Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế, đồng thời Chính phủ sẽ thúc đẩy hình thành những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, tiềm lực mạnh, có năng lực cạnh tranh khu vực, quốc tế.
Đó là khẳng định của Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình trong phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội mới đây.
Nhưng để xây dựng các tập đoàn tư nhân đủ mạnh, đóng vai trò động lực tăng trưởng mới, nhiều chuyên gia kinh tế khuyến nghị cần thay đổi tư duy phát triển theo hướng hỗ trợ người thắng cuộc và ủng hộ tư nhân làm các dự án hạ tầng quan trọng quốc gia.
8 dự án trên tuyến cao tốc Bắc – Nam – phải hỗ trợ để tư nhân tham gia
Theo ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội để phát triển các tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh, có công nghệ hiện đại để làm nòng cốt, mũi nhọn phát triển kinh tế cần tiếp tục các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh thực chất, xóa bỏ các rào cản với phát triển kinh tế tư nhân, không để tồn tại các gánh nặng “hậu đăng ký doanh nghiệp”, không chấp nhận việc để tồn tại các chi phí không chính thức.
Bên cạnh đó, tiếp tục khuyến khích tham gia đầu tư, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, năng lượng thông qua mô hình hợp tác công tư (PPP). Thực tế thời gian qua một số công trình hạ tầng mang tính kết nối do các tập đoàn kinh tế tư nhân trong nước đầu tư bảo đảm tiến độ, chất lượng như cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, cao tốc Vân Đồn – Hạ Long – Hải Phòng, cầu Bạch Đằng.
Vì vậy, ông Vũ Hồng Thanh cho rằng trong bối cảnh nguồn vốn nhà nước có những khó khăn nhất định cần ủng hộ mạnh mẽ tư nhân tham gia các dự án hạ tầng lớn như cao tốc Bắc Nam phía đông, sân bay quốc tế Long Thành.
Ví dụ 8 dự án thành phần trên tuyến cao tốc Bắc – Nam được Quốc hội quyết định đầu tư theo PPP, cần có chính sách lựa chọn nhà đầu tư phù hợp để tư nhân trong nước có thể tham gia. Sự tham gia có hiệu quả của tư nhân vào quá trình phát triển kinh tế, xã hội sẽ dần hình thành một nền kinh tế độc lập, tự chủ, ít phụ thuộc bên ngoài.
Còn theo ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, Chính phủ đã có nhiều chính sách khuyến khích tư nhân phát triển, vấn đề hiện nay cần thực thi đầy đủ các chính sách đó để hỗ trợ khu vực tư nhân phát triển.
Cụ thể, cần thực hiện tốt các nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm điều kiện kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, xây dựng chính phủ điện tử, rồi thuận lợi hóa tự do thương mại để giảm chi phí cho doanh nghiệp. Một môi trường kinh doamh thuận lợi sẽ hỗ trợ mạnh mẽ tư nhân phát triển.
Hỗ trợ người thắng cuộc, dựa vào kết quả kinh doanh
Để tạo đột phá trong phát triển kinh tế tư nhân hướng tới hình thành các tập đoàn tư nhân mạnh, đủ sức cạnh tranh toàn cầu, PGS.TS Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng nhấn mạnh cần thay đổi tư duy theo nguyên tắc hỗ trợ người thắng cuộc.
Ông Thiên nói thêm, lâu nay ta ưu đãi nhiều cho DNNN nhưng không mang lại hiệu quả như kỳ vọng. Cần chuyển sang cơ chế hỗ trợ người thắng cuộc, dựa vào kết quả kinh doanh để thưởng cho doanh nghiệp thắng cuộc.
Theo đó, các doanh nghiệp tư nhân hoạt động hiệu quả sẽ được thưởng, được hưởng có chế hỗ trợ tốt hơn, nhờ đó doanh nghiệp tư nhân lớn lên.
Với các tập đoàn tư nhân trong nước đủ năng lực, kinh nghiệm, PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng cần giao cho họ những việc tốt hơn, quan trọng hơn, thách thức hơn. Điều này hỗ trợ rất hiệu quả cho các doanh nghiệp có năng lực, làm ăn tốt vươn lên thành tập đoàn lớn.
“Kinh nghiệm nhiều năm qua cũng cho thấy không phải doanh nghiệp tư nhân VN không làm được mà chúng ta không tin tư nhân trong nước và đặt ra các tiêu chuẩn để loại họ ra ngoài cuộc chơi” – ông Thiên cho biết.
Tại diễn đàn kinh tế tư nhân 2019, Thủ tướng cũng đưa ra mệnh lệnh phát triển – những gì tư nhân trong nước làm được thì nên giao cho họ. Theo ông Thiên đó là đòi hỏi chính đáng chứ không phải xin cho.
Ví dụ các tập đoàn tư nhân trong nước đã đầu tư xây dựng nhà máy nhiệt điện Thăng Long (Quảng Ninh), nhà máy giấy An Hòa (Tuyên Quang), sân bay Vân Đồn và cao tốc kết nối Hải Phòng – Quảng Ninh – với cửa khẩu Móng Cái, sân bay Cam Ranh (Khánh Hòa)…
Từ thực tế trên, ông Thiên cho rằng doanh nghiệp tư nhân đã chứng minh họ có khả năng, có thể làm những dự án hạ tầng xoay chuyển tình thế, tạo bước ngoặt phát triển quốc gia. Thậm chí doanh nghiệp tư nhân trong nước còn cam kết rút ngắn một nửa thời gian nếu làm sân bay Long Thành.
Cũng theo vị chuyên này, muốn xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ, ít phụ thuộc bên ngoài phải có nội lực, thực lực, doanh nghiệp trong nước phải mạnh cả số lượng, chất lượng. Nền kinh tế độc lập tự chủ phải xây dựng dựa trên một đội ngũ doanh nghiệp dân tộc.
Và muốn hình thành đội ngũ doanh nghiệp dân tộc không có cách nào khác phải lấy khu vực tư nhân làm nền tảng, lấy tập đoàn tư nhân lớn làm trụ cột.