Trần Quí Thanh
—–
Kính gửi bác Trần Quí Thanh
Thưa bác,
Chúng cháu được biết một trong những lý do quan yếu để Tân Hiệp Phát trở thành một trong những doanh nghiệp hàng đầu nước ta là bác và gia đình bác rất chú trọng xây dựng văn hoá doanh nghiệp. Xin bác cho biết quan điểm của bác về văn hoá doanh nghiệp và những điểm cốt yếu để xây dựng văn hoá doanh nghiệp thành công.
Kính mong bác hồi âm
Ông Văn Hậu (Nam Hà): hauvan_ong1986@gmail.com
—–
Ông Văn Hậu mến!
Như cháu biết, Tân Hiệp Phát là doanh nghiệp gia đình, cho nên dù muốn hay không, tự thân đã hình thành văn hóa của doanh nghiệp mang hình ảnh của một gia đình đúng với nghĩa đen của nó. Gia đình Tân Hiệp Phát.
Nhưng văn hóa doanh nghiệp không chỉ đơn giản là văn hóa gia đình, mà từ nền tảng đó, xây dựng, hoàn thiện thành một “sản phẩm văn hóa” ở tầm vóc cao hơn, hoàn thiện hơn, đặc sắc hơn. Hay dở chưa dám nói, nhưng bắt buộc nó phải có sự riêng biệt, sự khác biệt, không nhầm lẫn vào ai khác.
Văn hóa của doanh nghiệp có hai phần gồm hình thức và nội dung. Những hình ảnh bên ngoài tạm gọi là hình thức. Màu sắc nhận diện, logo, slogan, nhãn mác cũng thể hiện văn hóa. Thẩm mỹ của doanh nghiệp chính là một phần của văn hóa.
Những quy định trong doanh nghiệp cũng thể hiện văn hóa của doanh nghiệp. Văn hóa của mỗi cá nhân trong một cộng đồng làm nên văn hóa của cộng đồng đó phải không cháu.
Đi làm đúng giờ, chào hỏi đồng nghiệp và đối tác, khách hàng lịch thiệp, tao nhã. Không nói xấu nhau, không đổ lỗi cho người khác, tiết kiệm điện nước, không nói điện thoại hay sử dụng phương tiện chung cho việc riêng, không sử dụng mạng xã hội, đọc báo trong giờ làm việc. Đặc biệt, mỗi người đều phải biết giữ gìn vệ sinh chung, không xả rác, tổ chức nơi làm việc ngăn nắp, sạch sẽ. Ý thức về bảo vệ môi trường không chỉ trong công ty, mà ngay cả khi ra ngoài.
Cho nên, điều mà bác muốn nói với cháu là khi mình xây dựng văn hóa doanh nghiệp, tầm ảnh hưởng của nó không chỉ giới hạn trong một phạm vi hẹp, mà có sức lan tỏa đến cộng đồng.
Nhưng chiều sâu văn hóa lại ở điều sau đây.
Đó là xây dựng giá trị cốt lõi của doanh nghiệp. Tạo ra sản phẩm có chất lượng để phục vụ tốt nhất cho người tiêu dùng. Trung thực, không gian dối, không vì lợi nhuận mà làm tổn hại đến sức khỏe của cộng đồng, ảnh hưởng đến môi trường. Đạo đức kinh doanh không phải là câu khẩu hiệu, mà nó phải được chuyển hóa thành hành động, là bản sắc của một doanh nghiệp. Đó chính là văn hóa.
Lợi ích của một doanh nghiệp có được là nhờ sự ủng hộ của người tiêu dùng, phải biết ơn về điều đó. Lòng biết ơn là chiều sâu của văn hóa, và thể hiện lòng biết ơn đó bằng những chia sẻ với cộng đồng. Các chương trình xã hội mà Tân Hiệp Phát làm bền bỉ trong mấy chục năm qua cho đến hôm nay chính là thể hiện lòng biết ơn.
Sâu hơn nữa, khát vọng vươn tới, góp phần xây dựng hình ảnh quốc gia bằng chính sự trưởng thành, hội nhập của một tập đoàn, một doanh nghiệp. Điều này không chỉ nằm trong óc của chủ doanh nghiệp, mà biến thành ý chí, quyết tâm, của tất cả mọi thành viên.
Tất cả những điều tưởng chừng như rất trừu tượng đó, lại chính là nội dung của văn hóa doanh nghiệp.
Chúc cháu thành công.
Trần Quí Thanh
(Hãy viết thư cho tôi: tranquithanh1953@gmail.com)