủ một mỏ vàng để khai thác, mà chỉ đi làm thợ đào vàng thuê.

Hãy thoát ra vùng an toàn của mình, cùng nhau khởi nghiệp, tạo dựng thương hiệu, làm ra những sản phẩm cho chính mình. Sản phẩm nano, trí tuệ nhân tạo, robot thế hệ mới đều là những thử thách trí tuệ của các bạn trẻ Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền Thông Nguyễn Mạnh Hùng đưa ra khái niệm “Make in Việt Nam” và lý giải: sáng tạo tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam, làm ra tại Việt Nam.

Trong đó, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng còn phân tích cụ thể hơn về loại doanh nghiệp start up sáng tạo ra cái mới đầy “bất ngờ và kinh ngạc”, và loại doanh nghiệp đưa được công nghệ của thế giới đem áp dụng sáng tạo tại Việt Nam. Các start up nên tìm cơ hội trong lĩnh vực này.

Về quản trị, với doanh nghiệp công nghệ, thì quản trị đương nhiên là công nghệ, không ai áp dụng quản trị thủ công cho một công ty sản xuất kinh doanh công nghệ phải không các cháu?

Với các quốc gia tiên tiến như Mỹ, Anh, các công ty quản trị đa quốc gia, sử dụng con người cũng như dịch vụ theo outsourcing (thuê ngoài), hoặc sang các nước có thị trường lao động giá rẻ hơn, trong đó bao gồm cả lao động có hàm lượng chất xám cao.

Quản trị doanh nghiệp cũng hướng đến tư duy hội nhập, tư duy toàn cầu. Thế giới phẳng, nơi nào, cách nào thuận lợi và có hiệu quả hơn thì làm.

Chúc các cháu thành công

 

Trần Quí Thanh

(Hãy viết thư cho tôi: tranquithanh1953@gmail.com)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *