Trần Quí Thanh
—–
Chào anh Trần Quí Thanh,
Thưa anh, theo dõi blog của anh, thấy anh rất quan tâm đến sự khởi nghiệp của lớp trẻ nên gởi anh tâm tư của bậc phụ huỵnh, là thế này anh ạ:
“Làm sao để các start-up khởi nghiệp ở Việt Nam thuận lợi nhất, không phải tìm cách ra nước ngoài để lập công ty vì những quy định pháp luật không đủ tốt”.
Câu đó báo chí nói chứ không phải của em nhưng đúng là tâm tư trăn trở của bậc phụ huynh như em. Vì cha mẹ ai cũng muốn con cái lập nghiệp trên quê hương đất nước của mình, phải không anh?
Chúc anh mạnh giỏi
Lê Quỳnh Thơ (Hậu Giang): quynhtho_haugiang09@gmail.com
—–
Lê Quỳnh Thơ mến!
“Chúng ta không để các start-up phải ra nước ngoài mở công ty vì những chính sách chưa tốt. Mặc dù chúng ta có những thành tích tốt nhưng đừng quên rằng trong xếp hạng mới nhất về sự sẵn sàng cho nền sản xuất tương lai thì VN đang nằm trong nhóm các nước sơ khởi”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Diễn đàn Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam 2019.
Theo tui, cũng cần bình tĩnh để nhìn nhận về vấn đề này. Nếu như các công ty trong nước nhìn thấy cơ hội ở thị trường các nước, phù hợp với điều kiện và năng lực của mình, họ sang mở công ty, đầu tư ở nước ngoài, thì đó là điều tốt.
Nhưng ngược lại, có những lĩnh vực hoàn toàn có thể khởi nghiệp ở trong nước, nhưng do gặp nhiều khó khăn, cản trở, nên họ phải tìm ra nước ngoài vì môi trường hành chính, hệ thống pháp luật minh bạch hơn, thì là điều đáng lo.
Chính phủ đã nhìn thấy rõ điều này, nên đã liên tục thay đổi để tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi, hệ thống hành chính lành mạnh, ví dụ như bãi bỏ điều kiện kinh doanh không phù hợp, xóa hết những thủ tục kiểm tra chuyên ngành vô lối. Chủ trương này đã được thực hiện, nhưng chưa quyết liệt, chưa tới cùng.
Nếu nói rằng, hệ thống pháp luật Việt Nam chưa minh bạch, có lẽ cũng một phần do những giấy phép con loại này đây. Và chính vì điều kiện kinh doanh còn tồn tại, là cơ hội cho nhũng nhiễu, đòi tiền.
Điều mà doanh nghiệp mệt mỏi không chỉ là chuyện vòi vĩnh tiền bạc là xong, mà còn gây khó khăn đủ điều, kéo dài, rất mất thời gian. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ban hành Chỉ thị 20 năm 2017 yêu cầu các bộ, ngành và địa phương: “Không để xảy ra tình trạng thanh tra, kiểm tra quá một lần mỗi năm đối với doanh nghiệp”, nhưng trên thực tế, doanh nghiệp dù bị thanh kiểm tra nhiều lần, cũng không có ai dám phản đối, vì sợ làm mất lòng các cơ quan quản lý.
Thêm nữa, khi có một sai sót dù nhỏ, doanh nghiệp bị đánh phủ đầu, có thể bị sập tiệm, vụ Con Cưng, cơm tấm Kiều Giang là một ví dụ. Thử hỏi, khởi nghiệp trong môi trường nhiều nguy cơ gây sát thương như vậy, ai dám?
Rất vui là trong thời gian qua, Chính phủ đã rất nỗ lực để cải thiện môi trường đàu tư kinh doanh và đã có những thay đổi, hy vọng trong năm nay đến 2020, sẽ có những kết quả tốt hơn.
Khi Chính phủ kiến tạo được một môi trường kinh doanh minh bạch, thuận lợi, nhà đầu tư, nhà khởi nghiệp thụ hưởng những sản phẩm chính sách thông minh, thì không ai dại dột bỏ đi đâu cho xa.
Xét cho cùng, trong “thế giới phẳng”, Chính phủ các quốc gia cũng phải cạnh tranh thu hút các nhà đầu tư.
Trần Quí Thanh
(Hãy viết thư cho tôi: tranquithanh1953@gmail.com)