Tư duy nào đang tàn phá hệ sinh thái của Việt Nam?

Kim Yến/ Báo The Leader
GS. Phan Văn Trường chia sẻ với hơn 500 startup trẻ trong một sự kiện được tổ chức tại TP. HCM

GS. Phan Văn Trường cho rằng, tư duy làm giàu bằng mọi giá chính một trong những nguyên nhân đang tàn phá hệ sinh thái của Việt Nam.

7 điều kiện để khởi nghiệp thành công

Chia sẻ với hơn 500 startup trẻ tại một sự kiện do CLB Quản trị và Khởi nghiệp tổ chức tại TP. HCM, đề cập đến chân dung cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam, GS. Phan Văn Trường đưa ra một số đặc điểm: “Số đông khởi nghiệp có sản phẩm mới, thu hút nhưng chưa được thử nghiệm trên thị trường. Có chút vốn, sẵn sàng đi vay và không ý thức được cần bao nhiêu vốn. Có một hai người bạn sẵn sàng đồng hành nhưng chưa kịp xác nhận với nhau là có chung ý tưởng. Muốn vội vàng khởi nghiệp vì sợ ý tưởng, sản phẩm xuất sắc của mình sẽ lỗi thời. Chưa biết rõ đối thủ cạnh tranh nhất là chính sách đa dạng hoá sản phẩm của các đại gia. Không có đội nhóm làm việc chung…”.

So sánh với chân dung cộng đồng khởi nghiệp ở Mỹ, ông Trường cho biết, với cộng đồng khởi nghiệp ở Mỹ, ý tưởng có ngay từ đầu nhưng chỉ đầu tư phát triển sản phẩm sau khi chọn thị trường ngách có nhu cầu đã được xác thực. Chiến lược tạo giá trị rõ ràng cho ai, bán giá trị đó như thế nào, rồi mới tính vốn khả thi. Mô phỏng mô hình kinh doanh trong từng chi tiết với những thông số sẽ được an toàn hoá. Ước lượng được toàn cảnh những rủi ro, xếp hạng các rủi ro chấp nhận được và không chấp nhận được. 

Trong khi ở Việt Nam, không chỉ người khởi nghiệp mà cả những đại gia dù lường trước rủi ro không thể chấp nhận được, nhưng họ vẫn cứ làm.

GS. Phan Văn Trường là chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đàm phán quốc tế và là cố vấn của Chính phủ Pháp về thương mại quốc tế. Ông đã được Tổng thống Pháp trao tặng Huy chương Hiệp Sĩ Bắc Đẩu Bội Tinh (Chevalier de la Légion d’Honneur) năm 2007.

Ở Mỹ, các startup có hợp đồng đối tác chiến lược rõ ràng, luật chơi nội bộ cũng rõ ngay từ đầu, tinh thần làm việc rõ, ly dị là một giả định bình thường. Trong khi Việt Nam thường tránh điều đó khi là bạn thân của nhau. 

Ở Mỹ, họ thà là kẻ thù của nhau lúc thương thuyết mà sau đó sẽ làm việc mãi mãi với nhau. Hợp đồng chiến lược có khi phải làm như kẻ thù, có biểu đồ làm việc về thời gian, chi phí, xuất vốn thêm; có ghi nhận mọi đóng góp thật chi tiết. Trong khi chúng ta vượt quá chi phí một cách rất dễ dàng. Bất cứ lúc nào gián đoạn, họ vẫn biết giá trị hiện tại của doanh nghiệp và cổ phần là bao nhiêu.

Startup Mỹ nằm trong một hệ sinh thái đầy đủ, tích cực và trù phú. Môi trường khởi nghiệp với giấy tờ hành chính rất mau lẹ, hành lang pháp luật đầy đủ, có sẵn luật sư tư vấn chuyên môn dày dạn kinh nghiệm”.

Trong cuốn sách “Một đời quản trị” của GS. Phan Văn Trường, ông ghi rõ 7 điều kiện thành công trong khởi nghiệp, trong đó nhấn mạnh sản phẩm không phải là quan trọng nhất, cũng không cần phải mới, bình mới rượu cũ cũng tốt, bình cũ rượu mới cũng được. 

Ở đây, hệ sinh thái là sự đáp ứng với nhu cầu thị trường, đổi mới nhờ có đối tác công nghệ sáng tạo, đối tác sản xuất, marketing, phân phối, bao bì… đáng tin cậy. Ông cho rằng rất đông doanh nghiệp tiết kiệm lao động bằng phần mềm là thất bại, vì lao động ở Việt Nam còn quá rẻ.

“Đồng đội cùng đầu tư và làm việc nhóm, cùng xuất vốn, hệ sinh thái là thị trường cho phép kiếm ra nhân sự tài năng, đối tác sẵn sàng đầu tư. Hệ sinh thái cũng giúp có một hợp đồng và cương lĩnh. Về vốn, hệ sinh thái ở đây rất rộng, từ cha mẹ, họ hàng, bạn bè thân hữu, ngân hàng, các quỹ đầu tư nhưng quan trọng nhất là tính vốn ban đầu đúng nên khởi nghiệp có thể thu tiền ngay từ ban đầu.

Về môi trường kinh doanh và pháp lý, ở Mỹ là tuyệt vời, nước Pháp thì không thuận lợi. Trong khi đó, ở Việt Nam thì không có nhiều thứ: hỗ trợ, hành lang pháp luật đầy đủ, không có vốn cho khởi nghiệp ngoài địa ốc, không có thị trường mua bán công ty khởi nghiệp… nhưng có rất nhiều khẩu hiệu quyết tâm! 

Ở Mỹ, khi cần bán công ty, các doanh nghiệp khác biết đánh giá giá trị của mình và sẵn sàng mua lại, không có chuyện lừa dối vô tội vạ. Họ chỉ lừa nhau vào thời điểm thương thuyết hợp đồng. 

Mô hình kinh doanh và chiến lược kinh doanh phải làm sao cho cỗ máy thu hoạch doanh thu càng sớm càng tốt. Tính miễn phí là một mô hình kinh doanh vô cùng hùng mạnh, tại Mỹ, hệ sinh thái đơn giản hoá và an toàn hoá mọi sự trao đổi. Giá trị của khởi nghiệp nằm luôn ở mô thức thanh khoản như mua App chẳng hạn. 

Chiến lược kinh doanh hợp thời và cần may mắn nữa, thẻ tín dụng phải được sử dụng một cách đại chúng thì mới cho phép doanh nghiệp phát triển nhanh, thị trường quảng cáo hùng mạnh và trù phú mới là hậu thuẫn hiệu quả. Hợp thời cũng là điều kiện trong việc tạo hệ sinh thái. Nếu Grab và Uber mà không có 3G và GPS thì chết tức thì”, GS. Phan Văn Trường cho biết thêm.

Nhà nước chính là “người tạo nên luật chơi” cho hệ sinh thái 

Nhắn nhủ với hơn 500 startup có mặt trong sự kiện, GS. Phan Văn Trường nói: “Đi đến công ty lớn nào, tôi cũng nói: Xin các bạn đừng hô khẩu hiệu nữa, chỉ cần hỗ trợ cụ thể cho các công ty khởi nghiệp”.

Theo nhìn nhận của ông Trường, khởi nghiệp ở Việt Nam không dễ, cần khoảng mười ngàn công ty khởi nghiệp thành công nghĩa là phải có 100 ngàn công ty khởi nghiệp và những nhà đầu tư lớn sẵn sàng rót từ 1 – 10 tỷ đồng mỗi năm để tài trợ cho các công ty này. 

Muốn thành công, phải tạo giá trị khác biệt cho dù cùng loại dịch vụ hay sản phẩm nhưng nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam lại tự phá giá trị khác biệt bằng cách giảm giá. 

“Đừng tưởng cứ đồ rẻ khách hàng sẽ thích mua, họ sẽ quyết định mua đúng cái họ muốn. Hãy bỏ tư duy giảm giá đi vì nó không đáp ứng lý luận nào vững chắc cả. Cũng đừng tưởng có khách hàng đầu tiên là thành công, đây là ngõ chết nếu không cẩn thận, sẽ không có khách hàng thứ nhì”, ông Trường khuyến cáo.

Đề cập đến tư duy làm giàu bằng mọi giá, ông Trường cho rằng đây chính là tư duy tàn phá hệ sinh thái: “Ví dụ ngành xây dựng giảm giá khiến cho tai nạn công trường, vật liệu kém chất lượng xảy ra ngày một nhiều hơn. Thị trường bất động sản đang nóng quá, ai cũng muốn xây càng nhanh càng tốt, khiến cho nhiều công trình xây quá ẩu, các căn hộ không có ban công là một vấn đề rất đau lòng. Ở Pháp, một thị trưởng đã bị đi tù vì cho phép một miếng đất không có giấy phép thổ cư và bị ngập nước trở thành đất thổ cư.

Nếu tất cả nhà thầu đều thống nhất không đi quá đề xuất chuẩn mực của ngành thì sẽ không có tai nạn xảy ra. Ngành xây dựng phải có giá sàn, luật chơi hoàn toàn nằm ở chủ đầu tư và vẫn giữ được sự cạnh tranh.

Nếu Việt Nam là thị trường thực sự thì những nhà đầu tư kém chất lượng đã chết từ lâu. Thị trường địa ốc khi đóng băng bỗng dưng có 30 ngàn tỷ đồng đến cứu, trong khi người nông dân rất cần vốn thì không thấy. Chúng ta có những chính sách rất cụ thể và thực tiễn cho người làm địa ốc, trong khi với nhiều lĩnh vực khác thì chỉ là hô hào thôi. Bản chất của một hệ sinh thái chuẩn chính là: Ai cũng là nhân và ai cũng là quả.

Tuy nhiên, đừng đổ lỗi cho cái gì mà tự mình phải thay đổi, đến lúc nào đó tự hệ sinh thái sẽ sinh ra. Khi tạo được hệ sinh thái nho nhỏ sẽ tự nó tạo ra các hệ sinh thái khác. Hệ sinh thái làm tối ưu hoá lợi ích cả cộng đồng, tự nó đưa cả tập thể đi đúng đường. 

Khi tạo hệ sinh thái dành cho tất cả mọi người được tự do phán đoán, tự do toàn diện để kinh doanh và hái phần thu nhập tương đương giá trị mình tạo ra, đó là sự trù phú tối ưu. Chỉ có hệ sinh thái mới làm được điều đó, nhờ đó dù có nước nào gây áp lực Mỹ cũng sẽ không sao, ngược lại khi Mỹ gây áp lực cho nước nào đó thì nước đó sẽ khốn đốn”.

Đóng góp về quản trị kinh tế vĩ mô, ông Trường cho biết, Nhà nước hãy chấm dứt tư duy hỗ trợ “chim đầu đàn”. Tôi sắp viết cuốn sách thứ tư, tập trung đi tìm chính sách cho đất nước, để phục vụ tốt cho một trăm phần trăm xã hội trung bình, tạo nên nền tiêu thụ trong nước, tạo môi trường mới, sẽ giúp Việt Nam trở thành một cường quốc.

Hiện rất nhiều vùng Việt Nam bị sa mạc hoá, nhiều làng chỉ có cụ già thôi, ở Pháp cũng vậy, 1 euro mua được cả cái làng. Chúng ta phải dân số hoá lại vùng bị sa mạc hoá, che chở đất nông nghiệp và tư hữu hoá đất đai. Ý thức tầm quan trọng của hệ sinh thái khởi nghiệp cùng với doanh nghiệp nhỏ và vừa. 

Hệ sinh thái chỉ xuất hiện khi bước đầu mọi đối tác trong toàn quốc tương tác mạnh mẽ, đồng vốn được phân phối đều, không dồn vào một lĩnh vực nào, ưu tiên phải là nông nghiệp và phát triển địa phương. Phải có đủ dân mới tạo ra không gian mà mình muốn, hiện thời rất đông đô thị thiếu dân, dân đều đổ về TP. HCM và Hà Nội. 

Việt Nam có đặc trưng du lịch mà nước khác không có, chắc chắn đầu tư du lịch sẽ thành công. Nông nghiệp cũng rất nhiều việc để làm, nếu đầu tư công nghệ thông tin thì đầu tư an ninh xã hội như an ninh của người dân, an ninh mạng, nắm phần chắc đúng thị trường rồi, đúng sản phẩm nữa thì tốt.

Hệ sinh thái toàn quốc chỉ có thể xuất hiện với hệ thống quy hoạch tích hợp, một hệ thống giao thông liên tỉnh với độ phủ cao, hệ thống phân phối hàng hoá năng động và toàn diện, với sự bảo vệ thị trường đồ gốc khắt khe, thủ tục hành chính nhanh chóng. Rất may là chưa có nhà bán lẻ ngoại nào đủ sức thống lĩnh hệ thống phân phối, nếu không chúng ta sẽ rất khó khăn. Đặc biệt, phải ý thức được bài toán 100 ngàn công ty khởi nghiệp mới có được một Google hay Microsoft.

Kết thúc buổi trò chuyện, GS. Phan Văn Trường đã khiến 500 startup Việt Nam bừng sáng, hừng hực lửa bởi khát khao được cho đi, được cống hiến: “Tôi muốn gieo vào đầu các em những suy nghĩ, có thể chưa tròn trịa. Với tất cả lòng khiêm tốn, tôi mong mỏi các em cùng nhau tạo ra hệ sinh thái, cùng nhau xây dựng nó, cùng nhau cho vào một hệ sinh thái cụ thể. Hãy luôn cho đi!

Hướng đi của đất nước chúng ta là những doanh nghiệp nhỏ và vừa, chứ không phải doanh nghiệp lớn đâu. Muốn tạo hệ sinh thái, trước tiên phải vẽ bản đồ những thành phần trực tiếp và gián tiếp liên quan đến công việc của mình, cho dù thiếu nhưng nếu thuyết phục được 60% thì 40% sẽ tự đi vào. 

Giống như Kimura, khi ông tạo ra hệ sinh thái thì các côn trùng thú vật khác sẽ tự kéo vào vườn, không cần phải đi tìm. Ví dụ như khu vực Bình Thạnh, chỉ đi ra ba bước là có ba món ăn để chọn rồi. Tuy nhiên, Phú Mỹ Hưng chưa phải hệ sinh thái vì buổi tối còn rất vắng vẻ. Khi có mười tiệm ăn thì tự nhiên sẽ có nhiều tiệm ăn khác nữa kéo vào.

“Ý tưởng hệ sinh thái không cần nỗ lực cao lắm mà cần những yếu tố cơ bản để tạo nên sự sống, tạo luồng trao đổi tiền tệ. Rất đáng tiếc nhiều đại gia có nhiều tiền lại không ném vào nền kinh tế. Ai cũng có sự khao khát nhưng ai là người tạo ra cái luồng, bối cảnh, luật chơi, để tất cả những người khao khát đó cùng nhau tạo ra hệ sinh thái mạnh mẽ cho khởi nghiệp? Đó chính là Nhà nước. 

Nếu chúng ta đổi luật chơi là tạo hệ sinh thái cho người khác nữa. Người tạo nên luật chơi có thể tạo nên sự trù phú, tạo kết quả. Chính sách vĩ mô rất quan trọng để tạo ra hệ sinh thái. Nếu làm sai, chính sách cũng có thể làm triệt tiêu hệ sinh thái.

Tôi tình nguyện là người tiên phong đi cấy nền cho hệ sinh thái, bắt đầu từ Sài Gòn, đến Đà Nẵng, Hà Nội… Tìm ra cái nghiệp của đất nước và chức năng của Việt Nam, chúng ta sẽ trù phú cả ngàn năm. Đây là luận án mà chúng ta chưa làm xong.

Ý tưởng hệ sinh thái là để tạo ra cái gì trường tồn, bền vững, điều đó thổn thức trong lòng tôi và các bạn. Hãy cố gắng tạo ra hệ sinh thái trong đời sống của từng người chắc chắn đời sống sẽ thay đổi.

Bắt đầu từ ngày hôm nay, các bạn sẽ thấy cả người hành khất cũng có thể kéo vào hệ sinh thái để có cơ hội thay đổi cuộc đời họ. Hệ sinh thái phải có chỗ cho cả con kiến, con rắn, con chuột… chứ không phải chỉ dành cho những ai có trên mười ngàn USD.

Hãy tạo một hệ sinh thái trong giáo dục, cho trẻ em, mỗi người hãy cố gắng tạo hệ sinh thái cho gia đình và những người thân xung quanh mình, đừng tạo hệ sinh thái ở chỗ khác”, ông Trường nhấn mạnh

NGUỒN: Theo Báo The Leader
Link bài: Tư duy nào đang tàn phá…
(https://theleader.vn/tu-duy-nao-dang-tan-pha-he-sinh-thai-cua-viet-nam-1559273708565.htm)
Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *